Luật trưng cầu ý dân gây nhiều e ngại

Thứ tư - 25/02/2015 22:34
Luật trưng cầu ý dân gây nhiều e ngại Luật trưng cầu ý dân gây nhiều e ngại

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Kso Phước cho rằng đây là luật rất quan trọng, nếu xử lý không khéo "sẽ tự đẩy vào nguy cơ bất ổn, tự ta làm rối ta".

Chiều 25/2, tại phiên họp thứ 35 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các đại biểu đã nghe và cho ý kiến lần đầu dự án Luật Trưng cầu ý dân do Hội Luật gia Việt Nam soạn thảo.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho hay, đã có 167 trong số 214 quốc gia và vùng lãnh thổ có luật hoặc các quy định pháp lý về trưng cầu ý dân. "Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, việc ban hành Luật trưng cầu ý dân là cần thiết”, ông Quyền nêu.

Cho ý kiến về dự thảo với 9 chương, 58 điều, các đại biểu nhất trí về tính cần thiết ban hành. Ông Phan Trung Lý (Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật) cho rằng đây là mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, từ Hiến pháp 1946 đến nay vấn đề trưng cầu ý dân mới được cụ thể hóa thành luật.

Về những vấn đề được trưng cầu, tại điều 6 của dự thảo đưa ra 2 phương án: quy định có tính khái quát, nguyên tắc hoặc liệt kê cụ thể những vấn đề Quốc hội có thể đưa ra trưng cầu ý dân. Qua thẩm tra, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy xác định đưa vấn đề nào ra trưng cầu ý dân là đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng đến quyền dân chủ trực tiếp của người dân khi tham gia công việc của nhà nước. Tuy nhiên xác định cụ thể là rất khó, tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh  của đất nước tại mỗi thời điểm và quyền của quốc hội. Mặt khác, Hiến pháp và Luật tổ chức quốc hội cũng chỉ quy định thẩm quyền Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân mà không quy định cụ thể việc nào phải trưng cầu.

Ủy ban Pháp luật tán thành phương án 1 như dự thảo là chỉ quy định khái quát, nguyên tắc những vấn đề có thể được đưa ra trưng cầu. Đó là vấn đề quan trọng về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản công dân; quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế đặc biệt quan trọng. Căn cứ vào đó, tùy vào yêu cầu, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, Quốc hội quyết định tổ chức trưng cầu ý dân đối với từng vấn đề.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng nếu đã đồng thuận quan điểm về sự cần thiết có Luật trưng cầu ý dân để phát huy quyền dân chủ của người dân thì xây dựng nội dung cụ thể "không quá khó". Bà đề nghị Ban soạn thảo bổ sung đánh giá báo cáo tác động, đánh giá mức độ mong chờ của người dân với dự án luật, đánh giá thuận lợi khó khăn trong bối cảnh cụ thể của Việt Nam.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Kso Phước cho rằng đây là luật rất quan trọng. "Vì thế "không thể mơ mơ màng màng. Nếu xử lý không khéo sẽ tự đẩy mình vào nguy cơ bất ổn, tự ta làm rối ta”, ông nói.

Cho rằng cần phải xây dựng luật chặt chẽ, cụ thể và phải lường được hết mọi vấn đề, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm ủy ban tài chính - ngân sách nêu 6 câu hỏi cần được trả lời gồm: khi nào thì trưng cầu ý dân; nội dung của trưng cầu ý dân là gì; ai là người được trưng cầu; ai quyết định thời điểm; trưng cầu phải tổ chức toàn quốc; ai sẽ công nhận kết quả trưng cầu.

Trước việc còn nhiều ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Ban soạn thảo phải làm rõ giá trị pháp lý của kết quả trưng cầu ý dân, lấy góp ý của Chính phủ, các tổ chức để tiếp tục hoàn thiện. Thường vụ sẽ tiếp tục cho ý kiến vào tháng 4 trước khi quyết định có trình Quốc hội hay không.

Võ Hải

Nguồn tin: vnexpress


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Bình Luận Facebook
Showbiz
Tin thế giới
Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 150
  •   Máy chủ tìm kiếm 2
  •   Khách viếng thăm 148
 
  •   Hôm nay 30,057
  •   Tháng hiện tại 741,465
  •   Tổng lượt truy cập 130,325,234