‘Taxi’ - bông hồng cho điện ảnh Iran tại LHP Berlin

Thứ bảy - 07/02/2015 11:32
‘Taxi’ - bông hồng cho điện ảnh Iran tại LHP Berlin ‘Taxi’ - bông hồng cho điện ảnh Iran tại LHP Berlin

Bộ phim mới nhất của đạo diễn Jafar Panahi thêm một lần nữa chứng tỏ sức mạnh không gì cản trở được của những nhà làm phim Iran trong bối cảnh đất nước chịu nhiều kiểm duyệt và cấm đoán hàng đầu thế giới.

Từ năm 2010, đạo diễn nổi tiếng Jafar Panahi chịu án cấm hành nghề làm phim, trả lời phỏng vấn và xuất cảnh trong 20 năm. Tuy thế, ông vẫn cho ra đời This is Not a Film (Đây không phải là một bộ phim) trình chiếu tại LHP Cannes 2011 ở hạng mục Un Certain Regard. Bộ phim kể về một ngày của Panahi trong quãng thời gian ông chờ đợi phán quyết của tòa án.

Hai năm sau, LHP Berlin 2013 chọn Closed Curtain (Màn đóng), cũng với nhân vật chính là Panahi vừa đóng chính mình vừa đóng vai một nhà văn, tranh giải Gấu Vàng. Năm nay, Taxi tiếp tục là phim Iran duy nhất trong phần tranh giải của LHP Berlin lần thứ 65.

‘Taxi’ - bông hồng cho điện ảnh Iran tại LHP Berlin 1

Cháu gái của đạo diễn Jafar Panahi.

Trong Taxi, một cô bé chừng 8 tuổi - người cháu mà Panahi (trong vai người lái xe) đi đón - cho khán giả biết cần làm sao để một bộ phim được phép trình chiếu tại Iran. Cô bé mồm mép tép nhảy và rất thông minh sắc sảo, mỗi tháng cô phải làm một “bộ phim” với chiếc máy chụp hình đơn sơ theo chương trình học ở trường. Cô mở vở ra giảng giải lại những điều cô giáo dặn, làm sao để làm một bộ phim có thể “được phép chiếu”: người đàn ông tốt phải mang tên đạo Hồi và không đeo cà vạt, phụ nữ phải trùm khăn và ăn mặc đúng chuẩn đạo Hồi, đặc biệt tránh “bôi nhọ xã hội”, né các đề tài chính trị và kinh tế...

Một cơ chế tự kiểm duyệt của nghệ sĩ, của nhà làm phim được thấm nhuần ngay từ khi còn trên ghế nhà trường. Chuyện phim nghe qua có vẻ rất khô cứng và sắp đặt, nhưng nhờ tài năng của Panahi, điều này được truyền tải tự nhiên, cuốn hút và cũng không kém phần hài hước chua cay.

‘Taxi’ - bông hồng cho điện ảnh Iran tại LHP Berlin 2

Đạo diễn Jafar Panahi vào vai người lái xe taxi.

“Không dừng lại” dường như là mục đích sống của nhân vật người lái xe trong Taxi. Để lách kiểm duyệt, ông không làm phim theo chuẩn thông thường được quy định. Taxi không có phần credit cuối phim nhằm lách luật định nghĩa rằng đây là một bộ phim. Taxi là một phim hành trình, là chuyến đi dài trong một buổi sáng của Jafar Panahi với những người “khách”. Họ biết hoặc không biết ông là đạo diễn nổi tiếng, một số người đoán được đây là sự sắp đặt của một bộ phim hoặc không.

Taxi đặt người xem vào thế của người trong cuộc, thông qua những góc nhìn từ chiếc camera kiểm soát trên taxi, qua chiếc điện thoại của chính Panahi hoặc chiếc máy chụp hình của cô cháu gái nhỏ. Người xem được chứng kiến như trong đời sống thật cuộc tranh luận về án treo cổ giữa một thanh niên trẻ và một cô giáo trung niên.

Một vụ tai nạn xe mô tô của một đôi vợ chồng xảy ra và trên đường taxi chở tới bệnh viện, người chồng quyết tâm nhờ quay lại bằng hình ảnh di chúc ông để lại tài sản cho vợ chứ không phải thuộc về những người anh em theo luật pháp hiện hành. Hai người phụ nữ già đồng bóng và mê tín với chiếc bình thủy tinh đựng hai con cá vàng. Khán giả cũng sẽ thấy một người bán đĩa phim lậu tài lanh và những khách hàng của anh ta, trong đó có cả con trai Panahi và chính ông. Đĩa phim lậu là cách duy nhất để người yêu điện ảnh có thể xem phim nước ngoài ở Iran, từ phim truyền hình dài tập Mỹ tới phim nghệ thuật quốc tế.

‘Taxi’ - bông hồng cho điện ảnh Iran tại LHP Berlin 3

Hình ảnh ấn tượng trong phim "Taxi".

Một trong những cảnh quay đáng nhớ nhất trong Taxi là khi một người nữ đồng nghiệp của Panahi bước lên xe. Cô từng bị cầm tù và cũng từng tuyệt thực phản đối giống như ông. Cô cầm trên tay một bó hồng đỏ thắm. Khi rời đi, cô tặng lại Panahi một bông hồng. Trong tiếng nhạc réo rắt, bông hoa hồng phấp phới trước cửa kính xe, người xem dường như ngửi được cả mùi hương của nó. Một bông hồng vẫn mặc sức tỏa hương trong nắng, dù đời sống xung quanh có khắc nghiệt tới đâu và đòi hỏi con người ta phải tự kiểm duyệt đến như thế nào.

Sau bộ phim mở màn Nobody Wants the Night của Isabel Coixet gây thất vọng, Taxi đưa LHP Berlin trở lại với vai trò mang dấu ấn: một liên hoan phim không ngại các đề tài gây tranh cãi và cấm kỵ. LHP Berlin năm nay đã có một mở màn rất thành công và khác biệt, cách xa những hào nhoáng của thảm đỏ và những lời bay bướm trống rỗng của chính trị gia.

Mạnh Cường Vũ (từ Berlin)

Nguồn tin: giaitri vnexpress


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Bình Luận Facebook
Showbiz
Tin thế giới
Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 116
  •   Máy chủ tìm kiếm 1
  •   Khách viếng thăm 115
 
  •   Hôm nay 1,229
  •   Tháng hiện tại 929,680
  •   Tổng lượt truy cập 128,547,919