Kính viễn vọng James Webb của NASA chụp được những hình ảnh mới nhất về tàn dư của siêu tân tinh Cassiopeia A.
Đài CNN ngày 13/12 đưa tin viễn vọng kính James Webb của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) gần đây đã chụp được những hình ảnh mới về tàn dư của siêu tân tinh Cassiopeia A trong chòm sao Thiên Hậu.
Siêu tân tinh Cassiopeia A cách Trái đất 11.000 năm ánh sáng. (Ảnh: NASA)
Siêu tân tinh Cassiopeia A cách Trái đất 11.000 năm ánh sáng và từ góc độ Trái đất, ước tính siêu tân tinh này phát nổ cách đây khoảng 340 năm.
Theo NASA, khám phá mới này được thực hiện nhờ NIRCam, một camera cận hồng ngoại của kính viễn vọng James Webb giúp chụp siêu tân tinh Cassiopeia A mà trước đây không thể tiếp cận được ở các bước sóng này.
Hình ảnh có độ phân giải cao tiết lộ các chi tiết phức tạp của lớp vỏ vật chất đang giãn nở đâm vào khí do ngôi sao tỏa ra trước khi nó phát nổ, theo chuyên gia Danny Milisavljevic tại Đại học Purdue (Mỹ) dẫn đầu nhóm nghiên cứu.
"Với độ phân giải của NIRCam, giờ đây chúng ta có thể thấy ngôi sao sắp chết hoàn toàn tan vỡ như thế nào khi nó phát nổ, để lại những sợi tơ giống như những mảnh thủy tinh nhỏ xíu phía sau", ông mô tả.
Sự khác biệt về màu sắc được ghi lại trong hình ảnh mới về Cassiopeia A, trong đó ánh sáng hồng ngoại được chuyển thành bước sóng ánh sáng có thể thấy được, chứa đựng thông tin khoa học mới mà các nhà nghiên cứu đang cố gắng tìm hiểu.
Một ví dụ là khu vực Cassiopeia A trong hình ảnh mới cho thấy một vòng ánh sáng xanh lục trong khoang trung tâm của siêu tân tinh phát sáng, được nhóm nghiên cứu đặt biệt danh là "quái vật xanh".
Các nhà nghiên cứu tin rằng điều này là do các mảnh vụn siêu tân tinh bị đẩy qua và tạo thành khí do ngôi sao để lại trước khi nó phát nổ.
"Bằng cách tìm hiểu quá trình các ngôi sao phát nổ, chúng ta đang đọc câu chuyện về nguồn gốc của chính mình. Tôi sẽ dành phần còn lại của sự nghiệp để cố gắng tìm hiểu bản chất của những dữ liệu này", ông Milisavljevic chia sẻ.
Nguồn tin: khoahoc.tv
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn