Bắt ông bà phải ngày ngày chăm cháu thật không có lý

Thứ tư - 18/05/2016 19:52
Bắt ông bà phải ngày ngày chăm cháu thật không có lý Bắt ông bà phải ngày ngày chăm cháu thật không có lý

Thi thoảng các cháu về với ông bà một vài ngày thì tình cảm là hoàn toàn tốt đẹp. Nếu ngày ngày phải tã lót, cơm cháo rồi đưa đón học hành thì ông  bà nào cũng mỏi mệt.

Gần đây thấy nhiều ý kiến về việc ông bà nên hay không nên chăm cháu, tôi thật sự cảm thấy một điều toát lên qua các bài viết: người trẻ tụi tôi thật ích kỷ. Các bố mẹ có thể nói những thảo luận mang nặng tinh thần của phương Tây là ích kỷ, nhạt tình cảm, là xa rời truyền thống và văn hóa việt. Nhưng tôi, một người chẳng trẻ chẳng già (36 tuổi), cũng chưa đi đông về tây bao giờ và đã có hai đứa con thì thấy những bài viết ấy hoàn toàn có lý.

Sao các bố mẹ ích kỷ thế khi đòi hỏi ông bà phải/ hoặc nên chăm sóc cháu? Con mình, mình không lo còn đổ trách nhiệm và đòi hỏi từ ai? Nếu đòi hỏi và và đổ trách nhiệm lên chính bố mẹ của mình thì lại càng tồi tệ. Như thế sau này dạy con mình như thế nào? Ngay từ khi chưa lấy chồng, thậm chí chưa yêu, tôi đã xác định rất rõ rằng nếu có gia đình, con cái, tôi phải là người chủ động trong mọi tình huống. Khi sinh lần lượt hai đứa con, các mẹ nhà tôi cũng chỉ ra thăm nom mấy ngày khi sinh chứ không hề phải lo lắng trong ngoài mọi thứ và vất vả tất bật vì con vì cháu. Có con, tôi nhìn thấy rõ ràng một điều: chăm sóc trẻ thực sự là công việc cực nhọc. Tôi thuê người giúp việc và bản thân mình cũng gánh rất nhiều việc nhà chứ không dồn hết cho họ. Khi công việc được phân bổ hợp lý thì tâm tư của người giúp việc cũng không thể quá ích kỷ, họ sẽ có thể dành tình cảm cho con tôi nhiều hơn. Có lẽ tôi gặp may mắn nữa nên sinh cả 2 đứa con thì chỉ cần thuê mỗi lần một người giúp việc cho đến khi các cháu 2 tuổi thì cho đi trẻ. Tôi quan niệm đó đơn thuần là trách nhiệm của mình và bố đứa trẻ chứ không phải thuộc về bố mẹ mình.

Nhưng xung quanh bạn bè, gia đình, họ hàng….. mọi người vẫn điềm nhiên nghĩ rằng khi họ sinh con thì bố mẹ có nghĩa vụ phải chăm sóc, hỗ trợ bằng cách này hay cách khác. Tôi thực sự ngạc nhiên về điều đó. Trong tầm ảnh hưởng của mình, tôi cố gắng thay đổi tư tưởng và quan niệm lạ lùng ấy dù rằng không phải lúc nào cũng thành công. Ông chồng yêu quý của tôi, khi chuẩn bị sinh con đầu lòng, nói đơn giản là đưa mẹ con tôi về “cho bà nội chăm sóc”. Tôi nhìn chồng: “Có đứa con bất hiếu thật là khổ, chăm nuôi chán con cái mình thì đến con cái của con cái mình. Đẻ con như này thì phí công. Đi triệt sản luôn đi”, anh choáng váng khi biết tôi nói thế rồi buộc phải công nhận vợ mình đúng và vui vẻ cùng với tôi lo lắng cho bọn trẻ.

Lại nói chuyện về bố mẹ tôi thì thấy tôi thất bại ê chề. Mẹ tôi nai lưng ra chăm nuôi cháu nội, gầy sụt đi vì cháu trong khi em trai thoải mái tự do làm thằng đàn ông rảnh rang nhất nhì thiên hạ. Tôi hỏi thì bà bảo đó là niềm vui nhưng niềm vui đó cứ lâu lâu lại bị đan xen bởi sự bực bội của tôi. Bởi khi bà ốm thì đến lượt tôi mang bà về chăm lo thuốc thang thang, nghỉ ngơi, ăn uống. Tôi hoàn toàn không bực bội vì phải chăm bà mà bực vì bà đang lãng phí sức lực chẳng còn lại mấy của bản thân.

Còn vô vàn bà nội, bà ngoại, ông nội, ông ngoại Việt như này nữa, tùy mỗi hoàn cảnh chứ không thể cứng nhắc là ôm lấy chăm sóc hay bỏ lơ các cháu để con cái tự lo, nhưng tôi vẫn thấy đa phần ông bà Việt thể hiện tình thương và trách nhiệm không đúng cách. Ông bà có cách dạy của ông bà, bố mẹ có quan điểm của bố mẹ, cùng chăm lo sẽ không tránh khỏi sự mâu thuẫn trong cả việc nuôi và dạy, vậy thì vì sao không “Ai làm việc nấy”?

Rất nhiều người (cả trẻ lẫn già) có lẽ sẽ nói rằng chăm sóc các cháu là niềm vui của rất nhiều ông bà. Cho tôi được nói thẳng điều này: đó chỉ là là niềm vui khi bản thân các ông bà được chăm sóc đầy đủ và đơn giản chỉ là chơi với các cháu. Nếu thi thoảng các cháu về với ông bà một vài ngày, sự chăm sóc và tình cảm là hoàn toàn tốt đẹp. Nhưng nếu ngày ngày phải tã lót, cơm nước rồi đưa đón học hành thì tin chắc rằng bất cứ ông bà nào cũng thấy mỏi mệt.

Bọn trẻ giờ là của chúng tôi cũng như chúng tôi từng hoàn toàn thuộc về bố mẹ mình trước đây. Nghĩ một cách mạch lạc là tuổi nào thì có nỗi lo, niềm vui và trách nhiệm của tuổi ấy, như thế mọi thứ sẽ tốt hơn. Đôi khi, người trẻ lấy khó khăn hiện tại ra để biện minh cho việc bóc lột sức lực (có thể cả tiền bạc) và tâm tư của bố mẹ mình nhưng không thể chối cãi rằng sức khỏe của bố mẹ còn ít hơn chúng ta, thời gian và cơ hội cũng ít hơn con cái để tận hưởng cuộc sống này. Hãy suy nghĩ và hành động công bằng hơn vì chính chúng ta sau này cũng mong mỏi con cái mình biết suy nghĩ và hành động công bằng cho bố mẹ chúng.

Nguồn tin: vnexpress


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Bình Luận Facebook
Showbiz
Tin thế giới
Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 129
  •   Máy chủ tìm kiếm 3
  •   Khách viếng thăm 126
 
  •   Hôm nay 24,575
  •   Tháng hiện tại 284,637
  •   Tổng lượt truy cập 133,368,385