Park Ji Sung: Chiến binh không phổi của Man Utd

Thứ ba - 31/03/2020 18:13
Park Ji Sung: Chiến binh không phổi của Man Utd Park Ji Sung: Chiến binh không phổi của Man Utd

Dân trí Trong cuốn tự truyện của mình, Andrea Pirlo từng nhắc đến Park Ji Sung như “người Hàn Quốc chạy bằng năng lượng hạt nhân”. Điều đó cho thấy cựu ngôi sao người Hàn Quốc được đánh giá cao tới thế nào...

Park Ji Sung: Chiến binh không phổi của Man Utd

Tinh thần quật cường của “đấu sĩ” Park

Công ty JS Limited của Park Ji Sung đã đầu tư 13 triệu bảng để xây dựng vào tổ hợp Star Plaza ở tỉnh Gyeonggi (nơi bố mẹ anh sinh sống). Trong khu tổ hợp này có cả trung tâm đào tạo bóng đá trẻ, nơi mà anh muốn nuôi dưỡng giấc mơ chơi bóng của lũ trẻ.

Thực tế, so với nhiều đứa trẻ hiện nay, xuất phát điểm của Park Ji Sung thấp hơn rất nhiều. Anh sinh ra trong gia đình lao động, bố mẹ phải chạy ăn từng bữa. Và ngay cả khi so sánh với bạn bè cùng trang lứa ở thời điểm ấy, cậu bé Park Ji Sung cũng thấp bé hơn rất nhiều.

Park Ji Sung: Chiến binh không phổi của Man Utd 1

PSV từng trải qua rất nhiều khó khăn trước khi chuyển tới Man Utd

Thế nhưng, điều làm nên Park Ji Sung vĩ đại của đất nước Hàn Quốc sau này nằm ở ý chí và đặc biệt anh... rất khỏe. Đã có thời điểm, người ta từ chối giấc mơ chơi bóng của cậu bé Park Ji Sung vì quá nhỏ bé (chỉ cao hơn 1,6 mét) nhưng rồi, HLV của trường đại học Myongji đã quyết định nhận anh vì quá khỏe. Và đó là chính là bước ngoặt làm nên Park Ji Sung sau này.

“Tôi rất ghét thất bại và không bao giờ bỏ cuộc giữa chừng” - Park Ji Sung tâm sự. Chính nhờ những nỗ lực phi thường ở đội bóng trường Myongji, anh được chọn vào Olympic Hàn Quốc tham dự Olympic 2000. Nhờ đó, cầu thủ này đã được CLB Nhật Bản, Kyoto Purple Sanga tuyển dụng.

HLV đội bóng ở thời điểm ấy nhớ lại: “Tôi đã thấy được tài năng đặc biệt của cậu ấy. Tôi biết Park sẽ trở thành cầu thủ giỏi nhưng chưa từng nghĩ rằng cậu ấy có thể tới thi đấu ở Man Utd”.

Một bước ngoặt khác trong sự nghiệp của Park Ji Sung là được làm việc cùng HLV Guus Hiddink ở đội tuyển Hàn Quốc tại World Cup 2002. Để rồi sau đó, ông thầy người Hà Lan đã được cậu học trò tới châu Âu khi ông trở về quê nhà dẫn dắt PSV. “Đó là cầu thủ quan trọng, cậu ấy đã trải qua kỳ World Cup tuyệt vời. Sau đó, tôi đã quyết định đưa cậu ta tới PSV” - HLV Guus Hiddink chia sẻ.

Park Ji Sung tới châu Âu với mơ ước trở thành “Cha Bum Kun thứ hai” của bóng đá Hàn Quốc. Nhưng những gì cầu thủ này làm được sau đó còn khiến anh vượt qua cả cái bóng vĩ đại ấy.

Dù vậy, để có được sự vinh danh sau này, người ta đã thấy được ý chí kiên cường của Park Ji Sung. Khởi đầu không thành công ở Hà Lan đã khiến cho Park Ji Sung kiên cường tới như thế nào.

Park Ji Sung: Chiến binh không phổi của Man Utd 2

HLV Hiddink là người đã đưa Park Ji Sung sang châu Âu thi đấu

“HLV Guus Hiddink làm việc ở Hà Lan khác hẳn so với khi ông ấy đã làm ở Hàn Quốc. Tôi và Lee Young Pyo bị đối xử khác hẳn. Nếu như ở Hàn Quốc, ông ấy như ông già hiền từ thì sự đối xử ở Hà Lan khiến tôi thực sự sợ hãi. Tôi đã phải tự điều chỉnh mình nhiều lần” - Park Ji Sung nhớ lại.

Hai tháng sau khi ký hợp đồng với PSV, Park Ji Sung đã dính chấn thương đầu gối. Điều đó khiến cho cựu tiền vệ này cảm thấy tuyệt vọng: “Tôi cảm thấy đau đớn khủng khiếp. Thật khó khăn khi không thể hiện được hết mình trong những trận đấu của PSV được phát tại quê nhà Hàn Quốc. Tôi chỉ cảm thấy hạnh phúc khi là đứa trẻ được vô tư chơi bóng mà không phải lo lắng về bất kỳ điều gì”.

Theo mô tả của gia đình, Park Ji Sung từng trải qua cuộc sống cô độc ở Hà Lan. Cha của Park Ji Sung hồi thưởng lại: “Mọi thứ quá khác biệt ở châu Âu. Người ta có thể ném mọi thứ vào nó, rồi xúc phạm. Điều đó khiến cho nó bị tổn thưởng”. Nhưng Park Ji Sung đã chiến thắng được nỗi sợ hãi ấy: “Nó nói rằng không muốn trở thành kẻ thất bại. Và sự thăng tiến mạnh mẽ ở đấu trường Champions League đã giúp nó tự tin hơn rất nhiều”.

Năm 2005, Park Ji Sung đã góp công lớn giúp PSV lọt vào bán kết Champions League. PSV chỉ bị loại bởi luật bàn thắng sân khách trước AC Milan hùng mạnh, nơi mà danh thủ người Hàn Quốc đã đóng góp 1 bàn thắng ở trận lượt về. Trong năm ấy, Park Ji Sung lọt vào danh sách đề cử “Tiền đạo xuất sắc nhất châu Âu” cùng Ronaldinho, Andriy Shevchenko, Samuel Eto’o hay Adriano. Và cũng trong năm ấy, Park Ji Sung đã có bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp, đó là đặt chân tới “Nhà hát của những giấc mơ” để khoác áo Man Utd.

Người châu Á vĩ đại ở “Nhà hát của những giấc mơ”

Park Ji Sung đã có thể không bao giờ khoác áo Man Utd. Nói vậy bởi lẽ, sau khi cha của anh, ông Sung Jong nhận được cuộc điện thoại từ Sir Alex Ferguson, HLV Hiddink đã dụ dỗ tiền vệ Hàn Quốc ở lại PSV bằng một lời hứa hẹn: “Nếu cậu ở lại PSV, tôi hứa sẽ giới thiệu sang Chelsea”. Mối quan hệ tốt với ông chủ Abramovich cho phép HLV Hiddink thực hiện lời hứa đó nhưng nó không thể cản Park Ji Sung tới Old Trafford vì niềm đam mê mãnh liệt.

“Khi mọi tâm trí tôi đã hướng về Man Utd, tôi cảm thấy mình đã phản bội Hiddink” - Park Ji Sung chia sẻ. Và ít ai biết rằng, sau khi ký vào bản hợp đồng trị giá 4 triệu bảng, ngôi sao Hàn Quốc đã gọi điện cho HLV Hiddink để cảm ơn và xin lỗi ông.

Park Ji Sung: Chiến binh không phổi của Man Utd 3

Sir Alex Ferguson đã giúp tên tuổi Park Ji Sung nở rộ ở Man Utd

Và quả thực, Park Ji Sung đã không chọn sai. Dưới bàn tay của Sir Alex Ferguson, tài năng của cầu thủ này đã vươn tới tầm khác. “Ở Hà Lan, Park Ji Sung không thể nói chuyện với các đồng đội, trừ khi đã ở lại đó trong 1 năm thì ở Anh, mọi chuyện rất khác. Nó có thể mời Rooney và những đồng đội khác ăn tối” - ông Sung Jong chia sẻ về cuộc sống của cậu con trai trong những ngày đầu tại Man Utd.

Ở Man Utd, người ta gọi Park Ji Sung là “người ba phổi”, tức là anh quá khỏe ngay cả khi phải đối đầu với đối thủ từ châu Âu. Sir Alex Ferguson từng nhận xét: “Park Ji Sung đã thay đổi hoàn toàn cái nhìn về những người châu Á tại trời Âu”.

Sir Alex Ferguson đã biến Park Ji Sung trở thành chiến binh thực sự. Như lời Paul Scholes kể lại: “Tôi nghĩ anh ấy là chiến binh hạng sang của Sir Alex Ferguson. HLV trưởng đã đưa ra những lời chỉ dẫn mà Park Ji Sung đã miệt mài làm theo một cách xuất sắc”.

Trong cuốn tự truyện của mình, Pirlo đã gọi Park Ji Sung là “người Hàn Quốc chạy bằng hạt nhân”. Điều đó cho thấy sự trân trọng nhất định của Pirlo cho một trong những đối thủ khiến anh “kinh ngạc”.

Trong trận đấu ở vòng 1/8 Champions League 2010, HLV Sir Alex Ferguson đã giao nhiệm vụ cho Park Ji Sung theo Pirlo như hình với bóng. Và đó là trận đấu mà theo mô tả của giới chuyên môn “Park Ji Sung đã bỏ Pirlo vào túi quần”. Thậm chí, Pirlo còn không có thời gian để thở.

Những chi tiết này đã được nhắc lại trong cuốn tự truyện của Pirlo: “Sir Alex Ferguson giao nhiệm vụ cho Park Ji Sung kèm tôi. Anh đã chạy thật nhanh, bám riết lấy tôi. Tay anh ta ôm lưng tôi và tìm cách làm tôi sợ hãi. Đó là sự tận tụy tuyệt đối. Dù là cầu thủ tên tuổi nhưng Park Ji Sung đã vứt bỏ tất cả chỉ để bám lấy tôi”.

Nhiệm vụ của Park Ji Sung ở Man Utd là chạy liên tục, để phá lối chơi của đối thủ. Đó là lý do mà sau 205 trận cho Quỷ đỏ, tiền vệ này chỉ có 25 bàn thắng nhưng vẫn luôn được xem là nhân tố không thể thiếu (dù chưa bao giờ anh vươn lên là ngôi sao hạng A).

Park Ji Sung: Chiến binh không phổi của Man Utd 4

Park Ji Sung từng khiến Pirlo câm lặng

Và Park Ji Sung cứ miệt mài và kiên cường như thế. Nếu như trong bóng đá, người ta thích thú xem những nghệ sĩ biểu diễn, thì đôi khi vai trò của những “công nhân” như Park Ji Sung không được coi trọng. Nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, lối chơi “công nhân” như ấy vẫn cần thiết. Nó giúp tạo nên cán cân cân bằng trong tập thể.

Và thực tế, tính tới thời điểm này, chẳng có cầu thủ châu Á nào thành công hơn Park Ji Sung với 4 Premier League, 1 Champions League, 2 siêu cúp Anh, 3 League Cup... Anh cũng chính là tấm gương để thế hệ sau này như Son Heung Min chinh phục trời Âu với tâm thế mới. Họ không còn là những cầu thủ châu Á bị đánh giá thấp ở lục địa già như thế hệ của Park Ji Sung hay Cha Bum Kun từng trải qua.

Sau này, dù đầy ắp thành công và tiền bạc nhưng Park Ji Sung không bao giờ quên được cái bụng đói ở xóm lao động nghèo. Chính sự thiếu thốn ấy đã hun đúc lên ý chí kiên cường của cầu thủ châu Á vĩ đại nhất.

H.Long

Nguồn tin: Báo điện tử Dân Trí


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Bình Luận Facebook
Showbiz
Tin thế giới
Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 159
  •   Máy chủ tìm kiếm 3
  •   Khách viếng thăm 156
 
  •   Hôm nay 24,183
  •   Tháng hiện tại 824,018
  •   Tổng lượt truy cập 128,442,257