Bộ phim đưa Mel Gibson thành ngôi sao hàng đầu

Thứ bảy - 23/05/2015 11:37
Bộ phim đưa Mel Gibson thành ngôi sao hàng đầu Bộ phim đưa Mel Gibson thành ngôi sao hàng đầu

"Mad Max" cuốn hút người xem với những cảnh hành động liên tục, không ngừng nghỉ và những pha bạo lực mạnh mẽ vốn ít thấy trước khi phim này ra đời.

Những ngày này, bộ phim Mad Max: Fury Road (Max điên: Con đường tử thần) đang tạo nên một cơn sốt trên toàn thế giới. Điều này khiến chúng ta nhớ lại chuyện cách đây hơn 35 năm, khi phần đầu tiên của loạt phim ra đời với tên Mad Max (1979) cũng đã tạo nên một hiệu ứng gần như vậy ở nhiều nơi trên thế giới. Tiếp theo đó là phần hai Mad Max 2: The Road Warrior (1981) cũng như phần ba Mad Max: Beyond Thunderdome (1985).

Bộ phim đưa Mel Gibson thành ngôi sao hàng đầu 1
Mad Max

Một bộ phim hành động phong cách mới 

Vào thời điểm Mad Max ra mắt tại Mỹ, bộ phim được nhiều chuyên gia xem như một hiện tượng đầy thú vị. Bộ phim đột nhiên xuất hiện và tạo nên một quả bom gây xôn xao dư luận. Ngay lập tức, Mad Max trở thành một biểu tượng văn hóa và mở đường đưa diễn viên chính của bộ phim là Mel Gibson tiến lên chinh phục thị trường điện ảnh thế giới.

Vào lúc ra đời, Mad Max là một thể loại phim rất mới mẻ về dòng phim postapocalyptic (các loại phim có bối cảnh về một thế giới mới trong thời kỳ sau khi trải qua thảm họa). Bộ phim của đạo diễn George Miller có những cảnh hành động liên tục, không khoan nhượng trong bối cảnh thế giới đang ở trong thời kỳ đầy hỗn loạn.

Trong phim, Mel Gibson vào vai Max Rockatansky, một viên cảnh sát đã quá mệt mỏi và chán ngán với công việc. Kể từ sau thảm họa, những con đường cao tốc với các thị trấn nhỏ trở thành một bãi chiến trường đẫm máu mà các lực lượng thực thi pháp luật rất vất vả để giải quyết. Sau khi chứng kiến nhiều đồng đội phải hy sinh cũng như những người vô tội là nạn nhân của băng du đãng chạy xe phân khối lớn, Max xin nghỉ phép và đưa vợ con đi biển du lịch.

Tuy nhiên, băng du đãng này nhất quyết không bỏ qua cho gia đình anh. Sau khi vợ con bị bọn chúng hãm hại, Max không còn gì để mất. Anh một mình đứng ra săn lùng băng đảng này với kẻ cầm đầu là Toecutter (Hugh Keays-Byrne thủ vai) để báo thù.

Thành công rực rỡ dù có kinh phí thấp 

Có thể nói, kịch bản của Mad Max hoàn toàn không có gì nổi bật. Những người yêu thích điện ảnh có thể nhìn thấy trong phim rất nhiều cảnh sử dụng ý tưởng từ các bộ phim hành động trước đó. Từ ý tưởng bối cảnh xã hội đã xuất hiện trong những bộ phim như Planet of the Apes (1968) hay The Omega Man (1971) đến những tay đua xe máy trong bộ phim Úc Stone (1974) (thậm chí các diễn viên trong Stone là Hugh Keays- Byrne, Roger Ward và Vincent Gil cũng tham gia vào Mad Max với một vai tương tự).

Tuy nhiên, lý do đem đến thành công của Mad Max không nằm ở yếu tố kịch bản mà là việc đạo diễn George Miller đã đánh trúng tâm lý số đông. Khán giả xem phim sẽ không phải nặng đầu suy nghĩ nhiều và chỉ việc thưởng thức những pha hành động liên tục, không đếm xuể cùng với các phân cảnh đua xe đầy kịch tính và chiến đấu đẫm máu. Cảnh tượng kinh hoàng khi một người đàn ông bị xích vào xe và phải chặt bỏ cánh tay để thoát ra trước khi xe phát nổ là một trong những cảnh ghê gớm bậc nhất khán giả thời đó từng được xem trên màn ảnh.

Bộ phim đưa Mel Gibson thành ngôi sao hàng đầu 2
Hình ảnh trong Mad Max. 

Nhà quay phim David Eggby và người chỉ đạo hành động Grant Page đã đem đến những cảnh quay đua xe đầy chất hành động với hiệu quả hình ảnh hoàn toàn thuyết phục. Bên cạnh đó, một yếu tố nữa đem lại thành công cho bộ phim là cách xây dựng nhân vật chính. Thoạt đầu, Max điên chỉ đơn giản là Max Rockatansky, một viên cảnh sát hết sức bình thường. Anh chỉ đứng ra chống lại cái ác khi bị đẩy vào bước đường cùng. Cách xây dựng hình ảnh này khiến khán giả thấy hứng thú hơn là việc một người hùng cơ bắp xuất hiện ngay từ đầu.

Dù là một bộ phim hành động với nhiều cảnh đua xe ấn tượng nhưng Mad Max lại là một bộ phim có kinh phí thấp. Ước tính để thực hiện bộ phim này, đạo diễn George Miller đã tốn một khoản tiền khoảng 350.000 – 400.000 USD Mỹ. Tuy vậy, sau khi công chiếu khắp thế giới, Mad Max đã đạt mức doanh thu “khủng” là hơn 100 triệu USD. Việc này giúp các nhà làm phim có thể tự hào, đây là bộ phim có tỷ lệ lợi nhuận cao nhất thế giới trong suốt gần 20 năm, cho đến khi bộ phim The Blair Witch Project (1999) ra đời và giành vị trí này.

Bộ phim để lại nhiều dấn ấn 

Bên cạnh việc tạo nên thành công lớn về mặt doanh thu, Mad Max còn để lại nhiều dấu ấn đáng kể trong các lĩnh vực giải trí và cả thời trang. Cùng với những mẫu xe ôtô, xe máy, các bộ trang phục Mel Gibson mặc trong phim đều tạo nên một cơn sốt. Đặc biệt là kiểu quần da bó sát và đôi bốt của Max Rockatansky đã ảnh hưởng lớn đến phong cách thời trang cuối thập niên 1970 đầu 1980. 

Thành công của Mad Max cũng góp phần thúc đẩy cho việc phát triển điện ảnh Úc ra toàn thế giới (Australian New Wave). Hai đạo diễn James Wan và Leigh Whannell của loạt phim nổi tiếng Saw cũng ghi nhận, họ đã có cảm hứng cho loạt phim này chính từ cảnh cuối của phim Mad Max. Bên cạnh đó, ca sĩ nổi tiếng Ke$ha cũng cho biết tour diễn Get $leazy Tour của cô chịu ảnh hưởng rất nhiều từ loạt phim Mad Max. Nhiều bộ trang phục mà nữ ca sĩ và bạn diễn mặc trong tour diễn này được lấy ý tưởng từ các nhân vật trong ba phần phim Mad Max đầu tiên.

Nguồn tin: news zing


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Bình Luận Facebook
Showbiz
Tin thế giới
Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 107
  •   Máy chủ tìm kiếm 4
  •   Khách viếng thăm 103
 
  •   Hôm nay 23,990
  •   Tháng hiện tại 84,023
  •   Tổng lượt truy cập 130,506,108