Nước của một trong những hồ cao nhất thế giới đang dâng lên khi nhiệt độ toàn cầu tăng.
Vào năm 2021, các nhà khoa học chuyên nghiên cứu hồ hình thành từ băng tan trên dãy Himalaya ở Ấn Độ đã cảnh báo một hồ nước có thể gây nguy hiểm cho người dân sống gần đó. Cho đến tuần trước, lời cảnh báo này đã trở thành lời tiên tri khi nước hồ tràn xuống thung lũng bên dưới.
Sau một đêm mưa lớn, vào ngày 4/10, Hồ South Lhonakở độ cao 5.18 m đã vỡ bờ. Một lượng nước khổng lồ đổ ra sông Teesta, con sông chảy qua bang Sikkim đến Vịnh Bengal. Nước đã phá huỷ phần lớn con đập ở Chungthang thuộc dự án thuỷ điện lớn nhất bang này.
Hơn 100 người bị cuốn trôi trong trận lũ quét bang Sikkim, trong đó có khoảng 20 binh sĩ. Ít nhất 30 người được xác nhận đã thiệt mạng. Lũ lụt phá hủy cơ sở hạ tầng trên toàn bang, bao gồm cả các cây cầu, khiến nhiều ngôi làng bị phong toả và gây khó khăn cho lực lượng cứu hộ.
Nước lũ chôn vùi những chiếc ô tô ở bang Sikkim, Ấn Độ. (Ảnh: Reuters).
Các nhà khoa học gọi đây là thảm hoạ lũ lụt bắt nguồn từ hồ băng. Hiện tượng này sẽ xảy ra thường xuyên hơn khi khí hậu ấm lên. Thông thường, băng tan sẽ đe doạ đến người dân ven biển vì mực nước dâng cao. Nhưng hàng triệu người sống dọc theo dãy Himalaya cao chót vót cũng cảm nhận được mối đe doạ này.
Tại Trung tâm Biến đổi Khí hậu Divecha thuộc Viện Khoa học Ấn Độ, nhà khoa học Anil Kulkarni cho biết tất cả băng ở dãy Himalaya đang tan. “Hàng nghìn hồ mới sẽ hình thành trong 1-2 thập kỷ tới”, ông nói.
Thảm hoạ xảy ra sau một mùa hè mưa nhiều bất thường ở miền bắc Ấn Độ. (Ảnh: AP).
Nam Á được cho là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu. Nhiệt độ ấm lên khiến các đợt nắng nóng xảy ra thường xuyên hơn, chẳng hạn như ở Ấn Độ và Pakistan năm 2022. Biến đổi khí hậu cũng là một phần nguyên nhân gây ra trận mưa lớn Pakistan năm 2022 khiến hơn 1.000 người thiệt mạng.
Chính quyền bang Sikkim ban đầu cho rằng việc hồ vỡ chủ yếu là do lượng mưa lớn. Nhưng hình ảnh vệ tinh cho thấy vấn đề phức tạp hơn nhiều. Các nhà khoa học và chuyên gia về băng - thuỷ văn cho biết, dường như một phần của bức tường băng tự nhiên đã vỡ khiến đá và băng rơi xuống hồ nước. Các mảnh vỡ tạo nên “cơn sóng thần” ở trên cao.
“Một trong những bức bờ bao cạnh hồ vừa sụp đổ”, chuyên gia thuỷ văn miền núi Jakob Steiner cho biết. Nguyên nhân sâu xa là do lớp băng vĩnh cửu bên trong đang tan dần. Nước mưa là “chất xúc tác” khiến những tảng lớn này vỡ hẳn ra. Sự sụp đổ của hồ băng cũng có thể do tuyết lở hoặc lở đất gây ra.
Hình ảnh vệ tinh của Hồ sau khi vỡ bờ. (Nguồn: Reuters).
Trước khi vỡ bờ, hồ băng này đã mở rộng dần qua nhiều thập kỷ do băng trên dãy Himalaya tan chảy. Theo chính quyền bang Sikkim, diện tích hồ đo vào năm 1979 là 44 mẫu Anh. Cho đến tuần trước, diện tích của hồ lên đến 400 mẫu Anh.
Sau trận lũ lụt, Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia Ấn Độ cho biết họ có kế hoạch lắp đặt hệ thống cảnh báo sớm tại một số hồ băng có nguy cơ vỡ bờ cao.
Chuyên gia thuỷ văn Steiner cho biết rằng theo thời gian, những khu vực ở chân dãy Himalaya không còn an toàn cho người dân sinh sống. Ông cho biết rằng lượng nước giải phóng ra quá lớn mà kỹ thuật không thể kiểm soát. Giống như nước biển dâng, con người chỉ có thể rời khỏi những khu vực nguy hiểm này.
Nguồn tin: khoahoc.tv
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn