Lực lượng kiểm lâm đã phát hiện loài Mang Hoẵng vó vàng và Mang Lào với khoảng 5.300 cá thể đang sinh sống và kiếm ăn tại các khu rừng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu (Thanh Hoá).
Trước đó, nhằm bảo tồn nhằm bảo tồn nguồn gen động thực vật đặc trưng cho vùng núi, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, đã thực hiện “Điều tra, đánh giá hiện trạng phân bố và bảo tồn các loài Mang tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu (2022-2024)” trên diện tích rừng rừng đặc dụng và 54 thôn bản thuộc vùng đệm.
Mang Hoẵng vó vàng.
Đến nay, kiểm lâm viên đã phát hiện Mang Hoẵng vó vàng (Muntiacus muntjak vaginalis) và Mang Lào (Muntiacus rooseveltorum) với khoảng 5.300 cá thể đang sinh sống và kiếm ăn tại các khu rừng Pù Hu.
Đặc điểm của loài Mang Hoẵng vó vàng có chiều dài thân 80-130cm, dài đuôi, mõm dài màu đen và kéo dài tới trán tạo thành đám lông màu đen hình tam giác, tuyến lệ lớn. Loài Mang Lào có chiều cao vai khoảng 40 cm. Con đực có đế sừng ngắn (cao khoảng 4 cm), gạc nhỏ không phân nhánh, chiều dài gạc khoảng 2cm. Con cái có răng nanh trên phát triển thò ra ngoài môi. Bộ lông màu nâu sẫm đến đen, búi lông trước trán màu nâu cam, mặt và cổ họng màu son, đặc điểm nổi bật của loài Mang Lào là phần lông ở dưới cằm rất phát triển trở nên dài, dày và cứng hơn so với các loài Mang khác.
Mang Hoẵng vó vàng xuất hiện tại khu rừng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu.
Hiện nay, lực lượng kiểm lâm viên đang điều tra hiện trạng, phân bố quần thể của các loài Mang tại khu bảo tồn và vùng đệm. Đồng thời, xác định đặc điểm sinh thái, thành phần thức ăn và sinh cảnh sống, cấu trúc quần thể và các yếu tố đe dọa đến môi trường sống, nguy cơ suy giảm quần thể, cá thể các loài Mang, gắn với công tác kiểm soát súng săn, dụng cụ săn bắt động vật hoang dã ở các bản vùng đệm tại khu bảo tồn.
Bên cạnh đó, các kiểm lâm viên cũng xây dựng các giải pháp bảo tồn và tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, chính quyền địa phương về bảo tồn loài các loài Mang.
Ông Đỗ Ngọc Dương, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, cho biết: Các điểm ghi nhận dấu vết của các loài Mang là cách xa khu dân cư và xa đường mòn, hiện các loài Mang này phân bố ở độ cao từ 400-800m tại sườn núi, độ dốc khá lớn và khá gần nguồn nước. Theo kế hoạch, đơn vị đang tiếp tục điều tra, xác định số lượng các loài Mang; tìm ra giải pháp bảo tồn các loài Mang quý...
Nguồn tin: khoahoc.tv
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn