12P/Pons-Brooks, sao chổi khổng lồ to bằng một thành phố nhỏ, hoạt động như núi lửa băng di động, đã bùng nổ dữ dội lầ thứ hai trên đường lao về phía Mặt trời.
Theo Live Science, 12P/Pons-Brooks đã gây chú ý bởi thứ giống cặp sừng kỳ lạ mọc trên "cơ thể" khổng lồ của nó.
Sao chổi 12P/Pons-Brooks - (Ảnh: Comet Chasers/Richard Miles).
Vào ngày 20-7, một vụ bùng nổ khủng khiếp đã thổi bay những chiếc sừng này. Cú bùng nổ dưới dạng "núi lửa băng" mạnh tới nổi khiến quầng coma của nó tăng lên 230.000km, rộng hơn tới 7.000 lần so với hạt nhân của sao chổi.
Quầng coma, còn gọi là "đầu sao chổi", chính là vầng hào quang đẹp mắt bao vây các sao chổi khi chúng tiến gần về phía Mặt Trời, khiến vật chất lạnh của sao chổi thăng hoa.
Trong dữ liệu quan sát vào tháng 10-2023, một vụ phun trào "núi lửa băng" khác tiếp tục được ghi nhận bởi Hiệp hội thiên văn Anh (BAA), sự kiện khiến sao chổi sáng hơn hàng chục lần so với bình thường.
Vài ngày sau, quầng coma của nó ngày càng mở rộng và một cặp sừng kỳ lạ mới tiếp tục mọc lên, theo Spaceweather.com.
Một số chuyên gia nói đùa rằng hình dạng bất thường của quầng coma khiến sao chổi này trông giống như một con tàu vũ trụ trong phim khoa học viễn tưởng, ví dụ Millennium Falcon trong phim "Chiến tranh giữa các vì sao" (Star Wars).
Theo nhà thiên văn học Richard Miles từ BAA, hình dạng bất thường của quầng coma có thể do chính hạt nhân của sao chổi, khiến khí thoát ra không đều ở các khu vực.
12P/Pons-Brooks đang lao nhanh về bên trong của hệ Mặt trời, trong một quỹ đạo hình elip kéo dài 71 năm quanh ngôi sao mẹ của chúng ta.
12P/Pons-Brooks sẽ đến gần Trái đất nhất vào ngày 21-4-2024. Với độ sáng và kích cỡ khổng lồ của nó, chúng ta có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Nó sẽ không viếng thăm chúng ta lần nữa cho đến năm 2095.
Nguồn tin: khoahoc.tv
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn