Trên toàn cầu, mỗi năm có khoảng 32 triệu tấn lốp xe bị thải loại do đã hết thời hạn sử dụng. Lượng lốp xe này đủ để bao phủ toàn bộ thủ đô Washington, D.C. (Mỹ).
Hãng thông tấn Reuters (Anh) đánh giá việc chuyển sang sử dụng xe điện dự kiến sẽ chỉ làm tăng con số đó. Do mang pin khá lớn, xe điện có xu hướng nặng hơn đáng kể so với xe động cơ đốt trong. Trọng lượng lớn tạo sức nặng đè lên lốp xe khiến chúng nhanh "tổn thọ".
Lốp xe cũ có thể gây tác động xấu đến môi trường. (Ảnh: newatlas.com).
Một công ty khởi nghiệp có tên T-Phite ở Chile khẳng định quy trình sản xuất của họ có thể giúp giải quyết vấn đề gây đau đầu này. Và giải pháp T-Phite lựa chọn để đối phó với lốp xe đã hết hạn sử dụng là tái chế chúng thành pin xe điện.
CEO T-Phite - cô Bernardita Diaz phân tích với Reuters: “Có nhiều công nghệ tái chế lốp xe, nhưng có một công nghệ đó là nhiệt phân giúp thu được ba sản phẩm phụ. Các sản phẩm phụ đó là dầu sinh học, thép và carbon đen. Carbon đen không có thị trường đầu ra. Và chúng tôi đã làm gì? Chúng tôi biến chất thải lốp xe này thành vật liệu than chì để sử dụng trong pin dành cho phương tiện di chuyển bằng điện”.
Cô Diaz cũng nhấn mạnh: “Quy trình của chúng tôi mang tính đổi mới, chủ yếu là do giải quyết được hai vấn đề. Một là thải bỏ lốp xe và thứ hai là đáp ứng nhu cầu về vật liệu di động điện tử đang ngày càng gia tăng. Khi thu được vật liệu từ chất thải khác, bạn đang tạo ra cái được gọi là nền kinh tế tuần hoàn”.
Theo Hội đồng Doanh nghiệp thế giới vì sự phát triển bền vững, mặc dù tỷ lệ tái chế trên toàn thế giới đã tăng trong những năm gần đây, nhưng hàng trăm triệu lốp xe bị thải loại mỗi năm vẫn được đưa vào bãi rác hoặc kho dự trữ.
Nguồn tin: khoahoc.tv
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn