Chuyên gia cho rằng dù mùa đông hay mùa hè thì nguồn ô nhiễm phát ra không khí cũng tương đương. Tuy nhiên, đặc trưng của mỗi mùa lại khiến lượng khói bụi này có những diễn biến khác nhau, từ đó làm tăng hoặc giảm chỉ số ô nhiễm.
Những ngày qua, các hệ thống quan trắc chất lượng không khí liên tục đưa ra cảnh báo về các chỉ số ô nhiễm của Hà Nội ở mức nguy hại cho sức khỏe.
Nhà cao tầng ở Hà Nội biến mất trong làn sương mù cùng bụi mịn - (Ảnh: HỒNG QUANG)
Thống kê từ AirVisual, trong 16 ngày (từ 18-11 đến 3-12), chỉ số ô nhiễm theo ngày của Hà Nội chỉ có 1 ngày ở mức trung bình (1-12) khi trời chuyển mưa, 15 ngày còn lại đều được cảnh báo có chỉ số ô nhiễm ở mức đỏ - có hại cho sức khỏe.
Hà Nội luôn nằm trong top đầu các thành phố ô nhiễm nhất toàn cầu với nồng độ bụi mịn PM2.5 cao gấp hàng chục lần giới hạn cảnh báo của WHO.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS Hoàng Dương Tùng - chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - cho rằng qua theo dõi nhiều năm thì đánh giá tình trạng này không phải là bất thường.
Khoảng thời gian từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau, chỉ số AQI (chỉ số ô nhiễm không khí) thường tăng lên rất cao, cao hơn hẳn các tháng còn lại trong năm. Nguyên nhân là các nguồn phát thải ra không khí không được kiểm soát tốt. Cộng hưởng với đó là các yếu tố của khí hậu mùa đông gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
* Vậy phải chăng mùa đông là nguyên nhân, thưa ông?
- Mùa đông không phải là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí. Nói vậy là đổ oan quá. Dù mùa đông hay mùa hè thì nguồn ô nhiễm cũng như nhau. Tuy nhiên, đặc trưng của mỗi mùa lại khiến lượng khói bụi này có những diễn biến khác nhau.
Vào mùa hè, mưa nhiều gió mạnh giúp bụi mịn được phát tán hoặc rửa trôi. Còn mùa đông lặng gió, ít mưa kèm với những ngày nghịch nhiệt với lớp sương mù dày đặc làm giảm khuếch tán của không khí khiến các chất ô nhiễm quẩn quanh ở tầm thấp hoặc không được rửa trôi. Trong khi đó các nguồn phát thải tiếp tục thải vào, kéo chỉ số AQI lên cao.
Hàng triệu xe cộ đang lưu thông mỗi ngày là nguồn phát thải rất lớn gây ô nhiễm không khí - (Ảnh: HỒNG QUANG).
Về nguyên nhân gây ô nhiễm ở Hà Nội có thể kể tới 4 nhóm nguyên nhân chính sau:
* Từ các chỉ số phân tích, những khu vực nào thường có chỉ số ô nhiễm cao nhất?
- Qua theo dõi từ các hệ thống quan trắc, chúng tôi thấy chỉ số ô nhiễm không khí ở mức cao không tập trung cố định ở một địa điểm. Nguyên nhân là bụi mịn PM2.5 sẽ di chuyển theo các luồng không khí, dẫn đến một vài địa điểm dù trong một quận, huyện hoặc một thành phố sẽ có mức chênh lệch về chỉ số này.
* PM2.5 gây hại ra sao và ngoài PM2.5 còn các chất nào đang tồn tại gây ô nhiễm không khí, thưa ông?
- Bụi mịn PM2.5 là sát thủ thầm lặng đang xâm nhập cơ thể chúng ta mỗi ngày. Nguy hiểm hơn, các hạt bụi siêu nhỏ này có thể luồn lách vào các túi phổi, tĩnh mạch phổi và xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu của con người. Theo WHO, bụi mịn PM2.5 là nguyên nhân gây tử vong sớm đứng thứ 4 thế giới. Tất cả quốc gia trên thế giới đều quan tâm chỉ số này.
Ngoài bụi mịn PM2.5, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra 5 chỉ số khác để kiểm soát là: Nox, SO2, CO, CH4 và NMVOC. Tuy nhiên tôi cho rằng hiện nay nồng độ các chất này chưa thật sự đáng lo ngại như PM2.5.
Hôm 29-11, Hà Nội là thành phố ô nhiễm thứ 2 toàn cầu, theo AirVisual - (Ảnh: AirVisual).
* Vậy người dân có thể làm cách nào để phân biệt giữa sương mù và ô nhiễm không khí? Trong những ngày ô nhiễm, ông có khuyến cáo gì tới người dân?
- Để nhận biết dễ dàng, người dân cần theo dõi các trang web cập nhật số liệu quan trắc về chỉ số ô nhiễm không khí như: Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, trang thông tin Đại sứ quán Mỹ, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội hoặc một số ứng dụng uy tín khác.
Trong những ngày có chỉ số ô nhiễm ở mức cao, đối với những người có bệnh nền liên quan hô hấp hoặc trẻ nhỏ cần ở trong nhà hoặc hạn chế đi ra ngoài. Các gia đình có điều kiện nên sở hữu máy lọc không khí. Khi ra ngoài, người dân cần trang bị kính, khẩu trang, đồng thời rửa mắt, súc miệng khi trở về.
* Phải chăng chúng ta đang và sẽ phó mặc tình trạng này cho thời tiết bằng cách trông chờ trời mưa hoặc những đợt gió mùa tràn về sẽ thổi đi lớp bụi ô nhiễm?
- Hà Nội đã nhận ra tình trạng ô nhiễm từ nhiều năm. Thành phố cũng áp dụng một số biện pháp để kéo giảm tình trạng này như: tăng số lượng cây xanh, phát triển xe buýt điện, di dời cơ sở công nghiệp khỏi nội đô, xử lý hành vi đốt rơm rạ sau thu hoạch, cấm đun than tổ ong…
Tuy nhiên tình trạng ô nhiễm vẫn tiếp tục. Tôi đánh giá nguyên nhân là thành phố chưa kiểm soát tốt các nguồn gây ô nhiễm nội tại. Nói cách khác, Hà Nội đã làm nhưng chưa tới. Điều này dẫn đến tình trạng mỗi đợt không khí ô nhiễm, người dân thủ đô chỉ biết "mong ông trời" ban phát cho một vài trận mưa hoặc đợt gió mùa để phát tán bớt lớp bụi mịn dày đặc, u ám.
Nguồn tin: khoahoc.tv
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn