Andreas Vesalius: Cha đẻ ngành giải phẫu người hiện đại

Thứ tư - 21/04/2021 22:30
Andreas Vesalius: Cha đẻ ngành giải phẫu người hiện đại Andreas Vesalius: Cha đẻ ngành giải phẫu người hiện đại

Andreas Vesalius là tác giả của một trong những cuốn sách có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử y học.

Andreas Vesalius là tác giả của một trong những cuốn sách có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử y học. Các nghiên cứu của ông đã tạo ra một cuộc cách mạng, làm thay đổi hiểu biết của chúng ta về cấu tạo cơ thể người.

Andreas Vesalius (1514 – 1564) sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề bác sĩ ở Brussels, Bỉ. Vào thời thơ ấu, ông tỏ ra rất thích thú với việc mổ xẻ động vật, một sở thích khiến bạn bè đồng trang lứa tránh xa. Tuy nhiên, ông vẫn kiên trì theo đuổi niềm đam mê và theo học ngành y tại Đại học Công giáo Leuven và Đại học Paris. Đây là hai trong số các trung tâm nghiên cứu giải phẫu lớn nhất thời bấy giờ.

Andreas Vesalius: Cha đẻ ngành giải phẫu người hiện đại 1
Andreas Vesalius. (Ảnh: Britannica).

Sau khi tốt nghiệp, Vesalius tham gia công tác giảng dạy tại Đại học Padua và sau này trở thành bác sĩ riêng của Hoàng đế La Mã Karl V. Không giống những người đã dạy mình trước đây, ông luôn muốn tự mình thực hiện các cuộc giải phẫu thực nghiệm và khuyến khích các học trò của mình cũng làm như vậy.

Sau khi so sánh kết quả từ việc trực tiếp tiến hành giải phẫu với những gì ông đọc trong sách giáo khoa đương thời, Vesalius khẳng định rằng việc quan sát trực tiếp trên cơ thể người đáng tin cậy hơn nhiều so với lý thuyết. Ông đã phủ nhận hơn 200 bài giảng của Galen, bác sĩ và nhà giải phẫu học nổi tiếng người La Mã sống ở thế kỷ thứ hai. Ví dụ, Vesalius chỉ ra rằng Galen đã sai lầm khi khẳng định hàm của con người cấu tạo gồm hai xương.

Vậy làm thế nào một người đàn ông với những bài giảng đã trải qua 1.300 năm lại có thể mắc một sai lầm sơ đẳng như vậy? Một số người sống cùng thời với Vesalius đứng ra bênh vực Galen khi cho rằng cấu trúc cơ thể người có lẽ đã thay đổi qua nhiều thế hệ. Nhưng Vesalius biết câu trả lời thực sự: Phong tục của người La Mã cổ đại nghiêm cấm hành vi mổ xẻ cơ thể người. Điều này buộc Galen phải tiến hành giải phẫu trên những loài động vật vật khác chẳng hạn như lợn, vượn và chó. Nếu đề cập đến hàm của một con chó thì khẳng định của Galen là đúng.

Tất nhiên, Vesalius biết rằng Galen thường đúng hơn là sai, và ông thường xuyên ngạc nhiên trước kiến thức sâu rộng của người tiền nhiệm sống trong thời cổ đại. Ví dụ, Galen đã thử nghiệm trên tủy sống của lợn. Galen phát hiện nếu cắt phần tủy sống ở gần cuối đuôi, con vật sẽ mất khả năng sử dụng các chân sau. Với một vết cắt khác được tạo ra ở gần đầu, hai chân trước sẽ ngừng chuyển động hoặc thậm chí con vật ngừng thở. Đây là kết quả thực nghiệm đáng kinh ngạc cho thấy mối liên hệ giữa cấu trúc và chức năng của hệ thần kinh.

Trong quá trình nghiên cứu, Vesalius đã tạo ra những mẫu vật giải phẫu thực sự đáng chú ý. Năm 1543, ông mổ xẻ công khai thi thể của một tên tội phạm nổi tiếng và tạo ra bộ xương giải phẫu hoàn chỉnh lâu đời nhất còn tồn tại trên thế giới. Hiện tại, bộ xương này đang được trưng bày ở Basel, Thụy Sĩ.

Có lẽ thành tựu đáng chú ý nhất của Vesalius là tác phẩm “On the Fabric of the Human Body” (Cấu trúc cơ thể người). Bộ sách này bao gồm 7 tập, trong đó mô tả chi tiết các xương, cơ, mạch máu, dây thần kinh, hệ tiêu hóa, tim và não. Vesalius vẽ hơn 200 hình minh họa, và rất nhiều hình trong số chúng được giới y học ngày nay đánh giá là hình giải phẫu chi tiết nhất từng được con người tạo ra. Ông thậm chí đã thuê người tạo ra bản khắc gỗ của các bức vẽ để dễ dàng sao chép lại [thông qua kỹ thuật in mộc bản].

Andreas Vesalius: Cha đẻ ngành giải phẫu người hiện đại 2
Một số hình minh họa cơ thể người của Andreas Vesalius trong tác phẩm “On the Fabric of the Human Body”. (Ảnh: Wikimedia).

Kiệt tác này của Vesalius nằm trong danh sách những cuốn sách vĩ đại nhất từng được xuất bản. Cuốn sách không chỉ đẹp mà còn phản ánh một trình độ không gì sánh được về cả sự uyên bác trong khoa học và tính nhạy cảm thẩm mỹ. Nó phác họa cơ thể không phải dưới dạng một thân xác chỉ gồm da thịt mà là một thực thể sống động, đồng thời nhấn mạnh mối tương quan giữa hình dạng và chức năng. Nó cũng thiết lập các tiêu chuẩn cao hơn rất nhiều cho nghiên cứu và giảng dạy giải phẫu sau này, đặt sinh học và y học trên những con đường khám phá mới. Sau cùng, nó là một trong những tác phẩm lớn nhất hội tụ cả ba yếu tố khoa học, nghệ thuật và nhân văn.

Tác phẩm của Vesalius đã mở ra một chương mới cho sinh viên ngành giải phẫu vì trước đó họ không hề có khái niệm “hình minh họa”. Vào thế kỷ 16, những sách giáo khoa của Galen tuy đã được hiệu đính và biên tập kỹ lưỡng nhưng không có hình vẽ. Một số giáo sư giải phẫu hàng đầu thậm chí còn cấm sinh viên sử dụng các hình vẽ, vì họ cho rằng đó không phải những tài liệu do Galen viết.

Một điều ấn tượng khác là Vesalius xuất bản tác phẩm “On the Fabric of the Human Body” khi còn khá trẻ, lúc đó ông chỉ mới 28 tuổi. Trong thời đại của ông, hầu hết những người có tiếng nói trong giới y học đều lớn hơn ông một hoặc hai thế hệ. Tuy nhiên, ông không phải là người hành động thiếu suy nghĩ. Khi giới thiệu tác phẩm mới về giải phẫu của mình ra thế giới, ông đã không bài xích các học giả khác mà chỉ cố gắng thiết lập lại góc nhìn của giới học thuật, đó là xem xét chính cơ thể người như một nguồn tư liệu quan trọng nhất của ngành y, thay vì chỉ dựa vào những ghi chép mang tính hàn lâm trong sách vở.

“Những ai muốn biết rõ về hình dạng và cấu trúc cơ thể người thì bản thân họ phải dành thời gian và tâm trí để tự nghiên cứu, thay vì giao trách nhiệm cho người khác”, Vesalius cho biết.

Với những đóng góp to lớn của mình, Vesalius được mệnh danh là cha đẻ của ngành giải phẫu người hiện đại.

Sự hiểu biết của chúng ta về giải phẫu người đã có những bước tiến khá xa kể từ thời của Vesalius. Sự ra đời của kính hiển vi đã mở ra một thế giới tế bào mà Vesalius sẽ khó có thể tưởng tượng được vào giữa thế kỷ 16. Ngày nay, máy quét CT và máy chụp cộng hưởng từ MRI có thể giúp các bác sĩ kiểm tra bên trong cơ thể bệnh nhân mà không cần dùng đến dao mổ. Tuy nhiên, ngay cả những phát minh hiện đại này cũng mang trong mình tinh thần của Vesalius, người đã nhấn mạnh rằng những ai muốn hiểu cấu tạo cơ thể người phải tự mình nhìn tận mắt.

  • Người Nhật sáng tạo ra một trái bóng không bao giờ cần bơm
  • Khối kim loại cao 7m ở Ấn Độ bất ngờ biến mất
  • Tại sao các phòng gym thường treo gương lớn ở khu tập tạ?

Nguồn tin: khoahoc.tv


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Bình Luận Facebook
Showbiz
Tin thế giới
Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 153
 
  •   Hôm nay 14,669
  •   Tháng hiện tại 718,152
  •   Tổng lượt truy cập 127,110,356