Kỳ 4: “Quan xã” ăn chặn, lãnh đạo nhận thiếu sót và… rút kinh nghiệm

Thứ sáu - 06/02/2015 16:19
Kỳ 4: “Quan xã” ăn chặn, lãnh đạo nhận thiếu sót và… rút kinh nghiệm Kỳ 4: “Quan xã” ăn chặn, lãnh đạo nhận thiếu sót và… rút kinh nghiệm

Dân trí “Về mặt quản lý, chúng tôi xin nhận thiếu sót là chưa nắm bắt kịp thời và xin… rút kinh nghiệm, bà Nguyễn Thị Mai Nga, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội TP Phủ Lý trả lời trước loạt bài điều tra “Quan xã ăn chặn cả gói mì tôm của người tàn tật”, nhân buổi gặp gỡ các cơ quan thông tấn báo chí ngày 5/2.

Kỳ 4: “Quan xã” ăn chặn, lãnh đạo nhận thiếu sót và… rút kinh nghiệm 1
Lãnh đạo UBND TP Phủ Lý gặp mặt các cơ quan thông tấn báo chí để trả lời thông tin về việc xử lý sai phạm trong việc chi trả chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội tại xã Trịnh Xá
 
Ngoài bà Mai Nga còn có ông Lê Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phủ Lý; ông Đinh Ngọc Tuấn, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy và ông Phạm Văn Quân, Chánh VP UBND thành phố Phủ Lý. Tại buổi gặp gỡ báo chí nói trên, bà Nguyễn Thị Mai Nga cho biết, toàn thành phố có 21 phường xã với 1.436 hộ nghèo, 4.389 đối tượng đang được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội, riêng xã Trịnh Xá có 224 đối tượng được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội.
 
Kỳ 4: “Quan xã” ăn chặn, lãnh đạo nhận thiếu sót và… rút kinh nghiệm 2
Bà Mai Nga khẳng định, Phòng LĐ-TB và XH làm đúng, có sai là sai từ xã. Tuy nhiên, bà cũng xin nhận thiếu sót và rút kinh nghiệm trong công tác quản lý

Bà Mai Nga khẳng định, quy trình chi trả chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội do Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội làm hoàn toàn đúng, theo đúng quy định cua pháp luật, chỉ có sai là do cán bộ xã, tức là người phụ trách lao động, thương binh và xã hội mà cụ thể là ông Mai Hiển Dũng ở xã Trịnh Xá làm sai. “Theo quy định thì tiền trợ cấp cán bộ xã phụ trách chuyên môn lĩnh về rồi phát trực tiếp cho đối tượng được hưởng. Ở Phòng LĐ-TB và XH ông Dũng nhận đủ tiền theo danh sách, có chữ ký, có dấu đỏ xác nhận hẳn hoi. Nhưng khi về xã, ông Dũng cố ý làm sai khi không cho người dân ký vào danh sách là mẫu đúng được cấp, mà tự ý ký bằng một bản photo tự làm, không có chữ ký, không có con dấu xác nhận của chúng tôi”, bà Nga cho biết.

Trước câu hỏi của PV Dân trí về việc, quy trình giám sát, rà soát việc chi trả chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội ở xã, phường được Phòng LĐ-TB và XH thực hiện như thế nào khi bị ông Mai Hiển Dũng qua mặt đã hơn 1 năm nay mà không phát hiện ra, chỉ đến khi các cơ quan báo chí mà cụ thể là Dân trí vào cuộc thì mới nắm bắt được, bà Mai Nga cho biết: “Chúng tôi vẫn tiến hành đều đặn quy trình giám sát này, và đã giám sát ở 18 trên 21 phường, xã của thành phố nhưng không xảy ra trường hợp nào bị sai lệch, ăn chặn. Còn 3 xã chưa tiến hành kiểm tra, giám sát gồm Trịnh Xá, Tiên Tân, Kim Bình thì do chưa bố trí được thời gian. Riêng xã Trịnh Xá chúng tôi đã có lịch kiểm tra, giám sát vào tháng 1 vừa qua, nhưng lúc đó ông Mai Hiển Dũng xin hoãn với lý do đang… đổ mái căn nhà đang xây dựng dở dang”.
 

Phản biện câu hỏi liệu bà có chủ quan không khi giám sát 18 phường, xã nhưng không phát hiện ra trường hợp nào sai phạm về việc chi trả chế độ, không có hành vi “ăn chặn tiền trợ cấp” như đã xảy ra ở xã Trịnh Xá, bà Mai Nga cũng khẳng định: “Qua kiểm tra thì chúng tôi có phát hiện và đã nhắc nhở về một số trường hợp được hưởng chế độ trợ cấp nhưng đã mất, tuy nhiên cán bộ phường, xã chưa khai báo kịp thời. Riêng việc xảy ra ở xã Trịnh Xá, chung tôi xin nhận thiếu sót là chưa nắm bắt kịp thời và xin được… rút kinh nghiệm”.

Bà Nga cũng thông tin thêm, toàn thành phố hiện nay với 4.389 đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội với ngân sách chi trả là 966.690.000 đồng/tháng (cụ thể là tháng 1/2015), riêng xã Trịnh Xá là 224 đối tượng với ngân sách cấp là 46.700.000 đồng.

Chuyển sang nội dung về việc điều tra, xử lý sai phạm của ông Mai Hiển Dũng, cán bộ LĐ-TB và XH xã Trịnh Xá, ông Lê Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phủ Lý nhấn mạnh: “Chúng tôi đang chỉ đạo và phối hợp với cơ quan chức năng, tổ chức ngay việc điều tra, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm. Quan điểm của chúng tôi là xử lý vụ việc đúng người, đúng tội, khẩn trương, nghiêm túc, làm gương để rút kinh nghiệm nhằm ổn định tình hình địa phương, lấy lại lòng tin của nhân dân, đặc biệt quan tâm đến các đối tượng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội trong dịp tết Ất Mùi 2015 này”.
 
Kỳ 4: “Quan xã” ăn chặn, lãnh đạo nhận thiếu sót và… rút kinh nghiệm 3
Trước sai phạm của "quan xã" Mai Hiển Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Phủ Lý Lê Văn Dũng khẳng định sẽ làm thận trọng nhưng nghiêm túc, xử lý đúng người đúng tội, nghiêm minh làm gương để lấy lại lòng tin của nhân dân

Ông Dũng cũng cho biết thêm, Công an thành phố Phủ Lý đã vào cuộc kiểm tra và có kết quả bước đầu xác minh việc chi trả trợ cấp cho đối tượng bảo trợ xã hội ở xã Trịnh Xá, sau đó đã chuyển hồ sơ lên phòng Kinh tế - Công an tỉnh Hà Nam thụ lý vụ việc và giải quyết theo thẩm quyền.

“Tạm thời chúng tôi đã yêu cầu tạm dừng mọi công việc của anh Mai Hiển Dũng, chờ kết quả kiểm tra và sẽ có hướng xử lý phù hợp. Ngoài anh Mai Hiển Dũng, chúng tôi sẽ cân nhắc mức độ liên quan của các đồng chí lãnh đạo xã khi buông lỏng quản lý cán bộ cấp dưới để xảy ra sai phạm nghiêm trọng nói trên”, ông Lê Văn Dũng khẳng định.
 
 
Liên quan đến trường hợp anh Ngô Trung Sổng, ông Lê Văn Dũng, Phó Chủ tịch UVND thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam cho biết: “Chúng tôi rất hoan nghênh các cơ quan báo chí đã phản ánh kịp thời, thông tin chính xác các trường hợp như vừa qua xảy ra trên địa bàn xã Trịnh Xá thuộc thành phố quản lý. Ngày ½, lãnh đạo thành phố mà trực tiếp là đồng chí chủ tịch UBND thành phố Bùi Văn Hùng và tôi cùng với phòng chuyên môn đã đi thăm, kiểm tra, xác minh thực tế và tặng quà đối với trường hợp ông Ngô Trung Sổng”.
 
Kỳ 4: “Quan xã” ăn chặn, lãnh đạo nhận thiếu sót và… rút kinh nghiệm 4

UBND TP Phủ Lý đã bố trí nguồn kinh phí xây nhà mới cho anh Ngô Trung Sổng, hiện chỉ còn chờ sự bàn bạc, thống nhất trong nội bộ gia đình

Ông Dũng cho hay, qua cuộc “vi hành” nói trên, lãnh đạo UBND thành phố đã giao UBND xã Trịnh Xá gặp gỡ, hướng dẫn gia đình ông Sổng họp gia đình và khảo sát vị trí đất để thành phố bố trí nguồn kinh phí, vận động các nhà hảo tâm xây dựng một ngôi nhà mới cho anh Sổng. “Nguồn kinh phí đã có, chỉ vướng là gia đình anh Sổng chưa thống nhất được vị trí xây nhà do mảnh đất anh Sổng đang ở thuộc quyền sở hữu của nhiều người thân trong gia đình. Khi nào có thống nhất từ phía gia đình chúng tôi sẽ lập tức khởi công xây dựng nhà cho anh. Theo tìm hiểu của PV Dân trí, bố anh Sổng có đến 4 người vợ và rất đông con. Mảnh đất anh Sổng đang ở thuộc quyền sở hữu của 2 người nữa là anh Ngô Trung Hùng đang lập nghiệp ở tỉnh Tây Ninh và anh Ngô Trung Mạnh ở Đăk Lăk.

* Theo Công văn số 12/LĐTBXH-BTXH về việc rà soát thực hiện các chính sách đối với đối tượng bảo trợ xã hội của Sở Lao động – Thương binh và xã hội của UBND tỉnh Hà Nam, do Giám đốc Sở Lê Văn Hồng ký ngày 4/2/2015, phần đánh giá hết sức chung chung, tuy nhiên cũng cho thấy có nhiều sai phạm mà chỉ nhờ báo chí đưa tin thì cơ quan chức năng mới vào cuộc kiểm tra xử lý.

Công văn nêu rõ: “Trong quá trình triển khai công tác bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đơn vị tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản quy định. Song bên cạnh đó còn một số đơn vị thực hiện chưa nghiêm túc như: Chưa thành lập Hội đồng xác định mức độ khuyết tật để tổ chức xét và cấp giấy chứng nhận khuyết tật cho người khuyết tật; Hội đồng xét duyệt trơ cấp xã hội để tổ chức xết duyệt hồ sơ và trình UBND huyện, thành phố ra quyết định cho các đối tượng có đủ điều kiện được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội; việc cắt giảm trợ cấp đối với đối tượng không còn đủ điều kiện hưởng trợ cấp xã hội chưa kịp thời: như đối tượng bảo trợ xã hội đã chết, người đơn thân nuôi con khi tuổi con đã quá quy định… Việc chi trả trợ cấp cho đối tượng bảo trợ xã hội còn chậm so với quy định điển hình như xã Trịnh Xá, thành phố Phủ Lý; xã Trung Lương, huyện Bình Lục.

Cần nói thêm rằng, 5 nạn nhân là người khuyết tật bị ông Mai Hiển Dũng ở xã Trịnh Xá ăn chặn tiền trợ cấp đến nay vẫn không hề được cầm giấy giám định thương tật của chính mình. “Người ta cho hưởng chế độ gì thì mình biết chế độ ấy, chứ nào có biết mình được hưởng mức khuyết tật nhẹ, nặng hay rất nặng nào đâu. Cũng mong được một lần người ta khám cho mình, để mình biết mình tàn tật là do như nào, có chữa được bớt phần nào không”, anh Ngô Trung Sổng tâm sự.
 

* Cũng trong ngày 5/2, trong công văn gửi báo Dân trí, Cục bảo trợ xã hội thuộc Bộ LĐ-TB và XH đã có thông tin về xử lý sai phạm trong việc chi trả trợ cấp xã hội tại xã Trịnh Xá, thành phố Phủ Lý, Hà Nam.

Công văn của Cục bảo trợ xã hội khẳng định, qua thông tin kiểm tra và làm việc tại địa phương sự việc báo Dân trí nêu là có thật. Cụ thể là Ông Ngô Trung Sổng sinh năm 1958 hiện đang cư trú tại xã Trịnh Xá, thành phố Phủ Lý, thuộc diện hộ cận nghèo bị khuyết tật nặng đang sống trong căn nhà dột nát, được hưởng trợ cấp xã hội theo quy định tại Nghị định số 28/2012/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật người khuyết tật với hệ số 1,5, hưởng 270.000 đồng/tháng và đã có quyết định điều chỉnh trợ cấp xã hội mức 180.000 đồng/tháng lên 270.000 đồng/tháng từ ngày 1 tháng 10 năm 2013, nhưng cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp xã chỉ chi trả 180.000 đồng/tháng.

Cục bảo trợ xã hội cũng cho biết, qua rà soát thì không chỉ có 5 đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội bị “quan xã” ăn chặn mà có tất cả 9 trường hợp bước đầu đã được làm rõ.

Sau khi nghe báo cáo của UBND xã Trịnh Xá, Phòng Lao động – Thương binh Xã hội thành phố Phủ Lý và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, đoàn công tác của Cục Bảo trợ xã hội đã có ý kiến chỉ đạo một số việc như sau:

1. Thông tin báo nêu là đúng, nguyên nhân từ nhận thức, trách nhiệm của cán bộ. Nhưng cũng có phần trách nhiệm buông lỏng quản lý của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố để dẫn đến tình trạng vụ việc nghiêm trọng.

2. Để bảo đảm quyền lợi cho đối tượng, đặc biệt dịp tết nguyên Đán sắp tới, địa phương cần chấn chỉnh ngay sai phạm và có biện pháp khắc phục hậu quả. Trước mắt phải rà soát toàn bộ số đối tượng trên địa bàn xã. Nếu còn đối tượng thuộc diện được hưởng mà chưa hưởng thì hoàn tất thủ tục, quyết định hưởng trước Tết. Đối với trường hợp chi trả thiếu, phải chi trả đủ. Trường hợp không đúng đối tượng, hoặc đối tượng đã chết thì phải làm thủ tục cắt chế độ theo quy định.

3. Cần tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách bảo trợ xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội ở địa phương

4. Trong trường hợp cán bộ xã còn lúng túng trong việc xét duyệt chính sách thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Phủ Lý cần cử cán bộ về trực tiếp hướng dẫn nghiệp vụ xét duyệt trợ cấp xã hội của xã Trịnh Xá. Đảm bảo các đối tượng thuộc diện chính sách được nhận tiền trợ cấp xã hội hàng tháng trước tết Nguyên Đán.

5. Về việc thực hiện Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo địa phương kịp thời điều chỉnh mức trợ cấp xã hội cho người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng thuộc hộ nghèo, trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi không có nguồn nuôi dưỡng, đối tượng sống trong cở sở bảo trợ xã hội từ ngày 01/01/2015 theo quy định tại Thông tư liên tịch số 29/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 24/10/2014 của liên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 136/2013/NĐ-CP.

 
Thế Nam - Phạm Oanh - Đức Văn

Nguồn tin: Báo điện tử Dân Trí


 
 Từ khóa: tiên tân
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Bình Luận Facebook
Showbiz
Tin thế giới
Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 163
  •   Máy chủ tìm kiếm 4
  •   Khách viếng thăm 159
 
  •   Hôm nay 24,845
  •   Tháng hiện tại 148,608
  •   Tổng lượt truy cập 130,570,693