Đề xuất phạt tù người cố ý rải vật sắc, nhọn trên đường bộ

Thứ tư - 01/04/2015 23:22
Đề xuất phạt tù người cố ý rải vật sắc, nhọn trên đường bộ Đề xuất phạt tù người cố ý rải vật sắc, nhọn trên đường bộ

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đề nghị rà soát một số điều luật quy định mới như đề xuất phạt tù tới 12 năm tội cố ý đặt, rải vật sắc, nhọn trên đường bộ tránh trường hợp bị "Quốc hội cười chê" khi trình.

Chiều 1/4 khi kết luận phiên thẩm tra Dự thảo bộ luật hình sự (sửa đổi), Chủ nhiệm Hiện nhận định có nhiều quy định dự thảo nêu ra không có tính khả thi hoặc quá cụ thể hóa hành vi thành tội danh. Điển hình như Điều 269 quy định mới tội cố ý đặt, rải vật sắc, nhọn trên đường bộ.

Cụ thể, người nào cố ý đặt, rải vật sắc, nhọn trên đường bộ thì bị phạt tiền từ 30  đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Nếu phạm tội gây hậu quả rất hoặc đặc biệt nghiêm trọng và tái phạm nguy hiểm, có thể bị phạt tù tới 12 năm.

Ông Hiện cho rằng không nên cụ thể hóa hành vi thành một tội danh như vậy. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị ban soạn thảo rà soát lại nhiều điều luật quy định mới bởi nếu không khi trình xin ý kiến “Quốc hội cười cho”.

Một trong những đề xuất khác mà Bộ Tư pháp đưa ra là bổ sung quy định về việc không thi hành án tử hình và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân trong trường hợp sau khi bị kết án tử, người bị kết án chủ động khắc phục hậu quả do mình gây ra, tự nguyện giao nộp cho nhà nước ít nhất một nửa số tiền, tài sản do phạm tội mà có, hợp tác tích cực với cơ quan chức…

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu Ủy ban Tư pháp nhận định cần cân nhắc kỹ điều này vì cần phải phân hóa, loại trừ các đối tượng cụ thể, tránh trường hợp người phạm tội về ma túy, giết người, xâm phạm an ninh quốc gia có thể dùng tiền để thoát án tử.

Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện phân tích, tử hình đã là án do tòa tuyên rồi, sau đó Phó chánh án hoặc Chánh án TANDTC xem xét lại một lần nữa để có kháng nghị, giám đốc thẩm xem có sai phạm hay không. Bước thứ ba là trình Chủ tịch nước xin ân giảm. “Chủ tịch nước xem có bồi thường, ăn năn hối cải hay không, chứ bây giờ các đồng chí lại quy định bồi thường a, b, c thì người ta lại hiểu rằng cứ có tiền thì hết tử hình…”, ông Hiện nói.

Bên cạnh đó, vấn đề quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân mà Bộ Tư pháp đưa ra bị đa số các ý kiến thẩm tra bác bỏ. Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng việc quy định trách nhiệm hình sự pháp nhân trong Bộ luật hình sự (sửa đổi) là cần thiết. Theo Thứ trưởng Ngọc, thực tế trong những năm qua đã xảy ra những vụ việc do pháp nhân gây hậu quả hết sức nghiêm trọng như vụ công ty Vedan, công ty Nicotex (Thanh Hóa) làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường. Việc áp dụng các chế tài hành chính, dân sự không đủ sức răn đe.

Với những lập luận của mình, Bộ Tư pháp đã đưa vào dự thảo hẳn một chương (XI) những quy định đối với pháp nhân là các tổ chức kinh tế phạm tội. Tuy nhiên, ngoài Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng tán thành đề xuất này, hầu hết các ý kiến đều phản đối.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng chúng ta đang khuyến khích hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, việc xử lý hành chính, dân sự đối với các pháp nhân đã đủ tính răn đe. Hơn nữa theo bà Nga: “Đến bây giờ Dự thảo Bộ luật hình sự vẫn còn bỏ ngỏ không biết làm thế nào với quy trình tố tụng đối với pháp nhân thì làm thế nào?”.

Bà Nga còn đề nghị Bộ Tư pháp thống kê 10 vụ án về môi trường trong thời gian gần nhất do các doanh nghiệp gây ra mà chế tài xử lý hành chính, dân sự không đủ tính răn đe, không có hiệu quả để thuyết phục lập luận khi soạn thảo.

Thứ trưởng Công an Lê Quý Vương băn khoăn, trong pháp luật hình sự, trách nhiệm hình sự chỉ áp dụng với cá nhân. Nguyên tắc là cá thể hóa trách nhiệm hình sự, chứ xưa nay không đặt ra vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Trường hợp pháp nhân vi phạm pháp luật thì có thể bị xử lý hành chính hoặc dân sự. Việc này đã được quy định trong luật hành chính và dân sự. Chế tài cao nhất là tước giấy phép hoạt động, kinh doanh đối với pháp nhân theo Thượng tướng Vương đã quá đủ nghiêm rồi, có hiệu quả, nếu đặt vấn đề xử lý hình sự cũng không khác gì hơn.

“Chúng tôi băn khoăn nhất việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Giả sử pháp nhân có hàng ngàn công nhân thì không lẽ những người này cũng phải chịu trách nhiệm?”, Thượng tướng Vương cảnh báo và còn nhấn mạnh ông sợ nhất khi “động” đến pháp nhân là xung đột với người lao động.

Vấn đề tố tụng hình sự đối với pháp nhân theo ông Vương cũng vô cùng phức tạp nên vấn đề này nên cân nhắc, thảo luận kỹ.

Cuối phiên thẩm tra chiều nay, các ý kiến đều thống nhất sẽ trình xin Quốc hội để lấy ý kiến rộng rãi nhân dân một số vấn đề lớn trong dự thảo trước khi để Quốc hội thông qua.

Ngày mai, 2/4 Ủy ban Tư pháp sẽ thẩm tra Dự thảo luật tổ chức cơ quan điều tra và Dự thảo luật tạm giữ, tạm giam.

Bảo Hà

Nguồn tin: vnexpress


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Bình Luận Facebook
Showbiz
Tin thế giới
Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 125
  •   Máy chủ tìm kiếm 1
  •   Khách viếng thăm 124
 
  •   Hôm nay 13,425
  •   Tháng hiện tại 137,188
  •   Tổng lượt truy cập 130,559,273