Đạo diễn Lê Thi: "Không có bên thắng cuộc hay phe thua cuộc"

Thứ bảy - 18/04/2015 08:28
Đạo diễn Lê Thi: "Không có bên thắng cuộc hay phe thua cuộc" Đạo diễn Lê Thi: "Không có bên thắng cuộc hay phe thua cuộc"

Nhà làm phim tài liệu “30/4 - Ngày thống nhất” cho rằng, 30/4 là ngày non sông liền một mối. Vì thế, câu chuyện trong bộ phim của ông, dù đầy tiếng súng nổ vẫn thấm đẫm tinh thần hòa hợp dân tộc.

- Bộ phim tài liệu "30/4 - Ngày thống nhất" do ông đạo diễn vừa ra mắt. Ông chia sẻ gì về ý tưởng tạo nên tác phẩm này?

- 30/4 - Ngày thống nhất là phim tài liệu nhựa hòa trộn nhiều lát cắt lịch sử, chắt lọc những tư liệu quý ít biết, khai thác quan điểm đa chiều của người lính miền Bắc và miền Nam. Phim lấy ý kiến của các chính khách, hồi ức của các tướng cầm quân, chia sẻ của các nhà nghiên cứu, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, để đánh giá đầy đủ giai đoạn 1954 -1975, cũng như sự kiện lịch sử trọng đại 30/4. Phim cũng mô tả những đổi thay của đất nước, những số phận của con người ở hai chiến tuyến xưa và nay.

Phim do tôi cùng cộng sự thân thiết - nhà biên kịch, Đại tá Phạm Minh Lợi, viết kịch bản, sau đó thực hiện theo đơn đặt hàng của hãng Điện ảnh Quân đội. Bộ phim gồm 6 cuốn phim (mỗi cuốn dài 10 phút), chia làm hai tập. Tập 1 có nhan đề Dân tộc Việt Nam vượt qua gian khó và tập 2 có tên gọi Đất nước thống nhất. Chúng tôi coi ngày 30/4/1975 giống như một cột mốc định vị cho phim, để lần ngược về quá khứ chiến tranh và đi tiếp cho hiện tại hòa bình.

Đạo diễn Lê Thi: "Không có bên thắng cuộc hay phe thua cuộc" 1

Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân, Đại tá Lê Thi.

- Bộ phim mang đến điều gì mới so với tác phẩm nổi tiếng về ngày 30/4 là "Mùa xuân toàn thắng" (1997), cũng do ông đạo diễn?

- Mùa xuân toàn thắng - do tôi cùng Trần Duy Hinh và Nguyễn Khắc Lợi làm - là phim đồ sộ tái hiện chi tiết chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Nhiều phim tài liệu về 30/4 trước đây cũng thường dừng ở mốc thống nhất đất nước hoặc tái hiện những khoảnh khắc hào hùng của lịch sử.

30/4 - Ngày thống nhất có góc nhìn mới mẻ ở chỗ, tinh thần chủ đạo của phim là hòa hợp dân tộc và thống nhất đất nước. Với tôi, ngày 30/4 là ngày non sông liền một mối, ngày hòa hợp, chứ không có bên thắng cuộc hay phe thua cuộc. Cho nên, trong câu chuyện có đầy tiếng súng nổ, hình ảnh máu chảy, mất mát và hy sinh, nhưng tông phim thấm đẫm tính dung dị của tinh thần hòa hợp. Bộ phim cũng có cái mới khi đặt trong bối cảnh câu chuyện chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo hôm nay.

- Đâu là khó khăn mà êkíp làm phim đối mặt khi triển khai thực hiện?

- Lịch sử đi qua 40 năm rồi. Những nhân chứng lịch sử mà chúng tôi muốn chọn làm nhân vật có người đã qua đời, có người gần 100 tuổi, không thể kể chính xác chi tiết quá khứ. Điều này khiến quá trình làm phim khó hơn. Nhóm chúng tôi mất tổng cộng gần 10 tháng, cả chuẩn bị, tìm kiếm, quay phim, phỏng vấn nhân vật, trích dẫn tư liệu, dựng phim.

Một khó khăn khác thuộc về khâu chọn lọc và khai thác tư liệu cũ. Bộ phim này sử dụng 50 phần trăm tư liệu cũ. Tôi phải xem một lượng phim tài liệu khổng lồ để có thể trích xuất được dữ liệu cần thiết. Bởi từng làm việc về chiến tranh Việt Nam trong 40 năm, tôi nắm được tư liệu, biết các thước phim gốc nằm ở đâu, nên không bị mất quá nhiều công sức mà vẫn tìm được những đoạn phim thể hiện đúng chủ đề đặt ra ban đầu.

Đạo diễn Lê Thi: "Không có bên thắng cuộc hay phe thua cuộc" 2

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu bên các bản đồ khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Hình ảnh này cũng xuất hiện trong phim "30/4 - Ngày thống nhất". 

- Trong quá trình gặp gỡ nhân vật, ông có ấn tượng gì sâu đậm với những số phận trước và sau chiến tranh?

- Tôi được dịp trò chuyện cởi mở với các nhân vật ở cả hai phía, lắng nghe các nhân vật thổ lộ nội tâm chân thật. Tôi ấn tượng với nhận định khách quan của nguyên Đô trưởng Sài Gòn - tướng Nguyễn Hữu Hạnh: “Dân tộc ta là một”. Chúng tôi cũng khắc họa doanh nhân Nguyễn Linh Nhân Đức - một thuyền nhân, nay trở về quê lập công ty chuyên về robot trên biển, đại diện cho hàng triệu kiều bào ra đi 40 năm trước trở về đóng góp vào sự phát triển của dân tộc.

Đặc biệt, tôi ấn tượng khi gặp gỡ với nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu - người đang sở hữu khoảng 2.000 tấm bản đồ cổ, trong đó hơn 200 tấm về Hoàng Sa - Trường Sa. Trong cuộc trò chuyện về Hiệp định Geneve, ông cũng chia sẻ những kinh nghiệm cũng như bài học về vấn đề Biển Đông hôm nay.

- Sự nghiệp làm phim của ông trải dài cả trước và sau chiến tranh, ông thấy việc làm phim tài liệu ở hai giai đoạn khác nhau thế nào?

- Trong chiến tranh, việc làm phim rất vất vả. Tôi từng có một kỷ niệm làm phim chiến trường thế này. Hồi đó, đúng vào dịp Tết, tôi (đang là quay phim) và đạo diễn Nguyễn Kha được phân công sang Campuchia làm phim. Đúng chiều mồng một Tết, chúng tôi khởi hành, đi bộ từ miền Bắc ba tháng vào Nam rồi sang Campuchia. Lính bình thường chỉ mang súng và áo quần, chúng tôi mang cả máy và phim. Ba lô mỗi người hơn 20kg trở lên. Mất ba tháng để chúng tôi đi bộ tới được thành phố cần quay, quay phim ở đó chỉ mất 15 ngày, rồi lại mất ba tháng để đi bộ trở về Bắc. Sáu tháng đi bộ và chỉ 15 ngày quay để được phim Thành phố K: Những ngày đầu giải phóng.

Hiện tại, việc làm phim tài liệu gặp khó khăn bởi cơ chế thị trường, tính cập nhật và tính thực dụng. Sự cần thiết của phim chiến tranh giảm đi. Chúng tôi là các nhà làm phim nhựa, không cập nhật cho khán giả như phim truyền hình và báo đài bây giờ. Mặc dù nội dung của các phim tài liệu hiện nay rất phong phú, những nhà làm phim tài liệu hiện tại chưa khai thác được những đề tài sắc sảo, gai góc để khiến người xem thực sự bị cuốn hút.

Đạo diễn Lê Thi: "Không có bên thắng cuộc hay phe thua cuộc" 3

Một bức ảnh được sử dụng trong phim "30/4 - Ngày thống nhất".

- Làm phim gần 50 năm, ông ưu ái "đứa con" nào nhất?

- Có rất nhiều phim để lại kỷ niệm với tôi, một trong số đó là Đường mòn trên biển. Tôi và đạo diễn Phạm Nguyên chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nguyên Ngọc, ra mắt năm 1995. Đây là phim đầu tiên kể về con đường Hồ Chí Minh trên biển, con đường vận chuyển huyền thoại của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Hồi làm phim đó, đoàn chúng tôi đi gặp gỡ nhiều nhân vật trên tàu Không số, hầu hết đều là những người từng hoạt động bí mật.

Bộ phim này lồng ghép cả câu chuyện dân tộc và những câu chuyện riêng tư của nhiều số phận chiến sĩ từng hoạt động bí mật. Ví dụ như chuyện gia đình anh hùng Hồ Đức Thắng. Khi đồng chí Hồ Đức Thắng nhận nhiệm vụ chở vũ khí vào miền Nam thì người vợ ông được tổ chức bí mật cho gặp chồng. Về nhà, bà mang thai nhưng bị cả gia đình chồng nghi ngờ dằn hắt. Bà đã âm thầm một mình chịu đựng. Mãi 10 năm sau, đất nước thống nhất, ông trở về, bà mới được minh oan.

- Điều gì luôn khiến ông trăn trở suốt sự nghiệp làm phim tài liệu cách mạng?

- Tôi thường có cảm giác bản thân mang món nợ với lịch sử, với những đồng đội và người lính đã hy sinh, với mất mát của lịch sử. Hiện tại, tôi muốn nói được những gì mà ngày xưa vì hoàn cảnh chưa thể nói hết. Truyền thông cách mạng hồi xưa bao giờ cũng là chỉ có một tinh thần chung duy nhất: Thừa thắng xông lên, cái gì phục vụ cho chiến thắng ta làm. Hoàn cảnh lịch sử khi đó ít ưu tiên hơn những góc khuất. Giờ đây, chúng tôi muốn trả nợ.

Anh Trung thực hiện

Nguồn tin: giaitri vnexpress


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Bình Luận Facebook
Showbiz
Tin thế giới
Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 173
  •   Máy chủ tìm kiếm 4
  •   Khách viếng thăm 169
 
  •   Hôm nay 12,536
  •   Tháng hiện tại 45,086
  •   Tổng lượt truy cập 130,467,171