Tị nạn trong quán cafe Internet - mặt tối của xã hội Nhật

Thứ ba - 07/04/2015 16:39
Tị nạn trong quán cafe Internet - mặt tối của xã hội Nhật Tị nạn trong quán cafe Internet - mặt tối của xã hội Nhật

Nhật Bản là đất nước có nền kinh tế phát triển, nhưng nhiều lao động nước này không thể đảm bảo được cuộc sống và phải tá túc trong những quán cafe Internet.

Sống tại quán cafe Internet

Lần đầu tiên qua đêm tại quán cafe Internet, Fumiya, 26 tuổi, đã không thể ngủ nổi bởi tiếng ngáy và bước chân của những người khác. Kể từ đêm mất ngủ đó tới nay đã 10 tháng và những tiếng động nhỏ như vậy không còn làm phiền Fumiya được nữa. Khi ngủ, Fumiya sử dụng một tấm khăn phủ lên mặt để tránh ánh sáng từ đèn huỳnh quang mở suốt đêm, anh chia sẻ rằng, sống trong quán cafe Internet cũng "không quá tệ".

Tị nạn trong quán cafe Internet - mặt tối của xã hội Nhật 1
Fumiya sử dụng một tấm khăn phủ lên mặt để tránh ánh sáng từ đèn huỳnh quang mở suốt đêm

"Chúng tôi cần một nơi tương tự quán cafe Internet. Nếu không có nó, sẽ có thêm nhiều người có công việc mà không có nhà", Fumiya chia sẻ.

Quán cafe Internet xuất hiện ở Nhật Bản từ hơn một thập kỷ. Nhưng vào giữa những năm 2000, hình thức quán cafe Internet có thể phục vụ làm phòng ở mới xuất hiện và mọi người bắt đầu sống ở đó. Những quán cafe Internet kiểu này có những phòng riêng nhỏ cho khách, phòng tắm và dịch vụ giặt là với giá hợp lý cho người dùng qua đêm.

Fumiya bắt đầu sống tại một quán cafe Internet sau khi từ bỏ công việc của mình. Do đó, anh không thể tiếp tục sống tại ký túc xá của công ty nữa. 

Anh tìm kiếm một căn hộ nhưng mức giá của chúng vượt quá khả năng chi trả. Lúc đầu, cậu chỉ thuê một gian phòng tại quán cafe Internet 12 tiếng làm chỗ ngủ, nhưng ngay sau đó anh nhận ra rằng mình có thể sống ở đó. 

Mức phí tại quán cafe Internet mà Fumiya thuê là 1.920 yen (khoảng 350 ngàn đồng) một ngày và khoảng 10,5 triệu đồng một tháng. Nó rẻ hơn giá thuê căn hộ vì anh ta không phải trả tiền cho các tiện nghi. 

Các phòng riêng tại quán cafe Internet khá sạch sẽ, quán phục vụ đồ uống, chăn và đệm miễn phí. Kích thước của căn phòng là 1,8 x 1,2 m, đủ dài, rộng cho Fumiya ngủ mà không phải co chân.

Tị nạn trong quán cafe Internet - mặt tối của xã hội Nhật 2
Tadayuki Sakai thư giãn sau khi hoàn thành công việc

Fumiya là nhân viên bảo vệ cho một công ty. Anh làm 8 tiếng một ngày và 6 ngày một tuần với mức lương khoảng 230.000 yen (41,6 triệu đồng) một tháng. Anh chia sẻ, mình cần khoảng 1 triệu yen (181 triệu đồng) chi trả tiền đặt cọc, phí môi giới và sắm đồ nội thất cho một căn hộ ở Tokyo. Những người buôn bán bất động sản yêu cầu, những người không có bảo lãnh tài chính đặt cọc rất nhiều tiền.

Fumiya ước tính cần từ hai tới 5 năm để tiết kiệm mới đủ tiền. Công việc của anh ta không ổn định nên khó thể tính chuyện lâu dài, không biết khi nào công việc có thể thay đổi hoặc chuyển địa điểm.

Theo khảo sát của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, 60.900 người đã từng ngủ đêm tại quán cafe Internet vào năm 2007 và ước tính khoảng 5.400 người sống tại quán cafe Internet vì họ không có nhà. Trong số những người sống lâu dài tại quán cafe Internet, 2.200 người thất nghiệp và 2.700 là lao động không thường xuyên như Fumiya. 

Truyền thông gọi những người này là "Dân tị nạn cafe Internet" và chú ý tới hoàn cảnh của những người lao động không thường xuyên, những người mà mức lương không đủ để thuê căn hộ.

Tị nạn trong quán cafe Internet - mặt tối của xã hội Nhật 3
Số lượng lao động không thường xuyên tại Nhật đang tăng dần theo từng năm

Tại Nhật, số lượng công nhân không thường xuyên được trả lương thấp, ít phúc lợi và không có bảo đảm việc làm đang tăng dần. Theo khảo sát của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, năm 1990, 20% lao động Nhật là lao động không thường xuyên, nhưng trong năm 2011 con số lao động không thường xuyên đã tăng lên 17,3 triệu, chiếm 35,4% lực lượng lao động. 30% lao động nam và 50% lao động nữ không thường xuyên kiếm được mức lương dưới chuẩn nghèo của chính phủ Nhật. 

Theo khảo sát của Bộ Y tế và Phúc lợi Nhật trong năm 2007, thu nhập bình quân hàng tháng của những lao động không thường xuyên sống trong các quán cafe Internet tại Tokyo là 113.000 Yên.

Fumiya muốn trở thành một lao động thường xuyên để có thể sống ổn định và thuê một căn hộ. Khi lớn tuổi, anh nhận ra rằng sẽ ngày càng khó khăn hơn với người lao động không thường xuyên bởi chênh lệch thu nhập giữa lao động thường xuyên và lao động không thường xuyên ngày càng gia tăng trong những năm qua. 

Khi anh 45 tuổi, nếu anh vẫn là lao động không thường xuyên anh chỉ kiếm được một nửa số lương so với lao động thường xuyên. "Tôi muốn kết hôn và có một gia đình", Fumiya nói.

Không còn gì để mất

Tadayuki Sakai, 42 tuổi, nở một nụ cười tươi khi nhớ lại ngày mà ông đưa đơn từ chức cho ông chủ. Ông làm việc cho một công ty thẻ tín dụng, là nhân viên làm công ăn lương trong 20 năm. Ông vui sướng hét lên, "tôi cảm thấy ổn, rất ổn".

Tị nạn trong quán cafe Internet - mặt tối của xã hội Nhật 4

Hiện tại, ông Sakai khó có thể kiếm được công việc toàn thời gian ổn định tại Nhật. Hơn một phần ba lao động được tuyển dụng tại đây là lao động không thường xuyên. Sau khi bỏ việc, ông Sakai dọn đến ở một quán cafe Internet. Hiện ông làm tổng đài viên tạm thời cho công ty hệ thống máy tính của một người bạn. 

Mặc dù phải sống trong một căn phòng nhỏ hẹp nhưng ông Sakai thề rằng ông cảm thấy hạnh phúc khi được trở thành một lao động không thường xuyên. "Tôi sẽ không bao giờ muốn trở thành một nhân viên làm công ăn lương một lần nữa", ông Sakai chia sẻ.

Tị nạn trong quán cafe Internet - mặt tối của xã hội Nhật 5
Aya, 18 tuổi, ở quán cafe Internet cùng mẹ. Họ thuê hai căn phòng cạnh nhau. Họ mất nhà và mất việc sau trận động đất và sóng thần năm 2011

Nhiều công ty Nhật Bản đã và đang trải qua quá trình chuyển đổi từ những năm 1990 để đuổi kịp năng suất và khả năng cạnh tranh toàn cầu. Quá trình này tạo ra một cuộc xung đột với văn hóa doanh nghiệp truyền thống. Các công ty thường muốn người lao động cống hiến nghiêm túc và trung thành đổi lại công việc của họ được đảm bảo. Nhưng khi hệ thống làm việc suốt đời sụp đổ, những người lao động như ông Sakai bắt đầu đặt câu hỏi rằng sự cống hiến của họ có giá trị gì khi họ bị bệnh. 

Ông Sakai phải làm thêm 200 giờ trong 3 đến 4 tháng mỗi năm. Ông nói: "Tôi không có thời gian để về nhà. Tôi ngủ những giấc ngắn ngay tại văn phòng và trở lại làm việc ngay khi tỉnh dậy". Làm việc quá sức khiến Sakai bị trầm cảm và bác sĩ của công ty đã phải buộc ông nghỉ việc tạm thời ba lần trong vòng 20 năm qua. "Khi tôi trở lại làm việc, ông chủ của tôi bóng gió rằng tôi yếu đuối và có vấn đề về tâm thần".

Người lao động Nhật thường xuyên bị bắt nạt và quấy rối. Sakai cho biết "đó là một phần trong văn hóa của thế hệ cũ". Ông cho biết ông chủ của ông đã từng không giao tiếp với ông trong vòng một tháng sau khi ông từ chối lời mời uống rượu của ông chủ. Thay vì cho về hưu sớm hoặc sa thải, các công ty Nhật thường sử dụng chiến thuật bắt nạt và quấy rối để buộc nhân viên phải tự xin nghỉ.

Ông Sakai từng đảm nhiệm vị trí với mức lương 500.000 yen một tháng, nhưng sau đó ông đã bị giáng chức xuống vị trí nhân viên hành chính với mức lương chỉ còn 200.000 yen. "Bạn bị giáng chức hoặc bị đặt vào những vị trí không quan trọng cho tới khi bạn phải tự bỏ việc. Rất khó giữ một vị trí", ông Sakai nói.

Tị nạn trong quán cafe Internet - mặt tối của xã hội Nhật 6
Wanatabe thuê phòng tại cafe Internet vào tối muộn vì thấy giá hợp lý. Hiện anh đang làm một công việc tạm thời

Hiện nay, thị trường lao động Nhật đang bị mất cân bằng. Một số người cảm thấy họ bị buộc phải làm việc cho tới chết nhưng một số người khác không có công việc để tồn tại, Mariko Adachi, Giáo sư Kinh tế tại trường Đại học Ochanomizu Women's, cho biết. Chúng ta không thể loại bỏ sự mất cân bằng này. "Có rất nhiều điều bất hợp lý giữa con người và công việc. Mọi người cảm thấy bị mắc kẹt và vô vọng", bà nói.

Sakai không muốn từ bỏ quán cafe Internet để tới một căn hộ. Ông không còn đặt hy vọng vào Nhật Bản và muốn ra nước ngoài. Người này xếp gọn đồ đạc bao gồm một đôi giày da màu đen, hai chiếc áo sơ mi, một chiếc cà vạt, một bộ comple màu xám, một chiếc balo, và một chiếc cặp táp trong căn phòng của ông. "Tôi không còn gì để mất nữa. Tôi không còn hy vọng ở Nhật bản. Tôi chỉ có thể đặt cược vào bản thân mình", ông Sakai ngán ngẩm.

Nguồn tin: news zing


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Bình Luận Facebook
Showbiz
Tin thế giới
Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 127
  •   Máy chủ tìm kiếm 4
  •   Khách viếng thăm 123
 
  •   Hôm nay 23,448
  •   Tháng hiện tại 165,186
  •   Tổng lượt truy cập 128,763,364