Kỷ lục gia Mai Đình Tới cải tiến cây đàn bầu

Thứ ba - 06/01/2015 18:02
Kỷ lục gia Mai Đình Tới cải tiến cây đàn bầu Kỷ lục gia Mai Đình Tới cải tiến cây đàn bầu

Nam nghệ sĩ, được mệnh danh là "phù thủy" của các nhạc cụ, công bố tìm tòi của anh khi đưa nửa thân dưới của dây đàn bầu vào sử dụng thay vì bị bỏ qua như trước đây.

Sáng 6/1, tại TP HCM, nghệ sĩ Mai Đình Tới có buổi gặp gỡ báo chí để chia sẻ cải tiến của anh về cây đàn một dây - nhạc cụ truyền thống nổi tiếng của dân tộc.

Mai Đình Tới vốn rất yêu mến và say mê cây đàn bầu. Vợ anh là nghệ sĩ đàn bầu Hoàng Cầm, từng đoạt huy chương vàng độc tấu đàn bầu toàn quốc năm 2004 tại Huế. Từ chỗ say mê tiếng đàn, Mai Đình Tới dành thời gian tìm tòi cấu tạo và cách chơi nhạc cụ này.

Kỷ lục gia Mai Đình Tới cải tiến cây đàn bầu 1

Nghệ sĩ Mai Đình Tới giới thiệu tìm tòi của anh về cách cải tiến cây đàn bầu.

Trong quá trình tìm hiểu tính năng và bộ phận của độc huyền cầm, Mai Đình Tới luôn thắc mắc: tại sao đàn bầu vốn có âm thanh đẹp, quyến rũ nhưng nghệ sĩ trình diễn thường chỉ sử dụng một nửa phía thân trên dây đàn? Khi chơi đàn bầu, để sử dụng phần dưới thân đàn, nghệ sĩ chỉ có thể dùng ngón tay để bật âm thực, hay còn gọi là bật trầm chứ không dùng que để gảy.

Sau một thời gian tìm hiểu và trao đổi với nhiều người trong nghề, Mai Đình Tới nhận ra, nửa phần dưới dây đàn bầu không chơi được vì nó có nhiều nhược điểm.

Thứ nhất, dây đàn bầu thường có độ dốc rất thấp về cuối thân đàn và khóa đàn. Khi người chơi có nhu cầu mở rộng thêm các nốt ở phía dưới gần ngựa đàn là điều gần như không thể vì tay gảy và dây bị chạm mặt đàn, kéo theo là âm thanh bị câm, không chuẩn xác.

Kỷ lục gia Mai Đình Tới cải tiến cây đàn bầu 2

Nam nghệ sĩ tạo ra chức năng mới cho cây đàn bầu, sử dụng toàn bộ nốt nhạc từ cần đàn xuống dưới ngựa đàn.

Thứ hai, do vị trí cần đàn đến các điểm gảy ở cuối thân đàn có khoảng cách khá xa, khiến cho độ rung luyến, láy nảy ra từ cần đàn rất khó thực hiện. Nghệ sĩ trình diễn khi ngồi trước đàn bầu thường có xu hướng ngồi sát với cần đàn ở phía trái, nếu gảy phần thân dưới phía phải của dây đàn thì tư thế ngồi không thuận tiện.

Để khắc phục nhược điểm, Mai Đình Tới tiến hành dịch chuyển điểm đặt ngựa đàn mới đi về hướng cần đàn với khoảng cách 1,25 cm so với điểm đặt ngựa đàn cũ. Từ vị trí đặt ngựa đàn mới, nam nghệ sĩ nâng cao dây đàn lên khỏi điểm đặt dây thông thường khoảng 0,75cm. Đồng thời, mobil cảm ứng điện từ (nối với máy tăng âm và loa để khuếch đại âm thanh) cũng được đẩy lên theo sao cho độ cao của mobil tỷ lệ thuận với độ cao của dây đàn. Từ sự cải tiến này, đàn bầu cho ra 5 bậc tương ứng với 5 nốt nhạc hoàn chỉnh là: Sol - đô - mi - sol - đố nằm ở phía cuối thân đàn.

Tại buổi trao đổi sáng 6/1, nghệ sĩ Hoàng Cầm thể hiện hai nhạc phẩm Vì miền NamChiếc áo bà ba ( xem video ) trên cây đàn bầu cải tiến. Qua bàn tay điều chỉnh của nghệ sĩ Mai Đình Tới, 5 bậc mới phía cuối thân đàn bầu mang đến có cao độ chuẩn xác. Anh ví von, nửa phần thân dưới của cây đàn chính là "người em song sinh" với nửa phần thân trên.

"Nó có thể hòa hợp cả phía trên lẫn phía dưới hoặc tách rời đứng độc lập mà vẫn tạo nên hiệu quả âm thanh ngọt ngào, du dương như âm điệu đẹp vốn có. Điều này có tác dụng rất lớn trong việc diễn tấu và vận dụng khai thác hết những khoảng trống phía cuối thân đàn bầu, tạo nên sự phóng khoáng linh hoạt cho người nghệ sĩ khi biểu diễn mà không bó buộc tại một điểm cố định như trước nữa.", Mai Đình Tới khẳng định. (Ảnh so sánh đàn bầu truyền thống và đàn bầu cải tiến )

Kỷ lục gia Mai Đình Tới cải tiến cây đàn bầu 3

Nghệ sĩ Mai Đình Tới và vợ.

Mai Đình Tới tâm sự, cải tiến của anh chỉ là một tìm tòi rất nhỏ với mong muốn góp thêm âm sắc đa dạng cho nhạc cụ truyền thống dân tộc. Anh hy vọng có thêm cơ hội để giới thiệu tìm tòi của mình đến với giới chuyên môn âm nhạc, với các nghệ sĩ chuyên về nhạc cụ dân tộc, từ đó nhận thêm các ý kiến đóng góp, nhận xét.

Nghệ sĩ gốc Thanh Hóa này từng được Trung tâm Kỷ lục châu Á trao bằng xác nhận danh hiệu "Nghệ sĩ có nhiều nhạc cụ tự chế nhất châu Á". Anh cũng là "cha đẻ" của "Tổ hợp sân khấu - dàn nhạc bằng ống nhựa lớn nhất Việt Nam" - được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác nhận .

Những người từng tìm tòi cải tiến cây đàn bầu:

- Theo nhạc sĩ Bùi Lẫm, vào thập niên 1960, nghệ sĩ Mạnh Thắng là người sáng chế ra que gảy ngắn 4 cm cho đàn bầu, thay vì que gảy thông thường là 10 cm. Từ que gảy ngắn này Nghệ sĩ Ưu tú Đức Nhuận phát minh ra lối kỹ thuật vê trên một cây đàn, đánh bồi âm trên bồi âm.

- Nghệ sĩ Hồ Khắc Chí là người có sáng kiến gắn lên nửa thân phía dưới đàn bầu các con ngựa (nhạn đàn) để tạo thêm các âm bồi làm phong phú tiếng đàn. Sáng tạo của ông Hồ Khắc Chí là người chơi dùng cả bàn tay chặn và tác động trực tiếp xuống dây đàn bầu. Trong khi đó, nghệ sĩ Mai Đình Tới khai thác nửa thân phía dưới của nhạc cụ này bằng que gảy như lối chơi thông thường, tạo ra cao độ chuẩn xác, âm thanh mượt.

- Trong thời gian 10 năm (1960-1970), nhạc sĩ Mác Tuyên chế tác 11 cây đàn bầu cải tiến nhưng không thành công. Năm 1986, ông tiếp tục cho ra đời cây đàn bầu thứ 12 gọi là lạc cầm. Năm 1987, ông cho ra đời lạc cầm thứ 13 chuyển tải được âm sắc của 4 loại nhạc cụ dân tộc gồm: Đàn bầu, đàn tranh, tứ trầm và tứ trung. Sau đó ông còn cho ra đời cây đàn thứ 15 và 16.

- Nghệ sĩ Nguyễn Văn Nam và kỹ sư Nguyễn Văn Lợi thiết kế bộ khuếch đại (amply) nhỏ gọn lắp vào hộp đàn sử dụng loa sắt cắm ngoài, rất phù hợp với tiếng đàn bầu và thuận tiện cho nghệ sĩ. Đây là bước cải tiến quan trọng được nhiều nghệ sĩ đàn bầu sử dụng rộng rãi.

- Nhà giáo Ưu tú Quốc Lộc - giảng viên đàn bầu Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) - là người có sáng kiến tạo thêm hợp âm cộng hưởng và thêm ngựa đàn để truyền dẫn âm thanh vào hộp đàn mộc.
...

Ảnh, video: Thất Sơn

Nguồn tin: giaitri vnexpress


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Bình Luận Facebook
Showbiz
Tin thế giới
Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 148
  •   Máy chủ tìm kiếm 42
  •   Khách viếng thăm 106
 
  •   Hôm nay 17,342
  •   Tháng hiện tại 484,055
  •   Tổng lượt truy cập 130,067,824