Giá trị bất biến của album trước cơn bão MV

Thứ năm - 19/02/2015 00:38
Giá trị bất biến của album trước cơn bão MV Giá trị bất biến của album trước cơn bão MV

Trong vòng 2 năm trở lại đây, số lượng MV (music video) tại Việt Nam tăng đột biến. Năm 2013 có 3.000 MV, còn năm 2014 là 14.000 MV được đăng tải trên Zing.

Thế giới đang thay đổi, công chúng cũng thay đổi cách nghe và các nhà sản xuất âm nhạc cũng phải tự thay đổi để tồn tại. Thực tế này không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà cả đối với thế giới - MV được biết đến qua những trang mạng nghe/xem nhạc trực tuyến như YouTube, đã phát triển chóng mặt.

Nhìn ra thế giới

Ngày xưa, những album và những bản hit luôn cần có nhau để “cộng sinh” - bản hit cần có album để “sống” và album cần có bản hit để “hot”. Nhưng nay hầu như không ngôi sao ca nhạc nào sống được bằng album, bản hit phải tìm đường “sống” khác, thông qua các MV. MV ngoài nhiệm vụ “truyền thống” dùng để quảng bá cho một album sắp trình làng, ngày nay nó còn được xây dựng như một tác phẩm sáng tạo độc lập. Trong số 10 MV được xem nhiều nhất thế giới trong năm 2014, điều bất ngờ là tất cả số này đều là những MV single quảng bá cho album phát hành của ca sĩ.

Nói như thế để thấy rằng, việc xây dựng MV thành một tác phẩm độc lập (chứ không phải để quảng cho bá album), đó cũng chỉ là một xu hướng, phát triển một chức năng mới của MV bên cạnh chức năng vốn có của nó. 

Năm 2014, các nghệ sĩ như Beyonce, Bjork, Aloe Blacc, Tom Edell, Brunettes Shoot… cũng xem MV là một sản phẩm sáng tạo. Nhưng cần phải thấy rằng, sự tồn tại danh tiếng cũng như đẳng cấp của họ, vẫn chính là album, dù phát hành dạng vật lý (phisycal) hay số (digital). Nhiều người thấy Beyonce ra rất nhiều MV mà quên rằng cô đã có rất nhiều album giá trị.

Ngay cả nổi tiếng toàn cầu như Gangnam Style của Psy, nó cũng chỉ là sự nổi tiếng của thời đại nghe nhìn Internet. Gangnam Style không tạo cho Psy một đẳng cấp để có thể đứng ngang hàng với các ngôi sao ca nhạc thế giới, bởi anh không có album nào thể hiện chân dung âm nhạc của mình.

Điều đó cho thấy, cho dù phát triển thành một xu thế mới, một dạng sản phẩm mới, có khi làm “điên đảo” thế giới nghe nhạc, nhưng MV vẫn chưa thể “soán” được mô hình album nếu xét về giá trị cống hiến, sáng tạo trong âm nhạc. 

Giá trị bất biến của album trước cơn bão MV 1

MV ở thị trường Việt Nam

Ca sĩ Việt đang có xu hướng muốn nổi tiếng bằng mọi cách nhưng không cần đặt việc đầu tư chất lượng lên hàng đầu. Con số 15.000 MV được phát trên Zing năm 2014 cho thấy xu thế mì ăn liền và cả tính cạnh tranh gay gắt của những ca sĩ trẻ hiện nay. Hầu như khó có MV nào tồn tại được lâu và để lại một giá trị âm nhạc thật sự.

Hiện tượng Khởi My được nói kha khá trong hai năm qua với những MV thu hút đến hàng chục triệu người xem nhưng sáng tạo âm nhạc, hay những giá trị mà cô muốn mang đến gần như là không có. Khởi My chưa có một album nào, để nhìn vào đó, thấy được sự cống hiến nghệ thuật thật sự của cô.

14 triệu lượt người xem MV Nơi ấy con tìm về của Hồ Quang Hiếu đang là một trong những kỷ lục của Zing nhưng trong profile âm nhạc của mình, nam ca sĩ này chỉ có đúng một album duy nhất phát hành ba năm trước, và suốt ba năm qua Hồ Quang Hiếu hầu như chỉ phát hành MV.

Bùi Bích Phương suốt năm 2014 chỉ “ăn” thị trường bằng MV Mình yêu nhau đi, với 12 triệu lượt xem. Nhưng ca khúc này không đủ để tạo nên giá trị âm nhạc cho Bích Phương.

Bích Phương, Khởi My, Hồ Quang Hiếu dù nổi đình đám trong năm qua, nhưng điều đó cũng không giúp các ca sĩ này ngồi “cùng chiếu” với những sao thượng thặng của thị trường âm nhạc Việt. 

Lý do giải thích cho xu hướng này rất đơn giản. Những người chọn MV hay single online đa phần là những ca sĩ mới, muốn đi tắt để nổi tiếng càng nhanh càng tốt. Thay vì mất rất nhiều thời gian và tiền bạc để hoàn thành một album đúng nghĩa thì họ chọn một hình thức mới được xem là tiện lợi nhất - MV.

Với những ca sĩ đã có tên tuổi trên thị trường âm nhạc, để hâm nóng tên tuổi trong thời gian khá dài chờ đợi một dự án lớn, không có gì thuận lợi và hiệu quả bằng việc cứ khoảng 2 -3 tháng pháng hành một MV. Hồ Ngọc Hà, Mỹ Tâm và một số ca sĩ khác trong thời gian qua cũng đã chọn phương án này.

Các ca sĩ vừa bước ra từ hào quang của các cuộc thi như Uyên Linh, sau hai năm từ ngày đăng quang Vietnam Idol cô mới phát hành album đầu tay, thì khoảng giữa hai năm ấy, là những MV và single được phát hành. Nguyễn Trần Trung Quân cũng thế, đi ra từ Sao Mai Điểm hẹn cũng phải mất hai năm mới ra album và cũng ở khoảng giữa đó, anh phát hành khá nhiều MV và single online… 

Giá trị bất biến của album trước cơn bão MV 2

Nhưng cần phải nhấn mạnh rằng, chính những album của Uyên Linh hay Nguyễn Trần Trung Quân, chứ không phải MV, mới có thể vẽ nên chân dung âm nhạc của họ.

Rất nhiều ca sĩ tên tuổi ở Việt Nam hiện nay, cho dù ra MV, nhưng album vẫn là sản phẩm được chọn để thể hiện những khám phá sáng tạo, khẳng định phong cách âm nhạc… hay nói cách khác là để tạo cho mình một đẳng cấp âm nhạc.

Cá biệt như Tùng Dương, hầu như không phát hành MV, nhưng những album của anh như Li ti, Độc đạo đã tạo một ấn tượng lớn đối với giới âm nhạc và nó được xem là sản phẩm đánh dấu những chặng đường thành công của Tùng Dương. 

Cho dù MV đang bùng nổ và mỗi MV có thể thu hút hàng chục triệu lượt xem, nhưng nó không đủ “tầm” để thay thế những giá trị bất biến nhằm thể hiện đẳng cấp ca sĩ do các album mang lại.

Nhiều người ví album như một bộ sưu tập thời trang, còn MV chỉ là một bộ trang phục. Nhiều bộ trang phục đơn lẻ, dù có nghệ thuật đi chăng nữa chúng cũng không thể thay thế những bộ sưu tập thời trang - hình thức để thể hiện chân dung, phong cách, đẳng cấp của một nhà thiết kế.

 

Nguồn tin: news zing


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Bình Luận Facebook
Showbiz
Tin thế giới
Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 250
  •   Máy chủ tìm kiếm 2
  •   Khách viếng thăm 248
 
  •   Hôm nay 15,555
  •   Tháng hiện tại 235,332
  •   Tổng lượt truy cập 130,657,417