Lối sống Tây len lỏi vào Triều Tiên

Thứ sáu - 10/04/2015 07:26
Lối sống Tây len lỏi vào Triều Tiên Lối sống Tây len lỏi vào Triều Tiên

Một "kinh đô thời trang" mới nổi, dịch vụ làm đẹp khởi sắc, hay thị trường nhà đất sôi động đang thổi những làn gió mới vào cuộc sống ở quốc gia được cho là bí ẩn Triều Tiên.

Lối sống Tây len lỏi vào Triều Tiên 1

Một quầy bán giầy dép trong trung tâm thương mại ở Bình Nhưỡng. Ảnh: AP

Theo Telegraph, thành phố cảng Chongjing, nơi từng bị nạn đói hoành hành, nay nổi lên như một trung tâm giao dịch thương mại quan trọng ở Triều Tiên, điểm đến đầu tiên của các hãng thời trang nước ngoài.

Thậm chí, ngay cả người dân thủ đô Bình Nhưỡng cũng không theo kịp Chongjin về phong cách thời trang. Điều này nghe có vẻ lạ vì thủ đô là nơi tập trung những người giàu có và quyền lực, đủ điều kiện cập nhật những mốt thời thượng nhất.

Tuy nhiên, an ninh ở thủ đô bị kiểm soát nghiêm ngặt hơn, đồng nghĩa với việc ăn mặc cũng bị kiểm soát chặt chẽ hơn. Phụ nữ Bình Nhưỡng không thể thoải mái diện trang phục phóng khoáng như người dân những thành phố khác.

Thương nhân ở Chongjing thường xuyên nhận các kiện quần áo nặng 100 kg chuyển đến từ các tàu Nhật Bản. Tất cả nhãn mác của sản phẩm đều được gỡ bỏ. Áo khoác, quần jeans, váy, và những thứ có thể là lỗi thời ở Nhật Bản, nhưng vẫn tốt và thời trang hơn so với đồ Triều Tiên hay Trung Quốc sản xuất.

Đối với phụ nữ trẻ ở Chongjing, phong cách thời trang của đệ nhất phu nhân Ri Sol-ju cũng không mấy ấn tượng. Một phụ nữ trẻ từng đánh giá bộ váy đỏ đen của bà Ri "không có gì đặc biệt", tuy nhiên, cô lại khen ngợi chiếc váy màu xanh lá cây pha đen bà Ri mặc khi ra ngoài cùng chồng.

Chongjing là nơi đầu tiên ở Triều Tiên phụ nữ diện quần jeans bó. Mốt này nhanh chóng phổ biến ở Chongjin, mặc dù ở Triều Tiên, quần jeans hay trang phục bó sát khoe đường cong đều bị cấm. Với phụ nữ Chongjin, mặc quần jeans bó ống loe sẽ khiến đôi chân trông thon thả và đẹp hơn, là cách trải nghiệm những điều mới mẻ và phóng khoáng.

Phẫu thuật thẩm mỹ

Ở các quốc gia Đông Á như Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản, hay Trung Quốc, người dân thường quan niệm rằng đôi mắt to hai mí khiến khuôn mặt nhìn hấp dẫn hơn. Một số người ít người bẩm sinh đã có mắt hai mí, song đa phần đều một mí.

Tuy nhiên, có cách dễ dàng để chỉnh sửa mí mắt bằng một tiểu phẫu đơn giản gọi là "nhấn mí". Thủ thuật này không đòi hỏi nhiều kỹ thuật y tế và có thể làm xong trong 10 phút.

Ở Triều Tiên, những người giàu sẽ thuê bác sĩ phẫu thuật để "nhấn mí", còn những người không đủ điều kiện kinh tế, đa phần chọn cách làm chui. Ca tiểu phẫu sẽ được làm tại nhà bệnh nhân, thậm chí không cần thuốc gây tê và người phẫu thuật không phải là bác sĩ.

Chỉ mất 2 USD cho một ca, phụ nữ Triều Tiên đã có đôi mắt hai mí xinh đẹp. Trên thực tế, bất cứ ai cũng có thể học cách "nhấn mí". Người nào làm tốt sẽ được giới thiệu theo kiểu truyền miệng, và sống tốt nhờ nghề này.

Phẫu thuật mí mắt, cũng như các loại hình thẩm mỹ khác ở Triều Tiên, là bất hợp pháp. Tuy nhiên, hoạt động này phổ biến ở thành thị, cơ quan chức năng cũng không thể kiểm soát. Những người nhấn mí có thể nhờ bạn bè hoặc người thân chứng minh rằng mình bẩm sinh đã có mắt hai mí.

"Khách sạn tình yêu"

Ở Triều Tiên, nam nữ nắm tay nơi công cộng hoặc quan hệ tình dục trước hôn nhân là điều cấm kị. Ở đây không tồn tại những "khách sạn tình yêu" giống Hàn Quốc, nơi các đôi tình nhân thuê phòng theo giờ, thoải mái bày tỏ yêu đương. Để giải quyết vấn đề này, nam nữ Triều Tiên có cách riêng.

Các ajumma, từ chỉ phụ nữ trung niên trong tiếng Triều Tiên, sẽ tranh thủ cho thuê nhà theo giờ. Thường vào buổi chiều, các cặp đôi trẻ sẽ đến gõ cửa nhà ajumma. Lúc đó, chồng bà vẫn ở chỗ làm còn lũ trẻ thì ở trường. Nhận xong tiền, ajumma sẽ rời đi trong một, hai tiếng, để đôi trẻ tự do trong nhà, còn họ sẽ ra công viên đi dạo, hoặc ra chợ mua vài món đồ.

Lối sống Tây len lỏi vào Triều Tiên 2

Công nhân đang xây nhà tại quận Mansudae, trung tâm Bình Nhưỡng. Ảnh: AP

Bất động sản Triều Tiên

Binh sĩ quân đội là nguồn lao động chính xây dựng chung cư, khách sạn, đường sá ở Triều Tiên. Truyền thông nhà nước Triều Tiên thường gọi họ là "binh lính-thợ xây".

Một số chung cư được xây dựng tiện nghi, dành riêng cho các cựu chiến binh, vận động viên hoặc khoa học gia hay nhân viên ngoại giao.

Như những nước khác, bất động sản ở Triều Tiên có thể trao đổi. Điểm khác biệt duy nhất là Triều Tiên thiếu một hệ thống giao dịch, buôn bán bất động sản chính thức, vì sở hữu nhà đất tư nhân bị cấm ở quốc gia này. Người dân được phép đổi nhà cho nhau nếu sống cùng một quận trong thành phố, và trả chênh lệch bằng tiền mặt, mà không cần qua đăng ký.

Ở Bình Nhưỡng, giá nhà đã tăng gấp 10 lần trong hơn chục năm qua. Thậm chí, giao dịch có thể được thực hiện thông qua đại lý bất động sản chui.

Những căn hộ ngoài khu vực trung tâm, không có thang máy hoặc hay bị cắt điện thường có giá qua tay ít nhất 3.000 - 4.000 USD. Những căn hộ tầng thấp có giá cao hơn, vì nếu bị mất điện, họ sẽ đỡ mất công đi xuống bằng thang bộ. Trong khi đó, giá căn hộ ở Mansudae, trung tâm thủ đô Bình Nhưỡng, có giá qua tay ít nhất 100.000 USD, thậm chí lên tới 250.000 USD.

Rượu và tiệc

Người Triều Tiên, đặc biệt là người dân vùng nông thôn, thường thích uống rượu tự nấu. Họ sẽ nấu ngô, hoa quả, hoặc nhân sâm rồi cho lên men và ủ trong chai hoặc bình. Rượu tự nấu được gọi là nong-taegi, hoặc nungju, sẽ được thưởng thức trong gia đình, hoặc đem bán cho hàng xóm.

Hầu hết các bà nội trợ Triều Tiên đều biết nấu rượu. Người nào nấu ngon sẽ nổi tiếng trong làng, thậm chí, có thể biến bếp nhà thành cơ sở làm ăn nho nhỏ nếu muốn.

Mặc dù nong-taegi là bất hợp pháp, nhưng những người thực thi pháp luật thường làm ngơ vì họ cũng thích uống rượu. Ở Triều Tiên, 80-90% đàn ông uống rượu hàng ngày. Bài hát phổ biến trên bàn nhậu là "Weol, hwa, su, mok, geum, to, il Banju", có nghĩa "Uống vào thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy, và cả chủ nhật nữa."

Phụ nữ Triều Tiên trước đây ít uống rượu, nhưng điều này đang thay đổi. Tầng lớp phụ nữ đi làm ngày một nhiều hơn, và cũng tự do hơn. Để giải tỏa căng thẳng, họ thích tham dự vào các bữa tiệc tại gia. Tại đó, mọi người sẽ nhảy múa, uống nong-taegi và nghe nhạc. Các gia đình Triều Tiên ngày nay sắm đầy đủ loa đài, đầu DVD, USB hay MP3.

Lối sống Tây len lỏi vào Triều Tiên 3

Một người đàn ông Triều Tiên đang hát karaoke và con gái đệm đàn phía sau ở khách sạn gần núi Kumgang, phía b

Hồng Hạnh

Nguồn tin: vnexpress


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Bình Luận Facebook
Showbiz
Tin thế giới
Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 68
  •   Máy chủ tìm kiếm 3
  •   Khách viếng thăm 65
 
  •   Hôm nay 26,226
  •   Tháng hiện tại 231,775
  •   Tổng lượt truy cập 128,829,953