Cơn sốt ôm cây bất ngờ được giới trẻ Trung Quốc ưa chuộng như một loại hình massage tâm lý mới trong bối cảnh gặp nhiều áp lực trong cuộc sống.
Một cơn sốt mới lạ đang "càn quét" các thành phố trên khắp Trung Quốc. Đó là... ôm cây để giải tỏa căng thẳng, lo âu. (Ảnh: SCMP).
Một trào lưu giải tỏa căng thẳng kỳ lạ đã được ghi nhận ở những người trẻ tuổi Trung Quốc trong thời gian gần đây, và dần lan rộng đến các thành phố lớn. Theo SCMP, nguồn gốc của trào lưu này dường như xuất phát từ thành phố ven biển miền trung Thượng Hải.
Từ sinh viên đại học, công nhân viên chức, cho tới các nữ diễn viên, bác sĩ... đều đắm chìm trong niềm đam mê kỳ lạ này. "Khi toàn bộ cơ thể và khuôn mặt của tôi chạm vào thân cây, một cảm giác bình yên truyền vào não tôi", một người thích ôm cây chia sẻ.
"Dần dần, tôi có nhiều năng lượng hơn và cảm thấy được chữa lành. Hơn nữa, càng ôm cây nhiều hơn, bạn sẽ càng gắn bó với nó. Thật kỳ diệu".
Trên cổng thông tin baidu.com, một phòng trò chuyện đã thu hút được hơn 10.000 thành viên gồm những người đam mê liệu pháp ôm cây, cũng như chia sẻ hơn 50.000 bài đăng về trải nghiệm tiếp xúc với cây cối của họ.
Một người phụ nữ Trung Quốc đang ôm gốc cây ven đường. (Ảnh: Baidu).
Trên ứng dụng video ngắn Douyin, một video có tiêu đề "trị liệu bằng cây" đã nhận được 330.000 lượt thích và 40.000 bình luận. Tại đó, việc ôm cây được ví như một loại hình massage tâm lý trong bối cảnh cuộc sống hiện đại có nhiều áp lực.
Trong khi trên một nền tảng mạng xã hội khác là Xiaohongshu, hàng trăm người đã chia sẻ trải nghiệm ôm cây hay thậm chí tổ chức các buổi gặp gỡ để thỏa mãn niềm đam mê của mình.
Những người ủng hộ trào lưu này cho biết, họ chỉ cần chọn một cái cây mà họ thích ở công viên hoặc trên đường, rồi ôm lấy chúng. Thời gian ôm cây có thể kéo dài từ vài phút đến hàng giờ.
Các chuyên gia y học cổ truyền Trung Quốc cho rằng, việc ôm cây có thể mang đến lợi ích cho sức khỏe thể chất và tinh thần. (Ảnh: Getty).
"Rõ ràng là tôi đang ôm cái cây, nhưng rồi lại cảm thấy cái cây đang ôm lại mình", Qishishiqi, một phụ nữ trẻ tuổi người Trung Quốc, kể về niềm đam mê ôm cây.
Chia sẻ về lần đầu tiên có được cảm nhận này, Qishishiqi cho biết, cô bắt đầu cảm thấy thư giãn và như được chữa lành sau khi ôm một gốc cây hơn 1.000 năm tuổi tại công viên ở Thượng Hải.
Dù không biết nguồn gốc của cảm giác này đến từ đâu, song cô gái có niềm tin rằng nếu cứ làm như vậy, thì sẽ tạo ra năng lượng chữa lành.
Một người phụ nữ đã nghỉ việc vì áp lực công việc quá lớn, lại cho biết việc ôm cây giúp cô ổn định tâm lý.
"Tôi đắm chìm trong việc ôm cây. Nó giống như giải phóng tâm trí vậy", người phụ nữ có nickname Lvzi viết. "Tôi cảm thấy thật tự do và cảm thấy thế giới rộng lớn. Nó cũng giúp tôi có thêm ý chí".
Theo Li Xiaolin, một bác sĩ y học cổ truyền ở Bắc Kinh (Trung Quốc), cho rằng việc ôm cây hay các loài thực vật mang đến lợi ích cho sức khỏe thể chất và tinh thần. Chia sẻ trên tờ Life Times, bác sĩ Li nói mọi người có thể thu được "khí" (một khái niệm đại diện cho sinh lực của cơ thể) nếu như đều đặn làm như vậy.
Những người tham gia ôm cây có thể làm điều này từ vài phút, cho đến vài giờ, miễn là họ cảm thấy thoải mái, (Ảnh: Douyin).
Tiến sĩ Stone Kraushaar, một nhà tâm lý học lâm sàng, khẳng định chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh việc ôm cây mang đến hiệu quả. Tuy nhiên, tiến sĩ Kraushaar liên tưởng hình ảnh này tới hành động hai người đang ôm nhau.
"Hai người ôm nhau trong ít nhất 21 giây sẽ được hưởng lợi từ việc giải phóng oxytocin hay còn gọi là hormone tình yêu", Kraushaar nói. "Thế nhưng, tôi không chắc điều đó có áp dụng cho việc ôm cây hay không".
"Dù chưa biết ôm cây có thực sự tốt hay không, nhưng nếu điều này khiến bạn cảm thấy thoải mái, mà chẳng gây hại gì, thì tại sao lại không thử", chuyên gia này chia sẻ.
Một người sử dụng bí danh Sky và tự nhận mình là chuyên gia chữa bệnh tâm lý, cho biết mọi người nên chọn những cây từ 10 tuổi trở lên, và hạn chế ôm cây vào những ngày nắng.
Ngoài ra, người ôm cây cũng nên tránh những thân cây quá rậm rạp, vì nguy cơ gặp phải sâu bọ, hay các loài rắn sống trên cây. Những ngày giông bão, mọi người cũng không nên ôm cây, do có thể bị sét đánh.
Nguồn tin: khoahoc.tv
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn