Người tiêu dùng có quyền khởi kiện khi mua sản phẩm kém chất lượng

Thứ tư - 11/02/2015 16:11
Người tiêu dùng có quyền khởi kiện khi mua sản phẩm kém chất lượng Người tiêu dùng có quyền khởi kiện khi mua sản phẩm kém chất lượng

Khi phát hiện sản phẩm không đảm bảo chất lượng, có lỗi, người tiêu dùng có thể khởi kiện đòi doanh nghiệp bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, mọi hành vi yêu cầu một cách thái quá có thể dẫn tới vi phạm pháp luật.

Liên quan việc anh Võ Văn Minh (35 tuổi) - chủ quán cơm ở Tiền Giang - vừa bị bắt với cáo buộc sử dụng chai nước giải khát có ruồi bên trong để "tống tiền" một doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó chủ tịch Hội luật gia TP HCM - cho biết, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được luật hoá, quy định rõ tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá phải đảm bảo chất lượng của sản phẩm, phải có trách nhiệm thu hồi hàng hoá có khuyết tật và bồi thường thiệt hại, nếu có.

"Trên thực tế việc thực thi các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn chưa hiệu quả và nặng tính hình thức. Nhiều doanh nghiệp vẫn vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, nhất là trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm", luật sư Hậu nói.

Người tiêu dùng có quyền khởi kiện khi mua sản phẩm kém chất lượng 1

Luật sư Hậu cho rằng, hiện quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam chưa thực sự được các doanh nghiệp quan tâm và đề cao. Ảnh: H. D.

Theo ông Hậu, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nêu rõ một trong những quyền cơ bản và quan trọng của người tiêu dùng là “được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hoá, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp”.

Luật cũng quy định, khi phát hiện hàng hoá có khuyết tật, không bảo đảm an toàn thực phẩm, người tiêu dùng có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải sửa chữa, đổi vật có khuyết tật, giảm giá và bồi thường thiệt hại. Bên cạnh đó, người tiêu dùng có thể tố cáo tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền như cơ quan quản lý thị trường địa phương, thanh tra sở công thương... để các cơ quan này xem xét xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm theo quy định pháp luật.

"Tuy nhiên, ranh giới giữa biện pháp bảo vệ hợp pháp và tội phạm hình sự là rất mong manh", ông Hậu nói. Theo ông, người tiêu dùng có quyền đòi doanh nghiệp phải bồi thường cho mình nhưng trong thực tế không ít trường hợp người tiêu dùng đã bức xúc mà có hành vi thái quá, đe dọa "sẽ làm thế này làm thế kia để hạ uy tín của anh..." nhằm mục đích buộc bên kia phải đáp ứng yêu cầu của mình. Đây là hành vi có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự.

Cùng quan điểm, một thẩm phán TAND TP HCM cho rằng, người tiêu dùng có đến 8 quyền để bảo vệ mình. Trong mọi trường hợp nếu người dân phát hiện sản phẩm của bất kỳ doanh nghiệp nào có lỗi và gây thiệt hại cho mình đều có quyền khiếu nại, khởi kiện lên Hiệp hội bảo về người tiêu dùng hoặc tòa án để bảo vệ quyền lợi ích một cách hợp pháp. Người tiêu dùng không nên thực hiện những hành vi trái pháp luật dẫn đến hậu quả pháp lý nghiêm trọng và đáng tiếc. 

Ông đưa ra ví dụ về trường hợp một chủ cửa hàng kinh doanh ăn uống ở Đồng Nai cách đây nhiều năm từng phát hiện sản phẩm nước uống có "vật thể lạ" bên trong. Sau nhiều lần thương lượng, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đồng ý bồi thường nhưng khi bà này nhận tiền thì bị công an bắt, lý do vì công ty đã tố cáo. Tuy nhiên, sau đó nữ chủ tiệm được thả vì giữa bà với công ty đã có biên bản thỏa thuận trước đó và đây được xác định là quan hệ dân sự. 

Bà Dương Thụy Kim Ngân, kiểm sát viên VKSND TP HCM, cho rằng: "Mọi hành vi nhằm che đậy sản phẩm lỗi, sản phẩm không chất lượng ở góc độ người tiêu dùng hay doanh nghiệp sản xuất đều là thiếu nhân văn và không thể chấp nhận được”. Theo bà, khi phát hiện sản phẩm lỗi doanh nghiệp cũng phải cam kết kiểm tra lại quy trình, hệ thống sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng thời cũng là đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Theo luật sư Hậu, việc người tiêu dùng phải đi khởi kiện để đòi quyền lợi cũng là "bất đắc dĩ". Các doanh nghiệp nên xây dựng văn hóa ứng xử với người tiêu dùng, lấy tiêu chí "khách hàng là thượng đế" để giải quyết các nhu cầu và lợi ích của khách hàng. Khi phát hiện sự cố về sản phẩm không nên bưng bít hay che giấu.

Ông Hậu cho hay ở nhiều nước trên thế giới, doanh nghiệp phải thưởng cho những người phát hiện ra sản phẩm của mình bị lỗi và kém chất lượng bởi nhờ đó mới rà soát, kiểm tra lại quá trình sản xuất trong doanh nghiệp và xử lý những bộ phận dẫn đến sai sót. "Nếu các doanh nghiệp Việt Nam giải quyết các sự cố về việc sản phẩm kém chất lượng bằng cách thỏa hiệp với người tiêu dùng và bưng bít thông tin thì doanh nghiệp không hội nhập được với thế giới", ông nói.

Hải Duyên

Nguồn tin: vnexpress


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Bình Luận Facebook
Showbiz
Tin thế giới
Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 179
  •   Máy chủ tìm kiếm 2
  •   Khách viếng thăm 177
 
  •   Hôm nay 21,919
  •   Tháng hiện tại 241,696
  •   Tổng lượt truy cập 130,663,781