Nhà chức trách Trung Quốc không tiết lộ thông tin nào về vệ tinh phóng trên tên lửa Trường Chinh 7A, trừ mô tả đó là vệ tinh thử nghiệm công nghệ liên lạc.
Tên lửa Trường Chinh 7A chở vệ tinh TJS-10 phóng hôm 3/11. (Ảnh: CASC)
Tên lửa Trường Chinh 7A cất cánh từ Trung tâm phóng vệ tinh Văn Xương ở ven biển vào 21h54 ngày 3/11 theo giờ Hà Nội, theo Space. Hàng vận chuyển là vệ tinh Tongxin Jishu Shiyan Weixing-10 (TJS-10) thuộc Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASC) khi tổ chức này thông báo phóng thành công trong vòng một giờ sau lúc cất cánh. Theo mô tả của Xinhua, vệ tinh này chủ yếu dùng để thử nghiệm công nghệ liên lạc tốc độ cao và đa băng tần.
Vệ tinh TJS-10 nằm trên quỹ đạo chuyển tiếp địa tĩnh (GTO) và sẽ tự tiến vào vành đai địa tĩnh cách bề mặt Trái đất khoảng 35.786km trong tương lai gần. Tuy nhiên, cả CASC và các cơ quan truyền thông không cung cấp thêm bất kỳ chi tiết nào về vệ tinh. Việc thiếu thông tin và hoạt động trên quỹ đạo của các vệ tinh TJS thu hút sự chú ý của nhiều nhà phân tích. Đây có thể là tên gọi chung cho vệ tinh phục vụ một loạt mục đích sử dụng khác nhau.
Chẳng hạn, vệ tinh thử nghiệm liên lạc TJS-3 phóng vào tháng 12/2018. Dù vậy, nó nhiều lần tiếp cận gần vệ tinh của các nước khác. Những vệ tinh khác trong dòng TJS bị nghi là dùng cho thử nghiệm cảnh báo sớm tên lửa và tín hiệu tình báo. Đây là sản phẩm phát triển bởi Viện hàn lâm công nghệ bay vũ trụ Thượng Hải (SAST), một trong những chi nhánh quan trọng của CASC.
Trường Chinh 7A là phiên bản cao 60m của tên lửa Trường Chinh 7, được thiết kế để đưa tàu vũ trụ lên GTO. Đây cũng là lựa chọn không độc hại thay thế tên lửa Trường Chinh 3B. Tên lửa Trường Chinh 7 tiêu chuẩn từng được dùng để đưa tàu vũ trụ chở hàng lên trạm Thiên Cung của Trung Quốc. Trung Quốc lên kế hoạch phóng hơn 200 tàu vũ trụ từ 70 nhiệm vụ trong năm 2023.
Nguồn tin: khoahoc.tv
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn