Hộp sọ nguyên vẹn hàng nghìn năm có dấu hiệu phục hồi sau ca phẫu thuật phức tạp do pháp sư thực hiện vào cuối thời Đồ Đồng.
Hộp sọ của người đàn ông ở nghĩa trang Yanghai có một lỗ khoan để phẫu thuật ở góc trái. (Ảnh:Đại học Texas A&M).
Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Texas A&M khai quật bằng chứng về một ca phẫu thuật não phức tạp thời cổ đại ở Tân Cương, Trung Quốc. Hộp sọ nguyên vẹn có những dấu hiệu của quá trình phẫu thuật bao gồm khoan mở lỗ ở sọ để điều trị vết thương ở đầu. Nhóm nghiên cứu suy đoán người tiến hành quá trình này cách đây 2.700 năm là pháp sư. Phát hiện công bố trên tạp chí Archaeological and Anthropological Sciences cho thấy pháp sư thời đó có thể tiến hành phẫu thuật não nhưng có bằng chứng chỉ ra bệnh nhân sống sóng 8 tuần sau ca mổ, Interesting Engineering hôm 6/11 đưa tin.
Hộp sọ được tìm thấy trong nghĩa trang Yanghai tại Tân Cương, Trung Quốc, nơi các pháp sư rất phổ biến vào cuối thời Đồ Đồng. Nó thuộc về một người đàn ông trong độ tuổi 30 - 35. Trong nghiên cứu, các nhà khoa học tìm hiểu vết thương khác thường và quá trình phẫu thuật trên hộp sọ bị khoan của người đàn ông trưởng thành sống vào cuối thời Đồ Đồng (năm 800 - 750 trước Công nguyên).
Phẫu thuật khoan hộp sọ được tiến hành cho nhiều mục đích đa dạng, bao gồm điều trị thương tích ở đầu, giảm bớt áp lực nội sọ hoặc xử lý một số hội chứng. Người đàn ông có dấu hiệu bị khoan sọ. Kết quả kiểm tra hé lộ bệnh nhân chịu thương tích do vật tù gây ra ở bên trái đầu. Sau đó, pháp sư tiến hành giải phẫu não, bao gồm khoan sọ và tạo nắp xương để điều trị ổ tụ máu (tình trạng máu bị tràn vào ngoài mạch máu và tạo thành một cụm máu đông trong các vùng mô xung quanh).
Các nhà nghiên cứu rất bất ngờ khi vị trí phẫu thuật có dấu hiệu phục hồi, cho thấy bệnh nhân đã sống sót ít nhất 8 tuần sau ca mổ. Ngoài ra, ca phẫu thuật phức tạp cũng giúp giảm bớt áp lực lên bộ não, thể hiện năng lực của pháp sư cổ đại.
Nguồn tin: khoahoc.tv
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn