Trang Popular Science dẫn một nghiên cứu của Đại học Copenhagen cho biết, sứa hộp Caribbean thực sự có thể học hỏi từ trải nghiệm trước đó mà không cần đến não.
Sứa hộp Caribbean thực sự có thể học hỏi mà không cần đến não. (Ảnh minh họa).
Bộ não là tổ hợp tế bào thần kinh điều khiển cơ thể mà chúng nằm bên trong. Dù hình dạng tổ hợp này rất khác nhau đặc biệt ở động vật không xương sống với não thường có cấu trúc rất đơn giản được gọi là hạch, nhưng hầu hết động vật đều sở hữu một trung tâm thần kinh nào đó.
Sứa thuộc số ít loài hoàn toàn không có tổ hợp như vậy, bên cạnh hải sâm, nhím biển, san hô cùng vài động vật biển khác. Tuy nhiên một nhóm nghiên cứu Đại học Copenhagen phát hiện sứa hộp Caribbean thực sự có thể học hỏi từ trải nghiệm trước đó mà không cần đến não. Chúng sử dụng khả năng học hỏi kết hợp với hệ thống thị giác phức tạp để di chuyển trong khu đầm lầy ngập mặn âm u.
Nhóm tạo ra một bể chứa có nhiều sọc xám trắng mô phỏng rễ cây ngập mặn. Lúc đầu sứa bơi sát sọc và thường xuyên va vào thành bể, nhưng sau vài lần dường như chúng liên kết được sọc xám với cảm giác đau khi va chạm nên đã biết bơi tránh xa. Sứa học hỏi khá nhanh.
Để hiểu rõ hơn, nhóm phân lập một trong số trung tâm thị giác của sứa được gọi là rhopalium. Mỗi trung tâm thị giác chứa 6 mắt tạo ra tín hiệu điện điều chỉnh chuyển động xung, khi gặp chướng ngại vật sẽ phát ra nhiều tín hiệu khiến sứa chuyển hướng.
Nhà sinh học thần kinh Jan Bielecki (Đại học Kiel) nhận xét phát hiện trên rất có ý nghĩa vì nó cho thấy khả năng học hỏi là một phần không thể thiếu của chức năng thần kinh, có thể đã tiến hóa từ rất sớm và được bảo tồn ở nhiều loài khác nhau.
Theo ông Bielecki, một con vật nếu không thể thay đổi hành vi dựa trên trải nghiệm quá khứ thì rất có thể sẽ rơi vào tình huống mất mạng. Sứa là một trong những loài lâu đời nhất thế giới, chúng đã tồn tại hơn 500 triệu năm.
Nguồn tin: khoahoc.tv
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn