Các nhà thám hiểm nổi tiếng như Columbus và Magellan đã vượt qua nhiều thách thức trong quá trình khám phá những vùng đất mới.
Christopher Columbus không phải người châu Âu đầu tiên đặt chân tới Bắc Mỹ. Một nhà thám hiểm người Na Uy tên Leif Erikson (sinh năm 970, mất vào khoảng năm 1019 - 1025) đã đánh bại Columbus. Theo sử thi Na Uy, thành tựu lớn nhất của Leif là khi ông đi tàu từ Greenland tới khu vực mang tên Vinland, được cho là Newfoundland, Canada, ngày nay. Chuyến đi của Leif diễn ra vào khoảng năm 1000. Nhiều khả năng ông nảy ra ý tưởng cho hành trình sau khi một nhà thám hiểm người Na Uy nổi tiếng khác là Bjama Herjolfson đi chệch đường tới Iceland và đến vùng đất khác.
Leif ra khơi với khoảng 30 thủy thủ tốt nhất và khi tới Vinland, ông thiết lập một khu định cư của người Viking ở khu vực có tên L’Anse aux Meadows. Họ không ở đó trong thời gian dài (ước tính từ năm 990 đến 1050) nhưng đó là một thành tựu lớn trong công cuộc thám hiểm và thuộc địa hóa của Na Uy. Leif là nhân vật nổi tiếng trong văn hóa và thần thoại Bắc Âu nhưng mãi tới những năm gần đây, ông mới bắt đầu được ghi nhận là người châu Âu đầu tiên đặt chân tới Bắc Mỹ.
Những chuyến đi vượt Đại Tây Dương của Columbus đã mở ra cuộc thám hiểm châu Mỹ và quá trình thực dân hóa của châu Âu. (Ảnh: History).
Sinh năm 1451 ở Genoa, Italy, Columbus có lẽ là nhà thám hiểm nổi tiếng nhất mọi thời đại. Ông được biết tới rộng rãi nhờ tìm ra tuyến đường buôn bán hạt tiêu ở châu Á. Columbus đã đi tàu về phía tây qua Đại Tây Dương. Nhờ đó, ông có thể tới châu Á nhanh hơn đi vòng qua mũi phía nam của châu Phi như các nhà thám hiểm khác. Năm 1492, Columbus ra khơi từ cảng Palos ở Tây Ban Nha và hướng về phía tây. Ông chỉ huy 3 con tàu gồm Nina, Pinta, và Santa Maria.
Sau vài tuần trên biển, Columbus và thủy thủ đoàn trông thấy đất liền và cho rằng đó là châu Á. Trên thực tế, họ tới một hòn đảo ở Bahamas mà Columbus gọi là San Salvador. Trong vài tháng tiếp theo, ông và các thủy thủ khám phá vùng ven biển Cuba và đảo Hispaniola, thiết lập khu định cư La Navidad. Sau vài năm, Columbus thực hiện tổng cộng 4 chuyến đi tới thế giới mới. Một mặt, ông được coi như anh hùng vì có công giúp người châu Âu khám phá và thuộc địa hóa châu Mỹ. Mặt khác, cách đối xử với người dân bản xứ của Columbus khiến ông nhận nhiều chỉ trích. Đoàn thám hiểm của Columbus cũng mang dịch bệnh và bạo lực tới khu vực này.
Nhà thám hiểm Trịnh Hòa sinh năm 1371 ở Trung Quốc. Là một vị tướng chỉ huy trong quân đội nhà Minh, Trịnh Hòa được giao một nhiệm vụ quan trọng là thực hiện hàng loạt chuyến đi để thiết lập quan hệ ngoại giao và thương mại với các nước khác. Chuyến đi đầu tiên của ông diễn ra vào năm 1405 với quy mô lớn. Trịnh Huy chỉ huy hơn 300 con tàu, bao gồm tàu chở kho báu khổng lồ dài 121,92 m. Mục tiêu của các chuyến đi là thể hiện sức mạnh và thanh thế của Trung Quốc. Do đó, Trịnh Hòa có nhiệm vụ tặng quà và báu vật cho người đứng đầu những nước mà ông tới thăm.
Dưới thời Minh Thành Tổ và Minh Tuyên Tông, Trịnh Hòa đã thực hiện 7 chuyến đi. Ông tới thăm nhiều nước và khu vực, bao gồm Đông Nam Á, Ấn Độ và Đông Phi. Dọc đường, ông đã thiết lập các điểm buôn bán quan trọng của Trung Quốc và làm nhiệm vụ ngoại giao. Trịnh Hòa qua đời vào năm 1433.
Magellan ra khơi từ Tây Ban Nha năm 1519 với 5 con tàu và thủy thủ đoàn hơn 200 người.
Columbus không phải người châu Âu duy nhất đi biển để phục vụ mua bán gia vị. Sinh năm 1480 ở Bồ Đào Nha, Ferdinand Magellan, là một người lính và thủy thủ được chính quyền Tây Ban Nha giao chỉ huy chuyến thám hiểm nhằm tìm tuyến đường phía tây tới các đảo trồng gia vị ở Indonesia. Ông ra khơi từ Tây Ban Nha năm 1519 với 5 con tàu và thủy thủ đoàn hơn 200 người. Ông đi qua Đại Tây Dương và di chuyển về phía nam dọc theo bờ biển Nam Mỹ. Trên lộ trình, Magellan phát hiện đường đi qua mũi phía nam của lục địa, eo biển Magellan. Ông tiếp tục hành trình và vượt Thái Bình Dương, tới một số hòn đảo mới bao gồm Guam và the Philippines.
Chuyến đi của Magellan rất dài, đến mức khi thủy thủ đoàn trở về Tây Ban Nha vào năm 1522, họ đã đi vòng quanh thế giới. Dù được nhớ tới như người đầu tiên đi vòng quanh địa cầu, Magellan không hoàn thành chuyến đi. Hành trình của ông gặp nhiều thách thức, từ bão tới những cuộc nổi dậy của người bản xứ. Trong một cuộc nổi dậy, Magellan bị người bản xứ Philippines giết chết với mũi giáo bằng tre vào ngày 27/4/1521 sau khi tìm cách buộc họ cải sang Cơ Đốc giáo.
Nguồn tin: khoahoc.tv
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn