Hiện tại, khi bạn mua một máy tính xách tay (laptop) hay một thiết bị điện tử mới, bạn dễ dàng bắt gặp một cổng kết nối mới là USB-C hay USB Type-C. Vậy nó có tác dụng gì, khi USB Type-C vốn dĩ xuất hiện trước trên các dòng điện thoại thông minh cao cấp? Với nhiều tính năng tiên tiến hơn, USB-C mang “sứ mệnh” tiến tới thay thế cổng USB-A hay USB Type-A đang phổ biến với rất nhiều người dùng.
Cổng USB-C đã được tung ra hồi năm 2014, để khắc phục các nhược điểm của cổng USB-A. Với thiết kế nhỏ hơn, nó cho phép các nhà sản xuất tạo ra nhiều sản phẩm điện tử mỏng hơn, nhưng lại có nhiều tính năng hơn.
Với cổng USB-A (có hình chữ nhật), người dùng phải cắm thiết bị kết nối theo đúng chiều, với các chân kết nối nằm ở dưới. Trong khi đó, cổng USB-C cho phép người dùng thoải mái cắm thiết bị vào mà không cần quan tâm đến mặt trên hay mặt dưới.
Cổng USB-C sẽ ngày càng phổ biến.
Chuẩn USB 4.0 mới nhất chỉ tương thích cổng USB-C, không tương thích cổng USB-A cũ. USB 4.0 sẽ có tốc độ truyền dữ liệu lên đến 5.000 Megabytes/giây, cùng với khả năng cấp phát điện USB Power Delivery, cho phép cấp phát điện 2 chiều đến 100W (thích hợp cho nhiều thiết bị điện tử lớn từ laptop cho đến một số máy in).
Tính năng này sẽ cho phép các cổng USB-C tương thích với rất nhiều giao thức dữ liệu. Tuy nhiên, nó tùy thuộc vào cách nhà sản xuất phần cứng tích hợp vào thiết bị điện tử của họ.
Các chế độ chuyển đổi tích hợp vào cổng USB-C có thể là Thunderbolt, DisplayPort, HDMI, Mobile High-Definition Link và VirtualLink. Với cách tích hợp này, nó cho phép các thiết bị điện tử được thiết kế mỏng hơn so với trước đây. Tất cả những gì bạn cần là một phụ kiện chuyển đổi (adapter) thích hợp để sử dụng tính năng Alternate Mode mà bạn muốn từ cổng USB-C.
Tính năng này không có trên cổng USB-A cũ.
Cả cổng USB-A và USB-C đều được thiết kế để tương thích ngược với các thiết bị được kết nối. Chẳng hạn, một dây cáp hay thiết bị có kết nối USB-A 3.0 vẫn hoạt động được khi cắm vào các cổng USB 2.0 và USB 1.1. Tương tự, một dây cáp hay thiết bị có kết nối USB-C 3.2 cũng tương thích ngược với các cổng USB-C cũ hơn.
Mặc dù bạn không thể gắn dây cáp USB-C vào các cổng USB-A lớn hơn, nhưng nếu bạn có một adapter hay bộ cổng chuyển đổi tương thích, bạn vẫn có thể giải quyết được vấn đề kết nối các thiết bị.
Hơn 700 công ty công nghệ, trong đó có Apple, Google, Intel và Microsoft, đều đã đồng ý sẽ đưa cổng USB-C vào các sản phẩm của họ. USB-C thực sự có nhiều tiềm năng phổ dụng và chắc chắn sẽ không bị trôi vào quên lãng.
Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn rất nhiều thiết bị cũ sử dụng cổng USB-A. Do đó, cổng USB-A sẽ tiếp tục xuất hiện bên cạnh USB-C trong các thiết bị điện tử để giải quyết vấn đề tương thích. Đến một lúc nào đó, các thiết bị cũ sẽ được sử dụng ít đi, cổng USB-C sẽ dần “chiếm lĩnh” và phổ biến rộng rãi.
Nguồn tin: khoahoc.tv
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn