Nhóm nghiên cứu Nhật Bản đã thành công trong việc phát triển trứng chuột được thụ tinh thành phôi nang - giai đoạn đầu tiên của quá trình biệt hóa tế bào - trên Trạm vũ trụ quốc tế ISS.
Nhóm nghiên cứu phôi chuột phát triển trên không gian bao gồm các nhà nghiên cứu từ Đại học Yamanashi, Cơ quan thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) và Viện nghiên cứu Riken do chính phủ hậu thuẫn. Kết quả được công bố trực tuyến ngày 28-10 trên tạp chí khoa học iScience của Mỹ.
Hình ảnh phôi chuột dưới kính hiển vi sau khi được đưa về từ Trạm vũ trụ quốc tế - (Ảnh: Đại học Yamanashi).
Nghiên cứu được đưa ra trong bối cảnh mối quan tâm ngày càng tăng về tác động của trọng lực lên khả năng sinh sản, khi loài người tiến vào không gian.
Ông Teruhiko Wakayama tại Đại học Yamanashi, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết: “Có khả năng các phi hành gia sẽ mang thai trong chuyến du hành tới sao Hỏa trong tương lai, vì họ sẽ mất hơn 6 tháng để du hành tới đó. Chúng tôi đang tiến hành nghiên cứu để đảm bảo con người có thể có con một cách an toàn nếu thời điểm đó đến”.
Wakayama và các đồng nghiệp đã thực hiện những bước đầu tiên trong phòng thí nghiệm của họ trên Trái đất. Nhóm nghiên cứu đã lấy 720 phôi chuột ở giai đoạn còn là hai tế bào từ những con chuột mang thai và đông lạnh chúng.
Phôi đông lạnh được gửi đến ISS trên tên lửa SpaceX phóng từ Florida (Mỹ) vào tháng 8-2021.
Phôi chuột được lưu trữ bên trong các thiết bị đặc biệt mà nhóm của Wakayama thiết kế để các phi hành gia trên trạm có thể dễ dàng rã đông phôi và nuôi cấy chúng.
Phi hành gia Akihiko Hoshide, người đang thực hiện sứ mệnh dài hạn trên ISS vào thời điểm đó, đã rã đông và nuôi cấy phôi.
Tiến sĩ Wakayama cho biết phôi chuột được phát triển trong 4 ngày vì chúng chỉ có thể tồn tại trong khoảng thời gian đó bên ngoài tử cung.
Sau đó, các phi hành gia đã bảo quản phôi chuột bằng phương pháp hóa học và gửi chúng về Trái đất trên một con tàu quay trở lại.
Nguồn tin: khoahoc.tv
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn