Sau khi thu thập mẫu đất đá từ tiểu hành tinh Bennu vào năm 2020, vào tháng 5/2021, tàu vũ trụ OSIRIS-REx đã khởi hành trở về Trái đất mang theo khoang chứa vật chất này. Sứ mệnh đã hành trình tổng cộng hơn 6,2 tỉ km trong 7 năm sau khi được NASA phóng vào năm 2016.
Lúc 10h42’ sáng ngày 24/9 (21h42’, giờ Việt Nam), khi bay ngang qua Trái đất với tốc độ 44.500km/h, ở độ cao 102.000km, tàu vũ trụ OSIRIS-REx của Cơ quan Vũ trụ Mỹ (NASA) đã thả khoang chứa 250 gam mẫu đất đá thu thập trước đó từ tiểu hành tinh Bennu xuống Khu huấn luyện và thử nghiệm Utah, trên sa mạc Utah, bang Utah, miền Tây nước Mỹ.
Khoang vật chất đã tiếp đất nhẹ nhàng với tốc độ 17,7km/h và nguyên vẹn với sự hỗ trợ của một chiếc dù, 10 phút sau khi đi vào bầu khí quyển Trái đất, nhanh hơn dự định 3 phút.
Thiên thể Bennu đường kính 500m nằm trong số các tiểu hành tinh có nguy cơ va chạm với Trái đất trong tương lai. (Ảnh: NASA/Goddard/Đại học Arizona).
Sau khi thả khối vật chất, tàu vũ trụ OSIRIS-REx tiếp tục chuyến thám hiểm hệ Mặt trời để tiếp cận, quan sát một tiểu hành tinh khác có tên Apophis.
Giám đốc dự án OSIRIS-REx tại Trung tâm bay không gian Goddard của NASA ở Greenbelt, Maryland, Mỹ, Rich Burns, cho biết, khi rơi xuống Trái đất, khoang vật chất nóng đến 2.760 độ C và các nhân viên thu hồi được trang bị găng tay, mặt nạ và đồ bảo hộ đặc biệt.
Vị trí tàu vũ trụ OSIRIS-REx lấy mẫu trên bề mặt tiểu hành tinh Bennu. (Ảnh: NASA/Goddard/Đại học Arizona).
Sau khi bảo quản tạm thời gần hiện trường, ngày 25/9, khoang vật chất sẽ được vận chuyển trên máy bay C-17 đến Trung tâm Vũ trụ Johnson của NASA ở Houston, Mỹ và sẽ được các nhà khoa học mở vào ngày 26/9.
Những thông tin đầu tiên về mẫu vật dự kiến sẽ được NASA thông tin vào ngày 11/10.
Khoang vật chất lao vào bầu khí quyển Trái đất. (Ảnh: @KUTV2News).
Hình họa khoang vật chất đi vào bầu khí quyển Trái đất. Ảnh: NASA).
Các nhà khoa học sẽ phân tích mẫu vật chất trong 2 năm tới tại một phòng sạch chuyên dụng bên trong Trung tâm Vũ trụ Johnson.
Mẫu vật chất cũng sẽ được chia sẻ một phần đến các phòng thí nghiệm trên toàn cầu, bao gồm các đối tác sứ mệnh OSIRIS-REx tại Cơ quan Vũ trụ Canada và Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA). Khoảng 70% mẫu sẽ được lưu trữ để các thế hệ tương lai với công nghệ tiên tiến hơn tiếp tục khám phá.
Khoang vật chất đáp xuống Trái đất với sự hỗ trợ của dù. (Ảnh: NASA).
Cùng với mẫu tiểu hành tinh Ryugu được trả về trước đó từ sứ mệnh Hayabusa2 của Nhật Bản, mẫu đất đá có thể tiết lộ thông tin quan trọng về sự khởi đầu của hệ Mặt trời. Các nhà khoa học tin rằng các tiểu hành tinh chứa cacbon như Bennu đã đâm vào Trái đất sớm trong quá trình hình thành hành tinh, mang theo các nguyên tố như nước.
“Các nhà khoa học tin rằng tiểu hành tinh Bennu là đại diện cho những vật liệu lâu đời nhất của hệ Mặt trời được luyện trong các ngôi sao lớn sắp chết và vụ nổ siêu tân tinh. Và vì lý do này, NASA đang đầu tư vào các sứ mệnh dành riêng cho các thiên thể nhỏ này để nâng cao hiểu biết của chúng ta về cách hệ Mặt trời hình thành và phát triển như thế nào”, bà Lori Glaze, Giám đốc Bộ phận Khoa học Hành tinh của NASA, cho biết.
Khoang chứa mẫu vật chất chuẩn bị đáp xuống mặt đất. (Ảnh: Rick Bowmer/AP).
Mẫu này cũng có thể cung cấp những hiểu biết sâu sắc về Bennu, hành tinh có nguy cơ va chạm với Trái đất trong tương lai.
Điều quan trọng là phải hiểu thêm về số lượng các tiểu hành tinh gần Trái đất có thể sắp va chạm với hành tinh của chúng ta. Hiểu rõ hơn về thành phần và quỹ đạo của chúng là chìa khóa để dự đoán tiểu hành tinh nào có thể tiếp cận Trái đất gần nhất và khi nào, đồng thời cần thiết để phát triển các phương pháp làm chệch hướng các tiểu hành tinh này dựa trên thành phần của chúng.
Khoang chứa mẫu vật chất đáp xuống mặt đất an toàn. (Ảnh: NASA / Keegan Barber).
OSIRIS-Rex đã trải qua một hành trình dài trong 7 năm qua. Được phóng từ Cape Canaveral vào năm 2016, tàu vũ trụ của NASA đã đến quỹ đạo quanh tiểu hành tinh Bennu vào tháng 12/2018.
Tàu vũ trụ OSIRIS-REx đã thu thập mẫu đất đá vào năm 2020 và bắt đầu chuyến hành trình dài trở về Trái đất vào tháng 5/2021. Sứ mệnh đã hành trình tổng cộng hơn 6,2 tỉ km đến Bennu và quay trở lại.
Nhân viên NASA tiếp cận để thu hồi khoang chứa mẫu vật chất. (Ảnh: Keegan Barber/NASA).
OSIRIS-REx đã khảo sát toàn bộ tiểu hành tinh có đường kính khoảng 500m để xác định vị trí tốt nhất để thu thập mẫu vật chất.
Trong sự kiện thu thập lịch sử, đầu lấy mẫu của tàu vũ trụ OSIRIS-REx đã cắm sâu 0,5 m xuống bề mặt của tiểu hành tinh, điều cho thấy lớp ngoài của Bennu được tạo thành từ các hạt được liên kết lỏng lẻo.
Nguồn tin: khoahoc.tv
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn