Vừa qua, một nhóm nhà khảo cổ học đến từ Cục Khảo cổ Chattogram, Sylhet và Comilla của Bangladesh đã khai quật được tàn tích của một khu cư trú cổ xưa; đây được cho là trường đại học Phật giáo nổi tiếng Pandit Vihar, thuộc khu vực Biswamura của Karnaphuli, quận Chattogram.
Theo báo cáo từ các phương tiện truyền thông địa phương, nhóm nghiên cứu gồm 10 nhà khảo cổ học với chuyên môn cao đã bắt đầu khai quật vào ngày 16-10 vừa qua.
A.K.M. Saifur Rahman, giám đốc của Cục Khảo cổ học ở Chattogram, cho biết: “Các phát hiện cho thấy khu vực này đã từng có người sinh sống từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XII. Những viên gạch này tương tự như những viên gạch được tìm thấy ở Mahasthangarh, một trong những địa điểm khảo cổ ở Bangladesh, ở Shibganj của Bogura”.
Tàn tích của một khu cư trú cổ xưa được cho là trường đại học Phật giáo nổi tiếng Pandit Vihar.
Công việc khai quật được tiến hành hàng ngày từ 8 giờ sáng đến 2 giờ chiều, và thời gian còn lại đến chiều tối dành cho việc nghiên cứu. Các quan chức cấp cao của Cục Khảo cổ đã đưa ra lời chỉ dẫn cho tiến trình khai quật thông qua hình thức video.
Pandit Vihar là một trong những trung tâm học tập lớn của Ấn Độ. Theo các nhà sử học, tổ chức này được thành lập vào thế kỷ VIII ở vùng Karnaphuli của Bara Uthan và Juldha. Nhiều học giả lỗi lạc - hầu hết là các tu sĩ Phật giáo của Đế chế Pala (750–1161), đã theo học tại trường đại học này. Hiện chưa rõ nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Đại học Pandit Vihar.
Các nhà sử học đã xác nhận rằng tình hình của Pandit Vihar trở nên tồi tệ hơn dưới thời Vương quốc Bengal (1332–1539, 1554–76). Sau đó, do xung đột giữa Vương quốc Mughal và Arakanese nên thành phố cảng cũ Chattogram, Deyang, và cuối cùng là Pandit Vihar bị phá hủy hoàn toàn.
Trường đại học đã bị vùi lấp cho đến khi được một người đàn ông tên là Safar Ali phát hiện vào khoảng năm 1927, trong khi người này đang đào móng để xây dựng một ngôi nhà mới trong vùng thì một trận lở đất lớn xảy ra. Người ta đã tìm thấy 60 bức tượng Phật trong khu vực và chúng được trưng bày trong các viện bảo tàng, bao gồm Bảo tàng Anh và Bảo tàng Kolkata. Tịnh xá Phật giáo Nandankanan của Chattogram cũng lưu giữ một số tác phẩm điêu khắc cổ được khai quật trong thời gian này.
Hòa thượng Jinabodhi Bhikkhu, giáo sư giảng dạy ngôn ngữ Pāli tại Đại học Chittagong, người đã có các nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này, cho biết: “Các hiện vật được giữ gìn trong nhiều bảo tàng khác nhau trên khắp đất nước, tất cả đều được tìm thấy từ đồi Deyang ở Anwara Upazila của Chattogram nhiều năm trước đây”.
“Bảo tháp cũng rất phong phú với nhiều hiện vật vô giá từ triều đại Pala”. Hòa thượng Jinabodhi cũng trích dẫn một văn bản viết về các hiện vật Phật giáo của Bangladesh từ thế kỷ IV đến thế kỷ XII do Hiệp hội Châu Á Bangladesh xuất bản năm 1999.
Hòa thượng Jinabodhi cũng đã viết thư cho Thủ tướng Sheikh Hasina Wazed của Bangladesh, nhấn mạnh sự cần thiết của việc khai quật khảo cổ. Sau đó, Hòa thượng đã đến Trung Quốc cùng với Sheikh Hasina vào năm 2010 và bày tỏ hy vọng xây dựng lại một cơ sở “Đại học Pandit Vihar quốc tế” trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Sau khi trở về, Sheikh Hasina đã cấp giấy phép để xây dựng cho trường đại học.
Vào năm 2012, một nhóm từ Ủy ban Tài trợ Đại học đã đến thăm tàn tích của Pandit Vihar và đệ trình báo cáo ủng hộ việc thành lập một trường đại học mới. Sau đó, các đoàn thanh tra trong nước và quốc tế đã đến thăm địa điểm này nhằm triển khai việc xây dựng Đại học Pandit Vihar và thành lập các viện bảo tàng. Tuy nhiên, dự án gặp phải nhiều vấn đề và chậm trễ. Mặc dù kế hoạch đã được đề ra để tái lập cơ sở trên 60 ha đất đồi với nguồn tài chính tổng hợp từ Trung Quốc, Nhật Bản, Sri Lanka và Thái Lan, nhưng công việc khai quật vẫn chưa thể bắt đầu.
Faruk Chowdhury, Chủ tịch hội đồng Karnaphuli Upazila, cho biết: “Chúng tôi đang hết sức hỗ trợ và giúp đỡ họ sau khi tìm hiểu về lịch sử phong phú của di tích cũ này”. Trong khi đó, nhóm khảo cổ đang chuẩn bị một bản báo cáo đầy đủ dựa trên những phát hiện của họ. Hòa thượng Jinobodhi cho biết: “Cấu trúc của ngôi chùa có thể được xác định rõ ràng nếu khu vực này được khai quật và nghiên cứu kỹ lưỡng”.
Nguồn tin: khoahoc.tv
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn