Giảm độ cao hết mức và tăng các vật dụng ném xuống làm đệm là bí quyết giúp bạn sống sót khi mắc kẹt trong đám cháy nhà cao tầng.
Trong vụ cháy chung cư cao 27 tầng ở London, Anh, các nhân chứng cho biết có một người đàn ông đã ôm tấm nệm nhảy xuống từ tầng cao nhất sau khi nỗ lực la hét cầu cứu trong tuyệt vọng. Tuy nhiên, các chuyên gia về sinh tồn cho rằng đây không phải là cách nên làm để sống sót trong đám cháy nhà cao tầng.
Thử nghiệm rơi tự do từ độ cao tương đương nhà 25 tầng.
Christopher Richards, người chuyên nghiên cứu về Vật lý và kỹ năng sinh tồn, cho rằng cơ hội sống sót của người ôm tấm nệm nhảy xuống từ tầng 27 là rất thấp, nếu không muốn nói là không có, bởi tấm nệm có sức cản không khí lớn hơn cơ thể người, theo Survival Skills.
Khi ôm tấm nệm nhảy xuống, người đó sẽ bị lật ngược lại do sức cản của gió lên tấm nệm, kết quả là nạn nhân thường sẽ tiếp đất trước tấm nệm và hứng chịu kết cục bi thảm. Trong trường hợp tấm nệm may mắn tiếp đất trước, độ dày vài chục cm của nó cũng không thể giúp giảm bớt lực tác động lên cơ thể nạn nhân khi rơi từ độ cao quá lớn.
Theo Richards, trong trường hợp cháy nhà cao tầng và không còn lối thoát nào khác, bạn có thể nhảy xuống để tự cứu mình, nhưng phải tuân thủ nguyên tắc giảm càng nhiều độ cao càng tốt và có đủ vật liệu mềm dưới đất để hấp thụ bớt xung lực của cú rơi.
Trước hết, bạn phải nhanh chóng mặc áo khoác và càng nhiều lớp quần áo càng tốt để làm một lớp đệm có thể giảm bớt phần nào chấn động lên các bộ phận quan trọng của cơ thể. Tìm quanh căn hộ những sợi dây thừng lớn, hoặc có thể lấy vòi cứu hỏa trong các hộp cứu hỏa ở hành lang, buộc một đầu vào chân bàn và đẩy bàn đến sát cửa sổ. Bạn có thể bám vào dây này để trèo xuống các tầng dưới, lặp lại quá trình để giảm càng nhiều độ cao càng tốt.
Richards không khuyến khích người mắc kẹt nhảy tự do xuống phía dưới.
Khi ngọn lửa đã lan nhanh khiến bạn không thể thực hiện được các bước trên, buộc phải nhảy xuống khẩn cấp, hãy tìm kiếm những nơi có nền đất mềm ở bên dưới, chẳng hạn như khu vực trồng hoa ở sát chân tòa nhà. Thu thập các loại chăn, đệm, gối, quần áo để ném xuống khu vực này nhằm xác định điểm rơi cũng như tạo một tấm nệm để giảm bớt chấn động lên cơ thể khi tiếp đất.
Richards không khuyến khích người mắc kẹt nhảy tự do xuống phía dưới. Theo ông, bạn hãy cố gắng đi giày, đeo găng tay và lần ra phía cửa sổ, thò chân trèo ra bên ngoài, hai tay bám chắc vào mép cửa sổ, đảm bảo phía dưới không có các vật cản sắc nhọn thò ra.
Lúc này, cơ thể nạn nhân sẽ áp sát tường nhà, hơi co chân lên để đầu gối gập lại như một chiếc lò xo để giảm bớt lực chấn động. Từ từ buông tay để nó đóng vai trò như một phanh hãm cho đến khi bạn không thể giữ được nữa và bắt đầu cú rơi. Lúc này, hãy cố gắng để giày và găng tay ma sát với tường nhà nhằm biến càng nhiều năng lượng từ cú rơi thành nhiệt lượng càng tốt, nhưng phải chú ý không để cơ thể bị nảy ra quá xa.
Tòa tháp 27 tầng bốc cháy ở London. (Ảnh: Guardian).
Ngay khi cảm thấy mũi chân chạm vào lớp đệm bên dưới, hãy gập chân càng nhiều càng tốt, sử dụng bàn chân, khớp gối, khớp hông như những bộ phận hấp thụ lực chính, tương tự như động tác của mèo khi rơi.
Lúc này, bạn có thể lăn tròn trên mặt đất để phân tán lực động, nhưng phải dùng hai tay ôm đầu để bảo vệ bộ phận quan trọng nhất. Cú ngã này sẽ rất đau, có thể khiến bạn bị gãy chân, nhưng ít nhất cơ hội sống sót của bạn sẽ tăng lên đáng kể.
Điều quan trọng nhất khi nhảy khỏi tòa nhà cao tầng đang cháy là phải tìm mọi cách để xuống tầng thấp hơn nhằm giảm bớt tốc độ rơi và phản lực của mặt đất lên cơ thể.Nếu bạn nhảy từ tầng 27, mọi biện pháp trên hầu như vô nghĩa.
"Các hành động này nghe có vẻ phức tạp, nhưng nếu bạn tính toán thật nhanh và không hoảng sợ, bạn sẽ ngạc nhiên với những gì mình có thể làm trong thời gian ngắn như vậy", Richards nhấn mạnh.
Nguồn tin: khoahoc.tv
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn