Những xác ướp được phát hiện tại Trung Quốc có niên đại 4.000 năm, được bảo quản cực kỳ tốt. Chúng chứa rất nhiều bí ẩn mà các nhà khoa học chưa thể giải mã.
Tại một nghĩa trang ở lưu vực Tarim,Tân Cương, phía tây Trung Quốc chứa hàng trăm thi thể đã được khai quật. Chúng được biết đến với cái tên xác ướp Tarim, trông giống như vẫn tồn tại sự sống.
Xác ướp Công chúa Xiaohe là một trong những phát hiện nổi bật ở lưu vực Tarim. (Ảnh: National Geographic).
Những thi thể này có niên đại khoảng 4.000 năm trước. Phân tích DNA cổ xưa từ các nhà khoa học đã hé lộ một số khám phá.
Từ việc quan sát quần áo, kiểu tóc hay trang sức, các nhà khoa học dự đoán họ thuộc về một nền văn hóa rất cổ xưa của những người di cư Ấn-Âu, định cư cách đây hàng nghìn năm.
Tình trạng bảo quản hoàn hảo của những xác ướp này không phải là điều đáng ngạc nhiên duy nhất. Kết quả DNA tiết lộ rằng, các thi thể thuộc về các quần thể bản địa ở lưu vực Tarim, nhưng khác biệt về mặt di truyền với các quần thể lân cận khác khiến bí ẩn càng trở nên sâu sắc hơn.
Hàng trăm xác ướp được khai quật ở lưu vực Tarim, hầu hết chúng được bảo quản nguyên vẹn. (Ảnh: National Geographic).
Ngày nay, các nhà nghiên cứu vẫn thắc mắc về các hoạt động văn hóa, cuộc sống hàng ngày và vai trò của họ trong việc mở rộng loài người hiện đại ra khắp thế giới.
Những xác ướp tự nhiên nằm rải rác trên lưu vực Tarim, lần đầu tiên được các nhà thám hiểm châu Âu khai quật vào đầu thế kỷ 20. Theo thời gian, ngày càng nhiều thi thể được khai quật cùng với những di tích văn hóa ngoạn mục.
Đến nay, hàng trăm thi thể đã được phát hiện. Những xác ướp cổ nhất có niên đại khoảng 2.100 năm trước Công nguyên và gần đây nhất có niên đại khoảng 500 năm trước Công nguyên.
Một trong những xác ướp nổi tiếng nhất được tìm thấy ở lưu vực Tarim là "Công chúa Xiaohe" hay "Người đẹp Xiaohe". Nó được bảo quản rất tốt, ngay cả lông mi của cô cũng vẫn tồn tại theo thời gian.
Ban đầu, những xác ướp này mặc trang phục kiểu phương Tây, vẻ ngoài khá châu Âu khiến các nhà khoa học tin rằng, đây là hài cốt của một nhóm người di cư Ấn-Âu. Nhiều khả năng, chúng liên quan đến những người Siberia có tập tính chăn nuôi từ thời đại đồ đồng.
Các nhà khảo cổ học khai quật những xác ướp ở lưu vực Tarim. (Ảnh: National Geographic).
Họ có mái tóc vàng, nâu đỏ, mũi to và mặc quần áo nhẹ. Đôi khi, trang phục của họ rất cầu kỳ, chúng được làm từ len, lông thú hoặc da bò. Một số đội những chiếc mũ nhọn giống như mũ phù thủy và quần áo được làm bằng vải nỉ hoặc vải dệt, cho thấy những người này có mối liên hệ với văn hóa Tây Âu.
Những người khác mặc trang phục caro gợi nhớ đến văn hóa Celtic, giống như một trong những xác ướp được gọi là Chärchän Man, cao hơn 1,8m, có mái tóc đỏ với bộ râu rậm rạp, được chôn cất hơn 1.000 năm trước.
Một thi thể nổi tiếng khác là công chúa hay người đẹp Xiaohe, có niên đại 3.800 tuổi với mái tóc vàng hoe, gò má cao và hàng mi dài, Xiaohe dường như đang mỉm cười trước khi chết.
Bà đội một chiếc mũ phớt lớn, quần áo và đồ trang sức trang trọng, song các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định vị trí của Xiaohe trong xã hội là như thế nào.
Kể từ khi công bố nghiên cứu về DNA của 13 xác ướp Tarim, các nhà khoa học đồng ý rằng, chúng thuộc về một nhóm biệt lập sống trong thời đại đồ đồng ở vùng sa mạc ngày nay.
Họ kết luận, xác ướp có nguồn gốc từ người Bắc Âu cổ đại, một nhóm tương đối nhỏ gồm những người săn bắn hái lượm cổ đại di cư từ Tây đến Trung Á và có quan hệ di truyền với người châu Âu và người Mỹ bản địa thời hiện đại.
Những thi thể này không được ướp xác một cách có chủ đích. Đúng hơn, chính môi trường khô và mặn ở lưu vực Tarim, nơi có sa mạc Taklamakan, một trong những sa mạc lớn nhất thế giới khiến các thi thể bị phân hủy từ từ.
Những chiếc quan tài với đủ hình thù dùng để chứa xác ướp. (Ảnh: National Geographic).
Cái lạnh mùa đông khắc nghiệt của khu vực này cũng có thể góp phần bảo tồn chúng. Theo các nhà nghiên cứu, nhiều thi thể được chôn trong quan tài bằng gỗ hình thuyền, phủ da gia súc và được đánh dấu bằng cột hoặc mái chèo gỗ.
Việc phát hiện ra cây ma hoàng trong các ngôi mộ, cho thấy loài cây này chắc chắn có tác dụng y học hoặc tôn giáo.
Tuy nhiên, các nhà khảo cổ học vẫn không biết tôn giáo này là gì hoặc tại sao một số ngôi mộ nhất định lại bao gồm các vòng cọc gỗ đồng tâm hay những chiếc mặt nạ, cành cây, những đồ vật có hình dương vật và xương động vật được tìm thấy trong các nghĩa trang.
Mặc dù chúng ta hầu như không biết gì về văn hóa của họ, nhưng các xác ướp được chôn cùng với lúa mạch, kê và lúa mì, thậm chí cả những chiếc vòng cổ có hình pho mát phần nào cho thấy rằng họ là những người nông dân.
Nếu cư dân lưu vực Tarim khác biệt về mặt di truyền, thì các tập quán của họ, từ chôn cất đến việc làm pho mát và trang phục đã phản ánh các kỹ thuật và nghệ thuật được thực hiện vào thời đó.
Các học giả cũng lập luận rằng, người dân ở lưu vực Tarim đã buôn bán và tương tác với các dân tộc khác ở nơi sau này trở thành hành lang quan trọng của " Con đường Tơ lụa ", nối đông và tây qua sa mạc khô cằn.
Nhưng các nhà khảo cổ học vẫn còn nhiều điều cần tìm hiểu về cuộc sống hàng ngày của những người cổ đại này, đặc biệt là về những người mà họ giao thương, tín ngưỡng của họ và hệ thống phân cấp xã hội trong xã hội.
Nguồn tin: khoahoc.tv
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn