Giáng Son: "Truyền hình thực tế là tất yếu nhưng có hệ lụy"

Thứ năm - 04/02/2016 21:48
Giáng Son: "Truyền hình thực tế là tất yếu nhưng có hệ lụy" Giáng Son: "Truyền hình thực tế là tất yếu nhưng có hệ lụy"

Tác giả của "Bóng tối Jazz" cho rằng, quá nhiều truyền hình thực tế khiến không ít thí sinh ảo tưởng về tài năng và nhanh chóng "chết chìm" trong biển người khi ra khỏi cuộc thi.

Giáng Son là một trong những nữ nhạc sĩ hàng đầu của nhạc nhẹ Việt Nam hiện nay. Âm nhạc của chị được đánh giá là nữ tính, giàu tính tự sự và không ngừng tìm tòi. Ngoài vai trò sáng tác nhạc, Giáng Son còn được biết đến là một giảng viên đại học và thành viên hội động nghệ thuật của nhiều chương trình âm nhạc trên truyền hình. Nữ nhạc sĩ đã có những chia sẻ chân thành với Zing.vn trước sự biến mất của Bài hát Việt, Bài hát yêu thích, Sao mai điểm hẹn và sự bùng nổ của truyền hình thực tế.

Giáng Son: "Truyền hình thực tế là tất yếu nhưng có hệ lụy" 1
Nhạc sĩ Giáng Son. Ảnh: Lê Quang Đức

- Nhiều ý kiến cho rằng sự biến mất của Bài hát yêu thích, Bài hát Việt hay Sao mai điểm hẹn xuất phát từ sự bùng nổ của truyền hình thực tế. Chị nghĩ sao?

- Tôi nghĩ một phần do các chương trình đó cũng có tuổi đời quá lâu rồi. Khán giả đã quá quen thuộc với format của chương trình nên không có gì mới lạ nữa. Và một điều nữa là các chương trình đó đều nghiêm túc và rất chuyên môn nên có thể khiến một số khán giả khó hiểu. Sự bùng nổ của truyền hình thực tế thoả mãn nhu cầu cả thèm chóng chán, thích cái mới lạ, thay đổi liên tục, mang tính giải trí là chính của các khán giả bây giờ.

Sự phát triển này là tất yếu nhưng cũng có hệ luỵ của nó. Quá nhiều chương trình thực tế và liên tục khiến cho người xem không nhớ nổi được ai là quán quân mùa trước và có những quán quân mất hút không để lại dấu vết gì! Truyền hình thực tế còn làm cho các thí sinh quá ảo tưởng về tài năng và bản thân mình do sự tung hô trong cuộc thi nhưng khi ra khỏi cuộc thi thì "chết chìm" trong biển người cũng như mình.

- Là thành viên hội đồng nghệ thuật của nhiều chương trình âm nhạc, theo chị, đối tượng nào chịu nhiều thiệt thòi nhất khi những chương trình nghệ thuật kể trên không còn tồn tại?

- Đối với Bài hát Việt thì sự thiệt thòi đó đầu tiên là các bạn sinh viên đang học chuyên ngành sáng tác tại các trường nghệ thuật. Sau đó là các bạn trẻ tự do nhưng lại yêu thích sáng tác. Suốt 10 năm qua Bài hát Việt đã nâng đỡ rất nhiều những tên tuổi trẻ từ vô danh thành nổi tiếng như bây giờ. Đó là một chương trình tuyệt vời cho các bạn trẻ sáng tác.

- Trước sự chấm dứt của Bài hát Việt, chị có nghĩ rằng các tác giả trẻ đang thiếu những sân chơi chuyên nghiệp để hoàn thiện kỹ năng sáng tác của mình?

- Ngày nay với sự bùng nổ của internet thì việc tự học cũng được dễ dàng hơn. Việc hoàn thiện kỹ năng sáng tác cũng có thể học theo nhiều cách khác nhau. Nhưng cái quan trọng là Bài hát Việt là một bệ phóng rất tốt cho các giả trẻ đưa các tác phẩm của mình đến với các khán giả nhanh hơn, chuyên nghiệp hơn.

- Các ca khúc nhạc nhẹ theo phong cách dân gian đương đại thường được giới thiệu thành công ở Bài hát Việt hay Sao mai điểm hẹn. Liệu thể loại âm nhạc này có trở nên khó khăn trong hành trình đến với công chúng trước sự dừng lại của hai chương trình trên?

- Mỗi một thời điểm thì các dòng âm nhạc lại được yêu thích khác nhau. Có những năm dân gian đương đại lên ngôi mạnh mẽ, còn bây giờ chúng ta đang thấy dòng nhạc điện tử thời trang đang tràn ngập khắp nơi. Xu hướng tất yếu của thời đại chúng ta phải chấp nhận. Nhưng khán giả yêu thích cái gì thì vẫn cứ tìm nghe cái đó mà thôi.

- Năm vừa qua, làng nhạc Việt có nhiều thay đổi về xu hướng âm nhạc, các nhạc sĩ không còn mặn mà với việc làm đĩa nhạc. Theo chị, đâu là lý do?

- Cũng là vì sự thay đổi thói quen nghe nhạc của khán giả. Họ thích tìm nhạc trên internet nhiều hơn, dễ dàng hơn. CD kiểu truyền thống làm ra rất ít người mua, chỉ có những fan ruột của nghệ sĩ mới mua ủng hộ mà thôi. Điều đó cũng làm cho các nghệ sĩ cân nhắc rất nhiều khi quyết định có ra sản phẩm bằng CD nữa hay không.

Giáng Son: "Truyền hình thực tế là tất yếu nhưng có hệ lụy" 2

Tác giả của "Giấc mơ trưa" chia sẻ rằng, CD truyền thống làm ra rất ít người mua nên các nghệ sĩ cũng phải cân nhắc. Ảnh: 

Lê Quang Đức

- Ca sĩ Hà Trần mới đây cũng chọn một cách hoàn toàn mới ở Việt Nam là phát hành album online có thu phí thay vì album truyền thống. Chị nghĩ sao về xu hướng này?

- Đó là sự lựa chọn thông minh trong thời buổi này. Hầu hết các ca sĩ bây giờ lựa chọn phát hành online, vừa nhanh chóng đến với các khán giả vừa đỡ tốn công in ấn CD, mất rất nhiều công sức.

- Khi thực hiện đĩa "Bóng tối Jazz”, chị có từng nghĩ đến một hình thức phát hành tương tự như Hà Trần?

- Quả thật tôi cũng suy nghĩ rất nhiều khi lựa chọn hình thức phát hành online hay CD truyền thống. Và cuối cùng tôi chọn phát hành CD truyền thống vì tôi tin vẫn có một số khán giả thích cầm sản phẩm bằng CD trên tay để lưu giữ làm kỷ niệm. Sau đó, tôi cũng có phát hành online trên một trang chia sẻ nhạc có thu phí.




Nguồn tin: news zing


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Bình Luận Facebook
Showbiz
Tin thế giới
Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 145
 
  •   Hôm nay 34,491
  •   Tháng hiện tại 351,793
  •   Tổng lượt truy cập 133,435,541