Đồng hồ thông minh là thiết bị hữu dụng cho các hoạt động hàng ngày, nhưng nhiều người không biết rằng chúng còn ẩn chứa một sự thật đáng sợ.
Khi điện thoại thông minh trở thành xu hướng phổ biến trong thập kỷ qua, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra thiết bị chúng ta cầm hàng ngày không hề sạch sẽ. Nghiên cứu của Đại học Arizona cho biết điện thoại thông minh có thể bẩn gấp 10 lần bệ toilet.
Nhưng qua nhiều năm, một loại thiết bị cá nhân khác được ghi nhận là còn “bẩn” hơn cả điện thoại. Chúng chính là các thiết bị đeo theo dõi sức khỏe như đồng hồ thông minh và vòng đeo tay thể dục.
Các nhà nghiên cứu tại trường Khoa học Charles E. Schmidt thuộc Đại học Florida Atlantic đã nghiên cứu nhiều loại dây đeo và phát hiện ra gần 95% trong số đó bị nhiễm nhiều dạng vi khuẩn khác nhau.
Thiết bị đeo theo dõi sức khỏe như đồng hồ thông minh bẩn hơn chúng ta tưởng.
Trong số này, vật liệu làm từ cao su và nhựa được phát hiện là có mức độ nhiễm bẩn cao nhất, trong khi dây đeo bằng kim loại như vàng và bạc cho thấy mức độ hoạt động của vi khuẩn thấp nhất.
Bài nghiên cứu được công bố trên tạp chí Advances in Infectious Diseases lưu ý tùy thuộc vào giới tính và nghề nghiệp của từng người mà lượng vi khuẩn có thể khác nhau.
Nhóm đã phân tích tỉ mỉ các dây đeo làm từ cao su, nhựa, vải, da và kim loại từ những người thuộc các ngành nghề khác nhau như cứu hỏa, làm việc bàn giấy, lái xe và lĩnh vực thú y.
Mặc dù loại công việc có ảnh hưởng đến mức độ mầm bệnh, nhưng khía cạnh quan trọng nhất là bề mặt và kết cấu của dây đeo. Ví dụ, những người tập thể dục và các chuyên gia thú y có mật độ các loại vi khuẩn gây bệnh cao nhất sống trên bề mặt dây đeo.
Người tập thể dục và các chuyên gia thú y có mật độ các loại vi khuẩn gây bệnh cao nhất.
Vậy những dây đeo có đặc tính kháng khuẩn thì sao?
“Đây là con dao hai lưỡi”. Nwadiuto Esiobu, nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Florida Atlantic, nói với Digital Trends rằng bất cứ thứ gì kháng khuẩn sẽ mang lại tác dụng tiêu diệt trong thời gian ngắn nhưng sẽ “huấn luyện” vi khuẩn có khả năng “kháng thuốc”.
Trong quá trình thử nghiệm, nhóm nghiên cứu nhận thấy Staphylococci, Pseudomonads và Enterobacteriaceae là những mầm bệnh phổ biến nhất sống trên dây đeo.
Cái tên đầu tiên trong danh sách là mầm bệnh cơ hội gây ra các bệnh nhiễm trùng liên quan đến máu, gây thiệt hại 2 tỷ USD chi phí y tế hàng năm ở Mỹ.
Một chủng khác được phát hiện trong quá trình thử nghiệm là tụ cầu vàng, có thể gây đông máu, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn và suy nội tạng gây tử vong.
Nhìn chung, mật độ vi khuẩn tụ cầu cao nhất được tìm thấy trên dây nhựa, tiếp theo là dây vải, cao su và da. Nhìn chung, dây đeo kim loại, chẳng hạn như dây đeo có thành phần bằng bạc và vàng, “có rất ít hoặc không có vi khuẩn”.
Một mầm bệnh nguy hiểm khác được phát hiện phát triển mạnh trên dây cao su và nhựa là Pseudomonas aeuginosa, được biết là tác nhân gây nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) .
Phát hiện đáng lo ngại nhất là việc phát hiện ra vi khuẩn Enterobacteria - cụ thể là Escherichia Coli, loại vi khuẩn có liên quan đến nhiễm trùng qua đường miệng và được tìm thấy chủ yếu trên dây nhựa và dây cao su.
Bề mặt của dây cao su và nhựa, có xu hướng trở thành nơi dễ dàng cho mầm bệnh xâm nhập.
Bài nghiên cứu phỏng đoán rằng “các bề mặt xốp và tĩnh”, chẳng hạn như bề mặt của dây cao su và nhựa, có xu hướng trở thành nơi dễ dàng cho mầm bệnh xâm nhập. Mặt khác, kim loại được cho là lựa chọn tương đối an toàn hơn.
“Kim loại ức chế các enzyme trên màng vi khuẩn… . Vì vậy, hầu hết vi khuẩn tồn tại lâu dài sẽ chết theo thời gian”, chuyên gia Esiobu giải thích về sự an toàn mà bề mặt kim loại mang lại.
Hiện nay, dây đeo kim loại thường đắt hơn một chút so với loại thường nhưng xứng đáng vì sự an toàn mà chúng mang lại.
Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm ba loại chất tẩy rửa – Xịt khử trùng Lysol, Ethanol 70% và giấm táo. Đáng chú ý, dung dịch Lysol và ethanol chỉ mất 30 giây tiếp xúc để giảm đáng kể số lượng vi khuẩn, trong khi giấm táo cần 2 phút để hoàn thành công việc.
Dây đeo mà Samsung và Apple bán cho đồng hồ thông minh được làm từ da, fluoroelastomer, thép không gỉ, silicone, nhựa nhiệt dẻo, polyurethane, nylon dệt, sợi polyester và cao su fluorocarbon.
Tùy thuộc vào chất liệu dây đeo, bạn có thể phải điều chỉnh loại dung dịch tẩy rửa phù hợp để đạt được kết quả tốt nhất đồng thời tránh nguy cơ gây hư hỏng.
Cả hai công ty đều khuyên người dùng nên vệ sinh thiết bị đeo sau khi tập thể dục hoặc thực hiện bất kỳ hình thức tập luyện nào khác có đổ mồ hôi.
Một dấu hiệu khác cho thấy đã đến lúc vệ sinh dây đeo là mùi.
Apple đề xuất khăn lau cồn isopropyl 70%, khăn lau cồn ethyl 75% hoặc khăn lau khử trùng Clorox để làm sạch một số loại dây đeo như dây đeo Sport, dây đeo Ocean hoặc dây đeo Solo Loop.
Một dấu hiệu khác cho thấy đã đến lúc vệ sinh dây đeo là mùi. “Mùi thực sự là sản phẩm của quá trình lên men của vi khuẩn. Chất nhờn mà con người tiết ra không có mùi”, Esiobu nói.
Lau nhanh bằng dung dịch tẩy sơn móng tay, xà phòng amoni bậc bốn và nước chanh là một số cách thức dễ dùng trong gia đình có thể ngăn chặn sự phát triển của mầm bệnh ở một mức độ nhất định.
Tuy nhiên, phương pháp này có thể dẫn đến sự đổi màu đối với một số loại dây đeo nhất định, vì vậy người dùng nên sử dụng một cách cân nhắc.
Người dùng cũng được yêu cầu tránh xa bất cứ thứ gì có chứa chất tẩy hoặc các hóa chất mạnh như hydro peroxide.
Nếu không có hóa chất tẩy rửa thì đồ dùng gia đình như giấm táo cũng đủ tốt. Chỉ cần đảm bảo rằng bạn nhúng những dây đeo bẩn vào giấm trong ít nhất 2 phút để loại bỏ vi khuẩn một cách hiệu quả.
Nguồn tin: khoahoc.tv
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn