Tội phạm tham nhũng được ưu ái, xử nhẹ

Thứ sáu - 10/04/2015 14:14
Tội phạm tham nhũng được ưu ái, xử nhẹ Tội phạm tham nhũng được ưu ái, xử nhẹ

Bệnh thành tích, không coi trọng lời khai tại toà, tiêu cực, năng lực cán bộ kém... là những lỗi của các cơ quan tố tụng được Uỷ ban Tư pháp báo cáo trước Thường vụ Quốc hội.

Sáng nay, báo cáo Uỷ ban Thường vụ về kết quả giám sát tình hình oan sai, Uỷ ban Tư pháp cho biết trong 3 năm, các cơ quan chức năng khởi tố, điều tra gần 220.000 vụ với hơn 333.000 bị can. Hơn 4.000 vụ phải đình chỉ điều tra, chiếm 1,8% tổng số vụ khởi tố.

71 trường hợp được xác định bị oan, chiếm 0,02%, tập trung chủ yếu vào án giết người, cướp tài sản hoặc hiếp dâm, giết người không bắt được quả tang. Trong số này, cơ quan điều tra đình chỉ 31 bị can do không phạm tội, 12 người do hết thời hạn điều tra không chứng minh được đã thực hiện tội phạm. Viện kiểm sát đình chỉ 9 bị can do không phạm tội, 19 trường hợp bị tòa án tuyên không phạm tội và bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Đánh giá hoạt động của Cơ quan điều tra, Đoàn giám sát chỉ ra có 43 trường hợp bị oan thuộc trách nhiệm cơ quan điều tra. Nguyên nhân do việc ra quyết định khởi tố bị can chưa chính xác, chưa đúng chính sách pháp luật. Có trường hợp chỉ đáng xử lý hành chính hay dân sự thì lại xử lý hình sự; hình sự hoá quan hệ dân sự, kinh tế khi quy kết về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Việc điều tra, thu thập chứng cứ trong một số vụ án giết người không quả tang còn yếu kém, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dẫn đến oan sai. Hoạt động điều tra còn nhiều vi phạm về thủ tục, thu thập chứng cứ, biên bản điều tra, hồ sơ vụ án, xử lý vật chứng…

Việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm còn bất cập, nhiều trường hợp chưa được giải quyết. Số vụ tạm đình chỉ điều tra còn cao, tiềm ẩn việc bỏ lọt tội phạm. Nhiều trường hợp bắt, tạm giữ hình sự chưa chính xác, sau đó phải chuyển xử lý hành chính.

Tội phạm tham nhũng được ưu ái, xử nhẹ 1

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp báo cáo Thường vụ Quốc hội về tình hình án oan sai.

Về trách nhiệm của VKS, đoàn giám sát chỉ ra nguyên nhân do năng lực kiểm sát viên còn yếu kém, thụ động, không thực hiện đúng nhiệm vụ gắn công tố với hoạt động điều tra. Lãnh đạo viện kiểm sát còn buông lỏng trách nhiệm hoặc phối hợp thống nhất một chiều với cơ quan điều tra trong nhận định, đánh giá vi phạm pháp luật và tội phạm. Việc đánh giá, sử dụng chứng cứ thiếu toàn diện, áp dụng pháp luật máy móc.

Về phía tòa án, việc xét xử còn sai tội danh, sai khung hình phạt, có nơi áp dụng hình phạt quá nặng đối với người lao động nhất thời phạm tội. Ngược lại, có những trường hợp tuyên hình phạt quá nhẹ, cho bị cáo hưởng án treo không đúng pháp luật, nhất là tội về kinh tế, chức vụ, tham nhũng. Có trường hợp, tòa án còn miễn trách nhiệm hình sự với bị can khi  lạm dụng việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ hình phạt như nhân thân tốt, thành khẩn khai báo, khắc phục hậu quả, người bị hại rút đơn...

Nguyên nhân của việc kết tội oan được Đoàn giám sát cho rằng do năng lực của một số thẩm phán còn hạn chế, một số trường hợp còn tiêu cực, cố ý ra bản án trái pháp luật. Trong nhiều vụ án, thẩm phán đã không nghiên cứu khách quan chứng cứ, chưa coi trọng ý kiến của bị cáo và luật sư bào chữa..

Theo đoàn giám sát, nguyên nhân quan trọng khác đã đến oan sai còn do trong án hình sự chưa coi trọng nguyên tắc suy đoán vô tội, chưa quan tâm kết quả tranh tụng, còn coi trọng "án tại hồ sơ". Về lý do khách quan, Đoàn chỉ ra gần 80% số vụ án hình sự còn thiếu luật sư nên việc tranh tụng còn yếu. Chất lượng giám định, một số quy định của luật còn hạn chế, thiếu văn bản hướng dẫn...

Lo lắng trước tình trạng gây oan sai, ông Ksor Phước cho rằng Quốc hội cần yêu cầu xử lý ngay những vụ oan sai mà chưa được giải quyết. Ông đánh giá trong 12 kiến nghị khắc phục tình trạng oan sai, Đoàn giám sát đã nêu khá toàn diện, tuy nhiên có việc là "trách nhiệm hàng ngày" của Viện kiểm sát, Công an, Toà án như đào tạo nâng cao, bồi dưỡng nghiệp vụ. "Theo tôi không nên phí thời gian vào đó", ông thẳng thắn nói.

Là người từng trong ngành công an, ông cho rằng trong cơ quan điều tra "người chỉ huy có vai trò rất quan trọng". Do đó để xảy ra oan sai thì trách nhiệm thuộc về những người này. "Tại sao có chuyện 5-7 người ép cung, tôi không ngờ trong ngành công an lại có người như vậy", ông bức xúc.

Tiếp tục phân tích, ông cho rằng muốn nâng cao chất lượng điều tra thì cần cân nhắc, thận trọng trong việc luân chuyển cán bộ. "Một số nơi cảnh sát giao thông sang làm điều tra. Việc này cần chấn chỉnh", ông nói.

Ông Ksor Phước và ông Huỳnh Ngọc Sơn đều cho rằng trong báo cáo không thấy đề cập việc xử lý những người gây oan sai, thiếu đánh giá tác động của việc gây oan sai với dư luận xã hội.

Đại biểu Phan Trung Lý cho hay trong dự thảo Nghị quyết về tình hình oan sai đề cập việc giảm ít nhất 10%/năm các trường hợp chết do tự sát và không để xảy ra trường hợp bị đánh chết tại các nơi giam giữ là "rất vô lý" và đề nghị xem xét lại. "Không thể nói cho phép ít nhất 5 hay 10%. Một mạng người cũng rất quan trọng, không nên quy định như thế", ông nói.

Theo ông việc dự thảo đề xuất từ 1/1/2016 giao Cơ quan điều tra Bộ Công an giải quyết thụ lý các vụ án mà Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao huỷ án có hiệu lực pháp luật về việc kết án tù chung thân hoặc tử hình để điều tra lại là "vô lý" vì không đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

Đánh giá đây là cuộc giám sát quan trọng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương đề nghị báo cáo cần nêu về thời điểm xảy ra các vụ án oan sai, để thấy rõ sự thay đổi ở giai đoạn trước và sau như thế nào.

Ông Nguyễn Hải Phong (Viện phó VKSND Tối cao) đề nghị làm rõ án oan và sai trong báo cáo, nếu gộp vào là "không chính xác". Ông cho rằng cần tổ chức đối chiếu dữ liệu giữa các cơ quan tố tụng để xác định trường hợp nào oan sai và có dấu hiệu oan sai để xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, đề xuất tăng yêu cầu khởi tố thêm 10% cần được cân nhắc, nên giao cho các cơ quan tố tụng thảo luận đưa ra con số sẽ chính xác hơn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng kết luận dự thảo Nghị quyết cần quy trách nhiệm cụ thể, gây oan sai cho dân ở khâu nào, cán bộ đảm nhận việc đó và thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm. "Không được để xảy ra oan sai", ông nhấn mạnh mục tiêu hướng đến.

Ông cho hay 3 năm qua có hơn 260 người chết trong quá trình tạm giam, tạm giữ. "Để xảy ra những việc này, công an phải hoàn toàn chịu trách nhiệm", ông nói.

Ba năm qua, tổng số tiền phải bồi thường cho các trường hợp bị oan sai khoảng trên 30 tỷ đồng. Hiện có một số vụ người bị oan đề nghị bồi thường với số tiền lớn, như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) hơn 9 tỷ đồng; vụ ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình) trên 22 tỷ đồng, kéo dài đã 9 năm chưa giải quyết xong.
Hoàng Phương - Pha Lê

Nguồn tin: vnexpress


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Bình Luận Facebook
Showbiz
Tin thế giới
Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 89
  •   Máy chủ tìm kiếm 42
  •   Khách viếng thăm 47
 
  •   Hôm nay 4,699
  •   Tháng hiện tại 471,412
  •   Tổng lượt truy cập 130,055,181