"Sân trường một sáng tháng năm" - bài hát của niềm tin tuổi trẻ

Thứ ba - 10/02/2015 10:42
"Sân trường một sáng tháng năm" - bài hát của niềm tin tuổi trẻ "Sân trường một sáng tháng năm" - bài hát của niềm tin tuổi trẻ

Nhân kỷ niệm 140 thành lập trường Lê Quý Đôn TP HCM, Quỳnh Hợp giới thiệu ca khúc phổ thơ của một cựu chiến binh, diễn tả tâm trạng người lính rời chiến trường về lại sân trường.

Ngày 10/2, trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn, TP HCM, tức trường Chasseloup Laubat ngày nào, bước vào tuổi 140. Ngôi trường này vốn có lịch sử gắn bó với chiều dài lịch sử Sài Gòn. Tác giả Nguyễn Trọng Luân từng sáng tác bài thơ Nước mắt sân trường nhân kỷ niệm một lần đến với mái trường này.  Ông là một cựu chiến binh có mặt tại Sài Gòn vào thời khắc cả thành phố rợp cờ hoa năm 1975. Lúc đó, ông được gặp, trò chuyện, hát bài Tiếng hát những đêm không ngủ với các thầy cô giáo của trường Lê Quý Đôn vào ngày 1/5/1975.

Nhà văn Nguyễn Trọng Luân chia sẻ: " Bài Nước mắt sân trường tôi viết trước ngày đơn vị chúng tôi rời Sài Gòn ra Củ Chi đóng quân (ngày 6/5/1975). Lúc ấy Sài Gòn đang như trong mơ, đang lâng lâng trước một cuộc sống mới mẻ chưa từng thấy. Trong sự bộn bề, vui buồn, âu lo, náo nức đan xen ấy, tôi - người lính sinh viên - chỉ một ước nguyện trở về đi học tiếp. Chỉ nghĩ đến mái trường là chúng tôi đã trào lên niềm vui sướng". 

Cảm nhận được tấm lòng người lính sinh viên trong thời khắc lịch sử của đất nước, nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ nhạc bài thơ viết cách đây gần 40 năm thành ca khúc Sân trường một sáng tháng 5.

"Sân trường một sáng tháng năm" - bài hát của niềm tin tuổi trẻ 1

Nhà văn Nguyễn Trọng Luân tại buổi trò chuyện cùng thầy cô và học sinh trường Lê Quý Đôn, Sài Gòn ngày 1/5/1975.

Sân trường một sáng tháng năm là bài hát hay, dễ nghe, dễ nhớ, dễ chạm vào trái tim. Ca khúc nói về chiến tranh nhưng ngập tràn tình thầy trò, tình bạn bè, ngập tràn niềm hân hoan hy vọng trong nỗi nhớ khôn nguôi. Toàn bộ bài hát có giai điệu đẹp, lời thơ uyển chuyển. Câu hát: "Thưa thầy cô, chúng em đã tới" tuy giản dị, lại hàm chứa nhiều cảm xúc, như một tín hiệu: sự hung hãn, khắc nghiệt của chiến tranh đều nằm ở lại ngoài phía cổng trường. Những người lính bỏ lại đằng sau mình khói lửa đạn bom, trở lại vẹn nguyên thành người học trò hiếu nghĩa.

Nước mắt của người thầy là giọt nước mắt mừng ngày đất nước độc lập, mừng những học trò bình an vào đến thành đô. Nước mắt của thầy là nước mắt mừng vui vì chỉ mai đây thôi, các thầy cô lại được quay lại giảng đường với những người học trò mình yêu quý.

Ca khúc còn mang những nốt nhạc vui tươi, như niềm vui vỡ òa của bất kỳ nhóm học trò nào khi gặp một sự kiện đáng nhớ trong thời bình. Đoạn kết ca khúc có sự tham gia của dàn hợp xướng, thể hiện niềm nhớ thương thiết tha, gợi cho người nghe nhớ đến một bài hát của dàn đồng ca học sinh. Nhạc phẩm trở nên thân thiện hơn với cách kết ấy.

Bài hát là một sự kết hợp khéo léo giữa lời thơ của một cựu chiến binh, giữa nét nhạc của một nhạc sĩ nhiệt huyết và giọng hát của những ca sĩ trẻ nhóm Artista. Đất nước 40 năm thống nhất in đậm hình bóng những người lính nằm lại dọc dãy Trường Sơn, hay những người đã ngã xuống trước cửa ngõ Sài Gòn. Và họ mãi là những người học trò trẻ tuổi, đứng hân hoan trong sân trường.

Hè về, dọc cổng trường, rực đỏ phượng vĩ. Sân trường vẫn thế, thầy cô học trò thời nay vẫn thế, bao thế hệ trẻ tiếp nối theo thế hệ cha anh tiếp tục sống nhiệt thành, sống tốt. Cũng như tuổi trẻ của những người lính năm xưa, tuổi trẻ hôm nay đang đi trên những chặng đường mới của cuộc sống trước mắt.

* Audio ca khúc "Sân trường một sáng tháng năm"

Lê Minh Thu

Nguồn tin: giaitri vnexpress


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Bình Luận Facebook
Showbiz
Tin thế giới
Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 67
  •   Máy chủ tìm kiếm 3
  •   Khách viếng thăm 64
 
  •   Hôm nay 49,502
  •   Tháng hiện tại 829,461
  •   Tổng lượt truy cập 129,427,639