Turbine gió ngoài khơi mạnh nhất thế giới với công suất 18 MW rời khỏi dây chuyền sản xuất ở Phúc Thanh, tỉnh Phúc Kiến, hôm 10/11.
Các công nhân kiểm tra một bộ phận chính của turbine gió 18 MW. (Ảnh: CMG).
Turbine gió ngoài khơi dẫn động trực tiếp có công suất đơn vị và cánh quạt lớn nhất thế giới, theo CGTN. Bao gồm hơn 30.000 bộ phận, turbine gió mới có cánh quạt dài 126m và bề mặt quét rộng 53.000m2, tương đương 7,5 sân bóng đá tiêu chuẩn. Đường kính phần trong trục rotor có thể dài đến 160m. Turbine này được phát triển cho vùng biển có sức gió hơn 10 m/s. Nó cũng có thể chịu những cơn bão với sức gió 80 m/s.
"Do turbine dẫn động trực tiếp rất dễ vận hành, không cần bảo trì và có thể sản xuất lượng điện lớn, chúng tôi sẽ sử dụng nó rộng rãi ở vùng biển xa", Ge Hongbing, tổng giám đốc công ty điện gió Dongfang, chia sẻ.
Mỗi đơn vị turbine có thể đạt công suất 18 megawatt (MW) trong môi trường có vận tốc gió trung bình hàng năm là 10 m/s. Thiết bị sản xuất 38 kilowatt giờ (kWh) điện từ một vòng quay và cung cấp 72 triệu kWh điện hàng năm, đáp ứng nhu cầu của 40.000 hộ gia đình. Năng lượng sạch do turbine sản xuất mỗi năm có thể giúp tiết kiệm hơn 20.000 tấn than đá tiêu chuẩn và giảm 55.000 tấn khí thải carbon dioxide.
Theo dự kiến, turbine gió 18 MW sẽ được sản xuất hàng loạt trong năm nay và lắp đặt ở khu vực ven biển phía đông nam Trung Quốc. Những bộ phận chủ chốt của turbine như cánh quạt, rotor, máy phát diện, bộ chuyển đổi và máy biến áp được sản xuất trong nước.
Turbine gió ngoài khơi đòi hỏi tiêu chuẩn cũng như chi phí nghiên cứu phát triển cao hơn turbine trên đất liền. Turbine gió mới có thể phù hợp hơn với môi trường ngoài khơi phức tạp hơn các thiết kế trước đây, đồng thời có tuổi thọ dài hơn. Tính đến nay, Trung Quốc là nhà sản xuất thiết bị turbine gió lớn nhất thế giới, chiếm 1/2 sản lượng toàn cầu. Trung Quốc đã xây dựng hơn 20 trang trại điện gió ngoài khơi với công suất đơn vị của mỗi turbine trong khoảng 6 - 18 MW.
Nguồn tin: khoahoc.tv
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn