Các nhà nghiên cứu tìm thấy bằng chứng về một nhà máy chuyên sản xuất đạn dùng cho ná cao su từ 7.200 năm trước.
Nhà máy sản xuất vũ khí chiến tranh lâu đời nhất từng được biết tới có thể được xây vào đầu thời Đồ đồng tại khu vực ngày nay thuộc Israel, IFL Science hôm 23/11 đưa tin. Dựa trên phân tích hàng trăm viên đạn đá thu thập từ hai di chỉ khảo cổ, các nhà nghiên cứu kết luận chúng được sản xuất hàng loạt, hé lộ sự trang bị đầy đủ chỉn chu cho binh lính chuẩn bị chiến đấu cách đây khoảng 7.200 năm.
Những viên đạn có hình dạng và kích thước đồng nhất. (Ảnh: Bộ Cổ vật Israel)
Nhóm khảo cổ kiểm tra 424 viên đá quăng dây tại khu dân cư cổ đại 'En Esur và 'En Zippori, từng có người ở vào khoảng năm 5.800 - 4.500 trước Công nguyên. Nhận thấy các viên đá gần như giống hệt nhau, những nhà nghiên cứu xác định chúng được chế tác theo tiêu chuẩn riêng biệt, với chiều dài trung bình 52mm, rộng 31mm và nặng 60g.
Viên đá dùng làm đạn của ná cao su rất trơn nhẵn với hình dạng khí động hơi nhọn ở hai đầu, cho phép bắn chính xác và hiệu quả, theo Cơ quan Cổ vật Israel. Trong nghiên cứu đi kèm công bố trên tạp chí 'Atiqot, các nhà khoa học giải thích thiết kế nhọn hai đầu được cho là tối ưu đối với đạn bắn bằng ná cao su, sau này được cả quân đội Hy Lạp và La Mã ứng dụng.
Trên thực tế, số đá này là bằng chứng sớm nhất về chiến tranh ở Nam Levant. Sự tương đồng về hình dáng của chúng chỉ ra quá trình sản xuất công nghiệp quy mô lớn. Tính đồng nhất về trọng lượng, hình dạng và kích thước của đá quăng dây cho thấy chúng được sản xuất một cách có hệ thống để binh lính sử dụng kèm theo ná cao tiêu chuẩn, cho phép họ huấn luyện hiệu quả.
Đặt phát hiện trong bối cảnh lịch sử, nhóm tác giả nghiên cứu nhận định sự chuyển biến rõ rệt từ đá quăng thông thường (như sỏi tự nhiên) sang vũ khí chất tiêu chuẩn cao có thể hé lộ quá trình phát triển chiến tranh có tổ chức đầu thời Đồ đồng. Khả năng này càng cao hơn do quy mô định cư tăng lên ở Nam Levant thời đó.
Đá quăng thường được tìm thấy theo cụm, cung cấp bằng chứng về cách sử dụng chúng. Theo các nhà nghiên cứu, cách sắp xếp này cho thấy đạn được bắn ồ ạt cùng lúc bởi một nhóm xạ thủ. Trong chiến tranh, điều này có thể khiến cho quân thù bị vỡ đội hình. Điều thú vị là vũ khí hàng loạt như vậy đột ngột biến mất khỏi ghi chép khảo cổ khoảng một thiên niên kỷ sau, dù giới nghiên cứu chưa rõ điều này có chỉ ra xung đột trong vùng sụt giảm hay không.
Nguồn tin: khoahoc.tv
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn