Từ những con đường thời La Mã cổ đại, con đường có bức tượng Moai đặc sắc đến con đường được người xưa tạo ra để thể hiện quyền lực đều ẩn chứa những sự thật đáng kinh ngạc.
Năm 2021, các nhà khảo cổ phát hiện một con đường La Mã cổ ở đáy đầm phá thành phố Venice (Italy). Không quá ngạc nhiên trước phát hiện này vì người La Mã cổ đại đã rất thành công trong xây dựng những con đường. Tuy nhiên, khám phá đã xác nhận những nghi ngờ trước đó. Bởi vào những năm 1980, một nhóm thợ lặn đã tìm thấy viên đá bazan - thứ mà người La Mã xưa thường dùng để lát trên bề mặt đường đi.
Một góc của thành phố Venice. (Ảnh: Shutterstock).
Với chiều dài khoảng 1.200 mét, những tàn tích này có thể tồn tại từ hàng trăm năm trước khi thành phố Venice được lập vào thế kỷ 5.
Con đường cổ nối với các công trình kiến trúc La Mã khác như các tháp phòng thủ, khu sinh hoạt riêng, lối đi và bến cảng. Từ đó, các nhà khoa học xác nhận đã từng có một khu định cư lâu đời trong khu vực này.
Con đường đã chứng minh các kiến trúc sư La Mã cổ không hề tránh xây dựng đường đi ở những địa hình hiểm trở. Quá trình nghiên cứu đã chỉ ra con đường được xây dựng trên một bãi biển. Điều này đòi hỏi kỹ thuật xây dựng phải rất tốt.
Trong khi đang khai quật một con phố cổ ở thành phố Jerusalem, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một số đồng xu ở dưới đường. Từ kí hiệu ngày được đúc trên mặt đồng xu có thể thấy, con đường dài khoảng 220 mét được xây dựng khi Pontius Pilate còn là Thống đốc La Mã. Với tư cách là người cai trị khu vực, con đường gần như chắc chắn được xây dựng theo chỉ đạo của ông.
Con đường có tuổi đời khoảng 2.000 năm. (Ảnh: Independent).
Theo các chuyên gia, con đường rộng khoảng 8 mét, được xây khoảng 2.000 năm trước. Đây là nơi những người hành hương dừng lại để lấy nước uống và tắm trên đường đến Núi Đền ở Jerusalem. Núi Đền là nơi linh thiêng nhất của người Do Thái, vì vậy mỗi năm có rất nhiều người hành hương về đây.
Không rõ tại sao một thống đốc La Mã lại đầu tư nhiều nguồn lực như vậy vào một con đường xa hoa dành cho người dân địa phương. Nhưng xét đến việc người La Mã đã chiếm Jerusalem bằng vũ lực, con đường thiêng liêng có thể là một cử chỉ nhằm xoa dịu cư dân Do Thái của thành phố.
Đảo Phục Sinh nổi tiếng với những bức tượng bí ẩn có tên là “Moai”. Bên cạnh đó, hòn đảo này còn ẩn chứa một bí ẩn khác - đó là con đường cổ 800 năm tuổi. Con đường chạy khắp đảo, giữa các mỏ đá và tượng cũng như các khu vực ven biển. Nằm dọc hai bên đường là hàng chục bức tượng hay còn gọi là moai.
Tượng đá moai đứng dọc theo mạng lưới đường đi. (Ảnh: Thousandwonders).
Nghiên cứu thực địa do các nhà nghiên cứu tại Đại học College London (UCL) và Đại học Manchester cho thấy, hệ thống đường cổ của hòn đảo Thái Bình Dương xa xôi này chủ yếu mang tính chất nghi lễ chứ không được xây dựng để vận chuyển các bức tượng.
Phát hiện này sẽ gây ra tranh cãi giữa nhiều nhà khảo cổ học, những người đã dành nhiều năm để tìm hiểu chính xác cách thức các bức tượng moai được di chuyển.
Trước đó, vào năm 1958, nhà thám hiểm người Na Uy Thor Heyerdahl lần đầu tiên công bố giả thuyết cho rằng những con đường được tạo ra chỉ để di chuyển các bức tượng moai từ mỏ đá (nơi chúng được chạm khắc) đến vị trí cuối cùng. Ông nhận định những tượng moai nằm ngửa và nằm sấp gần đường đã bị người Polynesia cổ đại bỏ rơi trong quá trình vận chuyển.
Để bác bỏ ý kiến của ông Heyerdahl, nhóm nghiên cứu tại Đại học Manchester và UCL cho biết các bức tượng chỉ bị đổ khỏi bệ theo thời gian. Thông qua thiết bị khảo sát chuyên dụng, họ phát hiện ra các nền đá gắn liền với mỗi tượng moai bị đổ.
Tiến sĩ Sue Hamilton của Đại học UCL cho biết: “Tất cả bằng chứng đều cho thấy rõ ràng rằng những con đường này mang tính nghi lễ. Điều này trùng khớp với giả thiết của khảo cổ người Anh Katherine Routledge từ gần 100 năm trước. Những bức tượng moai hướng về phía núi lửa. Càng gần núi lửa, các bức tượng xuất hiện càng nhiều. Điều này thể hiện mức độ ngày càng trang nghiêm trong nghi lễ".
Stonehenge nằm ở đồng bằng Salisbury ở Amesbury, khoảng 13km về phía Bắc của vùng Salisbury ở Wiltshire, Vương quốc Anh.
Rất nhiều người đã đến thăm Stonehenge, chỉ đi thẳng mà không quan tâm đến con đường dưới chân mình. Điều này là do nó không được nhắc đến quá nhiều và hiện nằm dưới lớp cỏ nên người dân thường không chú ý tới.
Bãi đá cổ Stonehenge. (Ảnh: PA).
Tuy nhiên, gần đây, trong khi tháo dỡ một con đường hiện đại chạy gần Stonehenge, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra hai con mương được cho là tàn tích của một con đường cổ xưa được gọi là đại lộ. Các nhà khảo cổ đã biết về đại lộ và nghi ngờ nó dẫn thẳng đến di tích, nhưng con đường hiện đại đã cắt đôi con đường cũ. Rất có thể, con đường này được xây dựng bởi chính những người đã tạo ra những tảng đá Stonehenge. Hiện tại, không ai có thể nói chắc chắn con đường sẽ đi về đâu.
Vào năm 2021, các nhà nghiên cứu đã tháo dỡ con đường mới và phát hiện nhiều đặc điểm mới, tiết lộ nhiều hơn về công trình đất cổ xưa này. Đại lộ rộng khoảng 30 mét và thực sự dẫn đến Stonehenge - đoạn này chạy thẳng khoảng 0,5 km. Từ đó trở đi, con đường quanh co chạy dài 2,4 km đến sông Avon gần làng Amesbury.
Khoảng 2.000 năm trước, người La Mã đã xây dựng những công trình đường sá nổi tiếng. Mục đích của việc xây dựng mạng lưới đường để giúp quân đội đi chuyển nhanh hơn, rút ngắn thời gian đi từ điểm này đến địa điểm khác.
Theo thời gian, các con đường bắt đầu xây dựng để kết nối với các thị trấn và thành phố quan trọng.
Nhà kinh tế học Ola Olsson từ Đại học Gothenburg ở Thụy Điển cho biết: "Mặc dù nhiều con đường đã biến mất và được thay thế bởi những con đường mới, nhưng những con đường La Mã đã góp phần tập trung các thành phố và hoạt động kinh tế dọc theo nó".
Những con đường có độ bền, dài và xây dựng trên địa hình phức tạp đã phản ánh kỹ thuật và trí tuệ của người La Mã cổ. (Ảnh: Wearethemighty).
Sau đó, Đế chế La Mã biến mất cùng với nhiều con đường. Nhiều thế kỷ đã trôi qua, nhiều người nghĩ rằng những con đường La Mã cổ đại không hề có mối liên hệ nào với các khu trung tâm tài chính. Song một nghiên cứu năm 2022 đã cho thấy những con đường cổ liên tục xuất hiện xung quanh các trung tâm tài chính ngày nay. Hiện chưa thể giải thích được điều này. Rất có thể, đó là một sự kết nối. Những con đường cổ đã mang đến sự thịnh vượng của khu định cư, thị trấn và các thành phố ở khu vực này.
Khi K'awiil Ajaw, nữ hoàng chiến binh của thành phố Cobá của Maya muốn phô trương sức mạnh trước các thế lực thù địch, bà đã quyết định xây dựng một con đường dài nhất thời điểm đó ở bán đảo Yucatán của Mexico.
Nghiên cứu do các nhà nghiên cứu từ Đại học Miami và Proyecto de Interaccion del Centro de Yucatan (PIPCY) cho thấy, con đường dài gần 100km không phải là một đường thẳng như giả định trước đây mà là một con đường quanh co, rẽ qua một số khu định cư nhỏ hơn.
Những dấu tích của "con đường trắng". (Ảnh: Đại học Miami).
Được xây dựng vào khoảng năm 700 sau Công Nguyên, sacbe (con đường trắng), lấy tên từ một lớp thạch cao bằng đá vôi lát đường. Tính chất của loại đá này có sự phản chiếu ánh sáng xung quanh nên có thể nhìn rõ con đường cả ban ngày hoặc ban đêm.
Các nhà khảo cổ gọi con đường trắng là một tuyệt tác kỹ thuật, sánh ngang hàng với kim tự tháp Maya. Được lát trên nền đất không bằng phẳng và phải dọn sạch đá cuội và thảm thực vật, nó được bao phủ bởi lớp thạch cao màu trắng được làm theo công thức tương tự như bê tông thời La Mã.
Khoảng 4.500 năm trước, người Bedouin đã đi dọc theo những con đường có nhiều ngôi mộ chôn cất người đã khuất. Những ngôi mộ được chạm khắc trên đá, thường được xây thành hình tròn hoặc mặt dây chuyền. Chúng có những kí hiệu như hướng đi tới con đường gần nhất, biển báo dọc đường hoặc chỉ đường rõ ràng đến nơi có nguồn nước tiếp theo. Đường càng gần nước, các ngôi mộ càng tập trung. Nhờ đó mà người ta có thể đi khoảng 530km mà không lo chết khát.
Mạng lưới đường cổ 4.500 năm tuổi ở Arab với những ngôi mộ cổ có hình mặt dây chuyền ở khắp nơi. (Ảnh: CNN)
Ở nơi ngày nay là Saudi Arabia, năm 2022, các nhà khảo cổ đã phát hiện một mạng lưới ấn tượng gồm các con đường dài, được đánh dấu bằng những ngôi mộ của con người, nối liền ốc đảo này với ốc đảo khác.
Nhà khảo cổ học Matthew Dalton từ Đại học Western cho biết: "Đại lộ tang lễ là mạng lưới đường dài chính vào thời đó. Điều này cho thấy dân cư sống ở bán đảo Arab 4.500 năm trước có mối liên hệ kinh tế và xã hội với nhau nhiều hơn chúng ta nghĩ".
Ở Jordan, có một con đường dài ngoằn ngoèo, đi xuyên qua những ngọn núi và thung lũng. Nó được gọi là King's Highway (tạm dịch: Con đường của Nhà vua). Con đường từng được nhắc đến trong Kinh thánh khi Moses xin phép Vua Edom được sử dụng con đường này để đi qua vùng đất của ông. Do đó, hoạt động đi lại, vận chuyện thường xuyên diễn ra trên con đường từ thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên.
Núi Nebo của Jordan, cao 820m. (Ảnh: Shutterstock).
Trước đây, đường mòn Jordan đóng vai trò là cầu nối quan trọng, kết nối nhiều vương quốc. Trong hàng nghìn năm, những người hành hương, đoàn lữ hành buôn bán, binh lính và các vị vua đã đi qua con đường này để đi từ Bắc xuống Nam, qua vùng cao nguyên Jordan.
Ngày nay, con đường cổ đã được xây lại hiện đại, có làn đường dành riêng cho từng loại xe. Khách du lịch có thể đi qua con đường dài 250 km và chiêm ngưỡng một loạt di tích lịch sử trên suốt hành trình. Có thể kể tên một số những di tích như di tích La Mã, lâu đài Thập tự chinh, thành phố cổ Petra, nhà thờ Byzantine, cung điện Umayyad, thị trấn cổ và Di sản thế giới Umm ar-Rasas được UNESCO công nhận.
Nhiều người vẫn hoài nghi về sự tồn tại của con đường tơ lụa, mặc dù sách lịch sử đã có rất nhiều thông tin về tuyến đường thương mại huyền thoại này. Theo các nhà sử học, con đường này nối liền Trung Quốc với thế giới. Gần giống như mạch máu, mạng lưới dài 6.437 km, đã cho phép người Trung Quốc bán những loại lụa tốt nhất và các vật có giá trị khác.
Con đường tơ lụa từng là con đường thương mại huyền thoại. (Ảnh: Hugh Sitton/Corbis).
Nhưng sự thật là Trung Quốc không xuất khẩu lụa trong thời gian này và cũng không tham gia buôn bán với nước ngoài. Họ thậm chí còn không gọi nó là con đường tơ lụa. Đúng hơn, thuật ngữ này được một nhà địa lý người Đức đặt ra vào những năm 1870.
Việc giao thương trên con đường tơ lụa dần phát triển, kéo theo tình trạng cướp bóc dọc đường đi trở nên phổ biến. Ngoài ra, địa hình khắc nghiệt, tình trạng thiếu nước uống, cũng là cơn ác mộng với người đi buôn. Nhiều người đi qua hoang mạc muối Lop Nur từng bỏ mạng vì không mang đủ nước uống.
Do con đường không dễ đi lại, chi phí vận chuyển tốn kém, nhiều rủi ro nên đến nay, hầu như không còn được sử dụng nữa.
Nguồn tin: khoahoc.tv
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn