Đường ống bê tông đồ sộ với sức chứa 1,6 triệu m3 đang được xây dựng bên dưới London để giảm bớt tần suất xả nước thải ra sông Thames.
Siêu cống mới của London, một đường ống bê tông khổng lồ chạy dài 25km dọc theo dòng sông Thames được thiết kế để giải quyết vấn đề mà thủ đô của Anh và nhiều thành phố khác chật vật đương đầu suốt nhiều thập kỷ, đó là việc xả nước thải chưa xử lý ra sông ngòi, New Scientist hôm 2/6 đưa tin.
Hệ thống cống hiện nay của London đang rạn nứt ở nhiều đường nối. Hệ thống đó được xây vào khoảng năm 1859 - 1875 sau thảm họa "Dòng sông thối vĩ đại" năm 1858. Ở thời điểm đó, dân số thành phố vào khoảng 3 triệu người. Kỹ sư Joseph Bazalgette thiết kế đường ống cống có thể chịu lượng nước thải từ 4,5 triệu người và nước mưa. Hiện nay, khoảng 9 triệu người đang sử dụng hệ thống. Thời tiết trở nên ẩm ướt hơn và London có mật độ bê tông hóa ngày càng cao, ngăn đất hấp thụ nước mưa.
Hệ thống cũ không thể đáp ứng tình hình và bị quá tải khoảng 60 lần một năm, xả tổng cộng 50 triệu tấn nước thải thô mỗi năm vào sông Thames, bên cạnh khăn ướt, sản phẩm vệ sinh, bao cao su và bất cứ thứ gì xả ra bồn cầu.
"Nhiệm vụ của chúng tôi là xây dựng một đường ống cống giúp giải quyết vấn đề đó", Andy Mitchell, giám đốc điều hành Tideway, công ty phía sau dự án cho biết. Giải pháp của họ là xây dựng một đường ống khổng lồ ở sâu dưới lòng đất, bên dưới ống cống thời Victoria, để chặn nước cống chảy tràn. Đường hầm Tideway là một trong những dự án ống cống trong thành phố lớn nhất thế giới, theo Mitchell. Công trình không giải quyết hoàn toàn vấn đề, khi mưa thực sự nặng hạt, vẫn có nước cống chảy ra sông. Nhưng dự án sẽ giảm bớt tần suất xuống khoảng 3 - 4 lần/năm, và nước chảy tràn chủ yếu sẽ là nước mưa.
Tổng sức chứa của đường hầm là 1,6 triệu m3.
Lối vào đường hầm là một hõm chảo bê tông có đường kính bằng một tháp làm mát và sâu 50m. Nó cần lớn cỡ này để có thể đưa những cỗ máy đào hầm đồ sộ xuống dưới. Các kỹ sư được đưa xuống thấp dần qua khung bê tông gắn vào cần trục. Đường hầm hình tròn có đường kính 7,2m, mất 8 năm để xây dựng với chi phí 5,6 tỷ USD. Tổng sức chứa của đường hầm là 1,6 triệu m3. Công trình sẽ đi vào hoạt động năm sau.
Đường hầm thoải dần từ tây sang đông, cho phép nước thải chảy theo lực hấp dẫn mà không cần bơm. Khi nước thải tới điểm đến là trạm xử lý Beckton, nó nằm ở độ sâu 80 m dưới lòng đất và cần được bơm lên. Trong khoảng một năm nữa, đường hầm sẽ hoàn thiện. Đèn sẽ được dỡ đi, lối vào bị bịt lại và đường hầm sẽ chìm trong bóng tối ít nhất 120 năm. Quá trình kiểm tra bảo trì sẽ được thực hiện bằng drone.
Nguồn tin: khoahoc.tv
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn