Một nghiên cứu mới chỉ ra Nam bán cầu đã khô hạn hơn Bắc bán cầu trong 2 thập kỷ qua.
Các tác giả cho rằng nguyên nhân chính là hiện tượng thời tiết được gọi là El Niño - xảy ra vài năm một lần, khi nước biển ở phía đông Thái Bình Dương ấm hơn bình thường.
Mặc dù Nam bán cầu chỉ có 1/4 diện tích đất liền toàn cầu (không bao gồm Nam Cực), nhưng nó dường như có tác động đến nguồn nước toàn cầu lớn hơn đáng kể so với Bắc bán cầu - (Ảnh: ARTUR PLAWGO).
Theo trang Science Alert, các kết quả dựa trên dữ liệu từ vệ tinh và các phép đo dòng chảy sông suối, cho phép các tác giả lập mô hình và tính toán những thay đổi về lượng nước sẵn có.
Lượng nước sẵn có bao gồm nước mưa, nước ngầm và nước mặt (ao, hồ, sông, suối) là lượng nước phục vụ cho nhiều mục đích sử dụng của con người. Trong đó, nước dùng cho sinh hoạt bắt buộc phải có.
Phân tích mới cho thấy lượng nước sẵn có ở Nam Mỹ, phần lớn châu Phi, miền trung và tây bắc Úc đã bị sụt giảm mạnh. Ngược lại, lượng nước sẵn có ở Bắc bán cầu ít nhiều giữ mức cân bằng.
Điều này một phần là do ảnh hưởng sâu rộng của con người như thủy lợi, đập nước và sản xuất lương thực. Khoảng 10% dân số thế giới sống ở Nam bán cầu.
Theo các nhà nghiên cứu, những gì xảy ra ở Nam bán cầu có ảnh hưởng tới toàn bộ hành tinh.
Quá trình khô hạn sẽ tạo thêm áp lực lên môi trường sống và các loài. Nó cũng sẽ tác động đến dân số loài người và cuối cùng là hệ thống lương thực toàn cầu của chúng ta.
Trong đó Nam Mỹ, bao gồm rừng nhiệt đới Amazon, là môi trường sống quan trọng cho các loài và là nơi sinh sống của nhiều cộng đồng bản địa. Rừng nhiệt đới ở đây bị khô sẽ làm giảm thảm thực vật và tăng nguy cơ cháy rừng, có thể giải phóng hàng tỉ tấn carbon hiện đang bị giữ lại trong thảm thực vật rừng và đất.
Nam Mỹ cũng là nơi xuất khẩu đậu nành, đường, thịt, cà phê và trái cây cho thị trường toàn cầu. Những thay đổi về nguồn nước sẵn có ở đây sẽ gây sức ép lên chuỗi cung ứng thực phẩm quy mô toàn cầu.
Vùng đất châu Phi khô hạn cũng là một thách thức thực sự. Chưa kể lục địa rộng lớn này thường có nguồn lực hạn chế để giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tây Bắc nước Úc là một trong những vùng hoang dã rộng lớn của đất nước này. Quá trình khô hạn sẽ làm thay đổi mô hình thảm thực vật và tăng nhiệt độ hơn nữa, có thể lên trên 35°C trong phần lớn thời gian trong năm từ nay đến năm 2100, nếu tốc độ phát thải tiếp tục cao. Điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người và môi trường sống.
Tương tự, khô hạn ở miền trung Úc có tác động dây chuyền đến thời tiết và khí hậu các khu vực ven biển, nơi tập trung hầu hết các thành phố và dân cư của Úc.
Xu hướng khô hạn cũng đang diễn ra ở phía Tây Nam và Đông Nam đất nước này, dẫn đến căng thẳng và thay đổi môi trường sống, cháy rừng, cạn kiệt các con sông và tác động đến sức khỏe con người, đặc biệt là ở các khu vực thành thị...
Nguồn tin: khoahoc.tv
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn