Núi lửa Klyuchevskoy của Nga, ngọn núi lửa cao nhất ở châu Âu và châu Á, đã phun trào dữ dội vào đầu tháng 11, để lại vệt khói và tro bụi được vệ tinh NASA ghi lại.
NASA đã cung cấp một số hình ảnh về vụ phun trào núi lửa cao nhất ở Nga vào đầu tháng 11 vừa qua, mang lại một góc nhìn mới về vụ phun trào dữ dội cùng đám mây bụi và tro kéo dài tới 1.600km.
Klyuchevskoy, đôi khi được gọi là Klyuchevskaya Sopka, là một ngọn núi lửa dạng tầng đang hoạt động ở Bán đảo Kamchatka của Nga, nơi toạ lạc của hơn 300 ngọn núi lửa khác.
Theo Nhóm ứng phó vụ phun trào núi lửa Kamchatka (KVERT), đỉnh của Klyuchevskoy cao 4.750m so với mực nước biển, khiến nó trở thành ngọn núi lửa cao nhất tại cả châu Á và châu Âu.
Lượng khói bụi do núi lửa Klyuchevskoy đã lan ra một vùng dài tới hơn 2km, gây ảnh hưởng tới giao thông và cuộc sống của người dân trong khu vực. (Ảnh: NASA)
Núi lửa Klyuchevskoy đã liên tục phun trào kể từ giữa tháng 6 năm nay. Nhưng vào ngày 1.11, một vụ nổ núi lửa lớn đã giải phóng một lượng lớn khói và tro, đạt tới độ cao tối đa 12 km so với bề mặt Trái đất, theo Đài quan sát Trái đất của NASA.
Khói và tro bụi khiến KVERT tạm thời nâng mức cảnh báo hàng không lên mức đỏ (mức cao nhất có thể), khiến các máy bay đang hoạt động trong khu vực phải hạ cánh. Một số trường học cũng phải sơ tán do tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng.
Đám mây khói do vụ phun trào lan ra tới tận Thái Bình Dương. (Ảnh: NASA).
Vệ tinh Landsat 8 do NASA và Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ đồng điều hành, đã chụp được một hình ảnh nổi bật về vụ phun trào này. Vệ tinh Aqua của NASA cũng chụp được hình ảnh màu sắc thực rộng hơn của đám khói, cho thấy lượng khói đã “vươn” ra và trải dài khoảng 1.600 km vào thời điểm đó. Theo Chương trình Núi lửa Toàn cầu của Viện Smithsonian, lượng khói bụi này lan xa đỉnh điểm tới 2.255 km.
Theo KVERT, vụ phun trào chỉ kéo dài trong vài ngày và hiện tại có vẻ như núi lửa Klyuchevskoy đã ngừng phun trào hoàn toàn.
Bán đảo Kamchatka là một phần của Vành đai lửa Thái Bình Dương, vành đai kiến tạo dài 40.200 km, bao quanh Thái Bình Dương và chứa khoảng 3/4 số núi lửa đang hoạt động trên thế giới.
Núi lửa Klyuchevskoy trong một vụ phun trào vào năm 2021. (Ảnh: AFP).
Vành đai núi lửa gần đây cũng đã hoạt động ở các khu vực khác: Vào ngày 30/10, một vụ phun trào núi lửa dưới nước ngoài khơi đảo Iwo Jima của Nhật Bản đã sinh ra một hòn đảo magma cứng hoàn toàn mới, cũng có thể được nhìn thấy từ không gian.
Đợt phun trào mới nhất của Klyuchevskoy có thể sẽ không có tác động thực sự đến tầng ozone vì nó chứa ít hơi nước hơn nhiều và không đạt tới độ cao trong khí quyển.
Nguồn tin: khoahoc.tv
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn