Sân bay trước rủi ro chuyển nhượng độc quyền

Thứ tư - 08/04/2015 23:21
Sân bay trước rủi ro chuyển nhượng độc quyền Sân bay trước rủi ro chuyển nhượng độc quyền

Việc một hãng hàng không có thể được trao quyền khai thác một nhà ga hoặc cả sân bay khiến các chuyên gia lo ngại vấn độc quyền không được giải quyết, mà chỉ chuyển từ Nhà nước sang doanh nghiệp.

Chủ trương xã hội hoá hạ tầng sân bay, chuyển nhượng quyền khai thác được Bộ Giao thông công bố cách đây không lâu đã thu hút được sự chú ý của dư luận. Tại hội thảo do Cục Hàng không tổ chức ngày 8/4 xung quanh vấn đề này, nhiều ý kiến đã được nêu ra, tập trung phần lớn vào câu chuyện độc quyền.

Đồng tình với chủ trương xã hội hóa, song theo Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - Lê Mạnh Hùng, việc nhượng quyền khai thác cả sân bay hay nhà ga hành khách cho một hãng hàng không là những trường hợp thiểu số trên thế giới. Trong khi đó, nhiều nước rất hạn chế cho các hãng hàng không tham gia vào việc khai thác sân bay, như Croatia không cho phép nào kiểm soát khai thác sân bay Zagreb,  Ấn Độ không để hãng nào sở hữu quá 5% vốn chủ sở hữu trong doanh nghiệp khai thác sân bay...

"Nếu toàn bộ hay một phần hệ thống sân bay này bị chi phối bởi một nhà khai thác tư nhân, sẽ có những rủi ro chính trị, kinh tế nhất định. Mặt khác, các hãng hàng không khác và khách hàng có thể không được tiếp cận với dịch vụ ở mức tốt nhất, tạo ra thế độc quyền nhất định cho nhà đầu tư", ông Hùng nói.

Theo vị này, quyền sở hữu sân bay vẫn cần thuộc sở hữu Nhà nước. Doanh nghiệp tư nhân tham gia vào thị trường hàng không thông qua các hình thức như dịch vụ tại nhà ga hoặc các hoạt động khai thác hàng ngày. Nếu một hãng được mua quyền khai thác hoặc sở hữu một sân bay thì phải có quy định cụ thể đảm bảo các đơn vị khác được tiếp cận công bằng với dịch vụ cung cấp tại đây.

Sân bay trước rủi ro chuyển nhượng độc quyền 1

Ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Hàng không cho rằng cần có cơ ché để chống độc quyền. Ảnh: Đ.L

Trong khi đó, chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam nhận định những rủi ro với an ninh quốc phòng, an toàn hàng không, xuất nhập cảnh, kiểm dịch... không đáng lo ngại khi chuyển nhượng, song vấn đề nằm ở khâu định giá trị tài sản. Đặc biệt cần có cơ chế chính sách để kiểm soát sau khi xã hội hoá, nếu không người dân sẽ phàn nàn vì lợi ích không hài hoà giữa họ và các doanh nghiệp.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh cho biết, giai đoạn 2015-2020, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng hàng không là hơn 230.000 tỷ đồng. Trong khi nguồn vốn từ ngân sách rất khó khăn, việc khai thác được các nguồn vốn đầu tư khác trong xã hội là cấp thiết.

Theo ông Thanh, xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không sẽ phải đảm bảo tiêu chí không được ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia, chống lạm dụng vị thế độc quyền; nhà khai thác không được làm thay đổi chức năng của công trình; thực hiện quy hoạch, kế hoạch nâng cấp, mở rộng cảng hàng không, sân bay của Bộ Giao thông vận tải....

Cục trưởng Hàng không cho biết, một vấn đề được xem xét kỹ là chống vị thế độc quyền, như hiện trạng nếu một hãng hàng không trúng khai thác sân bay thì sẽ không tạo giá trị gia tăng cho các hãng khác. Trên thế giới nhiều nước đã có hạn chế hãng hàng không quản lý sân bay. Do vậy, cần có quy phạm pháp luật đầy đủ và rõ ràng trong hợp đồng nhượng quyền.

"Xã hội hóa hàng không là vấn đề phức tạp, nên Bộ Giao thông Vận tải rất thận trọng, hoàn thiện cơ sở pháp lý, lập đề án rồi mới có các bước trình Thủ tướng. Với các nhà đầu tư có nguyện vọng được chuyển nhượng, Tổng công ty cảng hàng không sẽ đưa ra phương án với từng công trình", ông Lại Xuân Thanh nói.

Đoàn Loan

Nguồn tin: kinhdoanh.vnexpress.net


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Bình Luận Facebook
Showbiz
Tin thế giới
Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 187
  •   Máy chủ tìm kiếm 2
  •   Khách viếng thăm 185
 
  •   Hôm nay 11,077
  •   Tháng hiện tại 11,077
  •   Tổng lượt truy cập 130,433,162