Từ chuyện đạo nhạc: Ai giúp người trẻ cư xử đúng?

Thứ sáu - 07/11/2014 01:07
Từ chuyện đạo nhạc: Ai giúp người trẻ cư xử đúng? Từ chuyện đạo nhạc: Ai giúp người trẻ cư xử đúng?

Điều đáng nói là cho đến giờ phút này, vẫn chưa có sự thống nhất từ giới chuyên môn, để ít nhất các ca sĩ trẻ và những khán giả biết, đó là đạo hay không đạo.

Khi cơn chỉ trích ca khúc Chắc ai đó sẽ về của Sơn Tùng trong phim Chàng trai năm ấy “đạo” một ca khúc Hàn Quốc còn chưa lắng xuống, Tương tư - một bài hát của nhóm FB Boiz - cũng bị ban tổ chức (BTC) chương trình Bài hát Việt rút lại giải thưởng của tháng vì ca khúc này được sáng tác dựa trên giai điệu một bài hát Hàn Quốc. Điều đáng nói là cho đến giờ phút này vẫn chưa có sự thống nhất từ giới chuyên môn, để ít nhất các ca sĩ trẻ và những khán giả biết, đó là đạo hay không đạo.

Ngay sau khi ra mắt, ca khúc Chắc ai đó sẽ về (Sơn Tùng MPT sáng tác và thể hiện) tạo thành cơn sốt với hơn chục triệu lượt nghe trên bảng xếp hạng của Zing. Nhưng, không lâu sau đó, ca khúc này cũng gây một “cơn sốt” mới về ý kiến chỉ trích khi bài hát có nhiều giai điệu tương đồng với ca khúc Because I Miss You do Jung Yong Hwa - thủ lĩnh của nhóm nhạc CNBLUE - sáng tác và thể hiện trong bộ phim truyền hình Heartstrings (2011) của Hàn Quốc.

Đây không phải là lần đầu tiên Sơn Tùng “gây chuyện”. Ca khúc Em của ngày hôm qua của ca sĩ trẻ này cũng được cho là giống bài hát Every night của nhóm Exid; ca khúc Cơn mưa ngang qua có nhiều điểm tương đồng với bài Sarangi Mareul Deutjianha của nhóm nhạc Namolla (Hàn Quốc); bài Nắng ấm xa dần cũng bị cho là một bản nhái của ca khúc Monologue do nhóm nhạc Kpop As one từng thể hiện; Em đừng đi của Sơn Tùng cũng có một phần giống Still của nhóm Flower (Nhật Bản)…

Từ chuyện đạo nhạc: Ai giúp người trẻ cư xử đúng? 1

Chính vì điều này, cách đây vài tháng, một số bài hát của Sơn Tùng đã bị BTC Bài hát yêu thích gỡ bỏ khỏi bảng xếp hạng. Với ca khúc Tương tư bị BTC Bài hát Việt rút lại giải thưởng của tháng, FB Boiz cũng vướng phải điều tương tự: sáng tác trên “vòng hòa âm” (beat) có sẵn - điều mà bên cạnh ý kiến chỉ trích, nhiều người vẫn cho rằng là điều bình thường trên thị trường nhạc thế giới, thậm chí trên thế giới có nhiều công ty còn được lập ra để bán các beat, và cho dù beat giống nhau, người ta vẫn có thể tạo ra một bài hát độc lập mới hoàn toàn…

Sự tranh cãi đó không chỉ ở người nghe có chút hiểu biết âm nhạc, mà còn nằm ở chính giới chuyên môn. Chính nhạc sĩ Huy Tuấn cũng từng cho rằng Em của ngày hôm qua của Sơn Tùng không phải là “đạo”, nhưng Hội đồng chuyên môn của Bài hát yêu thích mà anh “có chân” trong đó lại thống nhất rút ca khúc khỏi bảng xếp hạng. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, khi nói về Chắc ai đó sẽ về, dù cho rằng bài hát không “đạo” nhưng lại không đồng ý với việc “mượn beat” của Sơn Tùng, xét ở góc độ đạo đức người sáng tác…

Rõ ràng, Sơn Tùng hay FB Boiz đã vi phạm bản quyền khi “mượn” beat mà không hề trả tiền. Tuy nhiên, điều mà công chúng cần biết hơn hết là liệu sáng tác trên beat có sẵn có được công nhận là sáng tạo mới hay không, câu trả lời vẫn chưa tìm thấy. “Chắc ai đó sẽ về là bản hòa âm mới, không phải là hát đè lên hòa âm của ca khúc Hàn Quốc, còn chuyện sáng tác trên beat có sẵn là chuyện rất bình thường”, nhạc sĩ Nguyễn Hà cho biết.

Cũng theo Nguyễn Hà, giới trẻ bây giờ chịu ảnh hưởng của công nghệ trong sáng tạo, đó là điều đương nhiên. Khác với ý kiến này, nhạc sĩ Dương Khắc Linh lại cho rằng, Sơn Tùng đã không biết cách dùng beat có sẵn. “Có nhiều cách sáng tác ca khúc, 'bí' quá thì mượn hợp âm, rồi sau đó hòa âm lại thì không sao, nhưng lấy gần nguyên xi như Sơn Tùng là không được".

Sự ồn ào gần như vượt mức kiểm soát khi mới đây, nhiều khán giả trẻ đã tố Sơn Tùng trên trang của ca sĩ Hàn Quốc bằng những lời lẽ nặng nề: kẻ cắp chuyên nghiệp. Nhiều người lên án giới trẻ ngày nay thiếu hiểu biết khi cư xử, vội vàng “vạch áo cho người xem lưng” khi chưa hề xác định được sự việc đúng hay sai. Nhưng, xét ở góc độ nào đó, giới trẻ - không chỉ khán giả mà còn là người sáng tác, là Sơn Tùng, FB Boiz… - chỉ có thể cư xử đúng khi được hiểu đúng, mà hiểu đúng ở đây cần phải có sự trợ giúp bởi sự thống nhất trong kết luận của những người có chuyên môn.

Điều đó đã không có, như nhạc sĩ Nguyễn Hà: “Sẽ không bao giờ có sự thống nhất nào, khi mà một bên đương nhiên chịu ảnh hưởng của công nghệ theo xu hướng chung, còn một bên là những người không thể theo kịp công nghệ”.

Rõ ràng, khi nhận định của những người có nghề, có uy tín vẫn còn đang “vênh” nhau, nhạc Việt sẽ vẫn tiếp tục còn dài dài chuyện mượn beat, chuyện tố nhau một cách thiếu kiểm chứng.

Nguồn tin: news zing


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Bình Luận Facebook
Showbiz
Tin thế giới
Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 91
  •   Máy chủ tìm kiếm 6
  •   Khách viếng thăm 85
 
  •   Hôm nay 21,574
  •   Tháng hiện tại 972,442
  •   Tổng lượt truy cập 128,590,681