Bố lấy nhầm mẹ kế khiến chúng tôi sống mấy chục năm khổ sở

Chủ nhật - 17/01/2016 22:01
Bố lấy nhầm mẹ kế khiến chúng tôi sống mấy chục năm khổ sở Bố lấy nhầm mẹ kế khiến chúng tôi sống mấy chục năm khổ sở

Mẹ kế tôi rất biết cách sống hai mặt nhưng vì tính thô mà bố lại quá sách vở nên bố cứ tưởng bà thật thà.

Đọc bài “Có nên gửi lại con cho vợ cũ nuôi”, tôi thấy mình cần phải lên tiếng vì có kinh nghiệm thực tiễn của một người con. Hơn nữa, nỗi đau của tình trạng mẹ nọ con kia của chị em tôi càng ngày càng lớn lên, mặc dù tôi đã đến tuổi về hưu. Bố mẹ tôi ly dị vì mẹ ngoại tình (hồi đó còn chiến tranh). Bố nhanh chóng lấy vợ hai, là một người lỡ thì. Bố cho rằng đời mình đã tan nát do người duy nhất bố yêu đã phản bội và cần người chia sẻ việc nuôi con nên cưới người phụ nữ này luôn. Sau này trong họ hàng có vài người đã biết về tính nết của mẹ kế, có nói với anh trai của bố là bố đã lấy nhầm một người rất tệ.

Chị em tôi chấp nhận mẹ kế ngay lập tức nhưng mẹ kế không như vậy. Bà rất ghen tỵ với mẹ tôi. Ngày qua ngày, bà đã khiến bố coi chúng tôi như những món nợ của đời ông. Bà rất biết cách sống hai mặt nhưng vì tính thô mà bố lại quá sách vở nên bố cứ tưởng bà thật thà. Bố không bao giờ nhận ra dã tâm của bà nhằm ly gián chồng với các con riêng, khiến các con chồng khổ đến mức không ngóc đầu lên được. Bà thúc giục bố xin việc cho một cháu họ hàng vì mẹ nó có mâu thuẫn với mẹ ruột của tôi, nhưng lại thuyết phục bố là em tôi làm ngoài ổn, để em tôi không có việc làm.

Một em tôi đi nước ngoài, gửi hàng hóa về cho bố – một tài sản lớn lúc đó. Mẹ kế ép bố bán hết và xây nhà, mua vàng cất giữ. Đến lúc em tôi đi lấy chồng còn vài thứ đồ của riêng nó mua ở nước ngoài, bà bắt phải xin bà mới cho mang đi. Em tôi bỏ luôn. Tôi tự lập, có thể giúp đỡ gia đình bố và các em thì được bà áp dụng đối sách khác. Lúc đầu thì kích động bố là tôi luôn chỉ dành cho bố “cái móng tay”, sau đó ca ngợi tôi là người tốt một cách chung chung, nhưng cụ thể mỗi việc làm hay lời nói tốt của tôi đều được mẹ kế chuyển thành dụng ý xấu trước bố và các em.

Các em con chung của mẹ kế và bố cũng theo đó, rất coi thường các chị. Bố ốm, mẹ kế không báo cho các chị em tôi biết rồi lại than vãn về chúng tôi với bố. Cuối cùng, mẹ kế đã ép được bố tôi sang tên toàn bộ tài sản cho các con của bà, mặc dù các em gái tôi khó khăn hơn nhiều (bố không dám cho chị em tôi biết việc này cho tới tận lúc qua đời). Mấy năm sau đó bố ốm nặng hơn, chỉ có chị em tôi chăm sóc. Con mẹ kế thì bố cấp cứu mà vẫn đi du lịch, đi phượt; bỏ bê cả vợ con và việc này càng làm cho bố đau lòng; một em khác thì vướng ma túy. Các em con mẹ kế như vậy là do bố mẹ chiều chuộng vô lối, mẹ kế quá tham lam và đố kỵ. Trước lúc chết, bố tôi tâm sự với một người cháu: “Không biết tôi đã làm gì nên tội mà khổ thế này”.

Sau khi bố và mẹ kế mất tôi mới biết là trong mấy chục năm, một nhóm đồng nghiệp của bố đã thay phiên nhau nhắc nhở bố quan tâm đến chị em tôi, thậm chí cử hẳn một chú ở cùng khu tập thể đến uống trà với bố hàng ngày để “làm công tác tư tưởng”. Vậy mà vẫn không thắng được bà mẹ kế tôi vì bà có đủ các chiêu, hiệu nghiệm nhất là ca cẩm, kèo nhèo. Các chú cũng không ngạc nhiên khi thấy tôi chu đáo lo liệu tất cả việc gia đình sau tang lễ vì theo các chú thì mấy con trai của mẹ kế lúc này “lo cho thân mình còn không xong”.

Trong khu tập thể có 4 gia đình có mẹ nọ con kia nhưng chỉ ở gia đình tôi, các con riêng của chồng mới khổ sở cả tinh thần và vật chất như vậy. Đó là do ở gia đình họ, người vợ có đạo đức, yêu thương chồng và ngược lại, người chồng cũng yêu thương vợ con. Họ hàng của họ cũng “giám sát” mẹ kế và giúp đỡ những đứa trẻ thiếu mẹ rất chu đáo.

Trong trường hợp cụ thể của bài tâm sự, tôi thấy tác giả là người nghĩ cho con mình nhiều và đã nhận ra được sự thiệt thòi của con ngay từ khi chưa tái hôn. Nên tình hình có thể không tệ nếu con ở với anh, với điều kiện: Một là gia đình mới của anh xuất phát từ tình yêu thương của hai vợ chồng. Hai là anh tinh tế và công bằng, phát hiện ngay các vấn đề trong quan hệ mẹ kế – con chồng và giải quyết có tình có lý, bằng cách thuyết phục là chính. Ba là vợ mới của anh là người tốt, độ lượng và cao thượng. Điều này rất quan trọng, vì trẻ con dễ bị tác động của bên ngoài, đối xử bất công với mẹ kế. Hoặc là chúng nông nổi rồi có những lời nói, hành động làm cho mẹ kế bị tổn thương. Bốn là trong gia đình, việc giáo dục con, nhất là giáo dục lao động và yêu thương được coi trọng nhất.

Anh không cho biết lý do ly hôn để tôi hiểu về vợ anh. Nếu tính tình vợ anh đủ ổn để nuôi dạy con thì anh nên cho con ở với mẹ, để nó có chị có em và để các quan hệ trong gia đình mới đỡ phức tạp. Như thế anh vẫn giữ được hình ảnh đẹp của mình trong lòng các con và các con cũng đỡ thiệt thòi nếu anh thường xuyên quan tâm đến chúng. Tuy nhiên, phải “mặc cả” trước với vợ mới là anh sẽ dành một phần tiền bạc và thời gian cho chúng.

Chúc mọi người thận trọng trước khi có con và có trách nhiệm sau khi có con.

Nhiên

Nguồn tin: vnexpress


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Bình Luận Facebook
Showbiz
Tin thế giới
Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 259
  •   Máy chủ tìm kiếm 1
  •   Khách viếng thăm 258
 
  •   Hôm nay 22,960
  •   Tháng hiện tại 635,730
  •   Tổng lượt truy cập 130,219,499