Con gái sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất từ cách sống của mẹ

Thứ năm - 15/01/2015 18:34
Con gái sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất từ cách sống của mẹ Con gái sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất từ cách sống của mẹ

Chị không thể cho con gái một hình mẫu gia đình toàn vẹn nhưng có nhất thiết phải góp công tạo hình mẫu gia đình “vợ lớn - vợ bé”, lừa trong dối ngoài để con gái chị nhìn vào không?

Gửi chị trong bài “ Vợ của bồ là người có học nên tôi không lo bị trả thù ”. Với những ai nghĩ chị là hình mẫu một người phụ nữ hiện đại thì tôi xin được phép chia sẻ trải nghiệm của mình và cầu mong các bạn hãy thử nhìn ở một phương diện khác để biết phân biệt thế nào là nên và không nên. So với chị, tôi là một cô gái còn rất trẻ, sống và làm việc ở Mỹ. Tiếp xúc với những con người ở đây tôi tin rất nhiều người Việt Nam đồng ý rằng đó là thiên đường, đỉnh cao của hiện đại và phát triển. Tôi cảm nhận được hầu hết người ở đây không ai đề cao việc ngoại tình, bắt cá nhiều tay, hay sống vật chất, lợi dụng tình cảm của người đàn ông/phụ nữ đã có gia đình khác để làm lợi cho mình.

Tôi thấy chúng ta - những người chưa có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với nền văn hóa khác, chỉ chủ yếu qua truyền thông đã nhầm lẫn nặng nề giữa quan niệm về tự do tình dục và giá trị đạo đức của người phương Tây. Đúng là người phương Tây không đặt nặng về vấn đề trinh tiết hoặc tình dục, đó chỉ là họ không dùng hành động đó để đánh giá về đạo đức của bạn. Xin lỗi nếu tôi có thể nói hơi thô một chút nhưng việc chị này ly dị chồng, dù chị có quan hệ tình dục với người đàn ông nào đi nữa thì đó cũng không phải là điều tôi quan tâm. Nhưng nếu chị quan hệ với người đã có gia đình, lại còn chủ tâm yêu vì tiền bạc của người ta, tính toán như chị thì ở trong xã hội này, họ sẽ không bao giờ xem trọng một người như vậy.

Một người học cao ở bên này thường đi kèm với việc họ phải là người cực kỳ bản lĩnh và chăm chỉ bởi học cao học ở đây cần không chỉ tiền mà bạn phải rất giỏi, có đạo đức tốt để phục vụ xã hội; một khi thấm vào máu giá trị của việc lao động để đạt được cái mình muốn thường họ sẽ không sống dựa dẫm, tầm gửi như chị. Đạo đức trong một xã hội văn minh nó đi liền với việc bạn định nghĩa như thế nào về giá trị của bản thân, một phần lớn điều đó rút ra từ việc bạn đối xử như thế nào với những con người khác. Tôi không bàn luận vấn đề trong khuôn khổ hôn nhân gia đình.

Nhìn từ góc độ mối quan hệ giữa con người với con người, chị đang lợi dụng lòng tin và sự quý mến của người khác để chuộc lợi cho mình, lấy những cái (cả tình cảm và vật chất) không phải do sức lao động của chị đánh đổi để tạo ra. So với người vợ kia, về mặt pháp lý lẫn cuộc sống thực tế, chị có góp công sức gì (trong việc kinh doanh hoặc xây dựng gia đình, trách nhiệm với nội ngoại của người ta) để có tư cách “Vợ cả có thế nào thì tôi cũng phải được một phần như thế”.

Ngay cả khi người đàn ông kia có tự nguyện thì không có nghĩa cái gì người ta dâng cho chị (nhất là thứ anh ta cho đi cũng dựa trên việc lợi dụng lòng tin và sự yêu thương của một người đàn bà khác để lấp liếm) cũng là thứ nên nhận nếu chị có lòng tự trọng. Nó giống như chị không đòi một món đồ vốn không thuộc về chị, nhưng chị biết có người sẽ sẵn sàng lừa dối, cướp từ tay người khác để mang đến cho chị, và lý do chị đưa ra để bao biện cho cái việc “nhận đồ ăn cắp” đó là “Tôi đâu có đòi hỏi, người ta cho thì tôi cứ lấy thôi vì tôi thích mà”. Ví thử là như thế, chị thấy thế nào?

Đọc bài của chị tôi cảm thấy rất buồn cười vì cách lý luận, nghe có vẻ là chị tính kỹ lắm nhưng tôi thấy chị đơn giản là người không có đạo đức chứ hoàn toàn chẳng có một lối sống nào ở đây cả; chỉ vì sống như chị đối với tôi không phải là sống. Dù tuổi đời tôi không bằng chị và nhiều độc giả ở đây nhưng tôi rất coi trọng trải nghiệm của một con người và tin đó là thước đo rất quan trọng cho nhận thức của bạn về lối sống và đạo đức.

Chia sẻ chân thành với mọi người, tôi là đứa con gái lớn lên trong một gia đình nhiều sóng gió. Hơn 10 năm trời sống cùng gia đình, tuổi thơ tôi trải qua là những sự lừa dối, phản bội, lợi dụng của ba dành cho mẹ, rồi mẹ tôi thay đổi tính cách vì ba. Từ một đứa bé tám tuổi nhiều ước mơ màu hồng, đặt trọn niềm tin yêu vào cả ba và mẹ, ở cái tuổi đó tôi đã phải tìm câu trả lời cho câu hỏi nên tin ba hay tin mẹ, nên theo ba hay theo mẹ, điều gì mới là sự thật, là lẽ đúng?

Có nhiều câu chuyện chi tiết mà tôi không tiện kể ra nhưng các bạn có biết đó phải là một đòn tâm lý nặng nề như thế nào, nó không phải chỉ là những khoảnh khắc, đó là cả một quá trình dày vò dài mãi cho đến giờ bởi ba mẹ tôi vẫn sống cùng nhau, còn đứa em nhỏ của tôi không hiểu về những chuyện quá khứ, không đi qua cái quãng thời gian đó như tôi, quan trọng là em không mất đi tuổi thơ mãi mãi như tôi.

Tâm sự điều này cùng mọi người để tôi muốn nói với chị và các người mẹ khác với tư cách là một người con, đặc biệt là con gái. Mẹ tôi từng là một người phụ nữ rất “dịu dàng, đôn hậu, có học”, nhưng vì nỗi đau phản bội và sự lừa dối quá lớn của ba tôi mà mẹ tôi thay đổi rất nhiều, trở thành một con người nóng nảy, có phần rất đanh đá, ghê gớm. Nói như thế để cảnh báo cho chị biết, “con giun xéo mãi cùng quằn”, người ta không thèm tạt axit vào chị chẳng qua vì chị không đáng để người ta phải đánh mất mình, làm những chuyện vô ích như vậy. Nhưng mỗi người có cách trả thù riêng, càng những người hay im lặng, khéo léo, có học thì họ càng trả thù thâm sâu, dai dẳng, chẳng qua là âm thầm nên chị chưa thấy được thôi.

Tiếp nữa, chị nói chị không sợ vì chẳng còn gì để mất, thế chị để con gái của mình đi đâu? Bản thân tôi khoảng bốn năm nay không hề nói chuyện một câu với ba. Khi tính tình mẹ thay đổi, bà vô tình đẩy tôi ra xa hơn mặc dù mẹ con tôi rất thương nhau nhưng tôi không thấy hạnh phúc, vui vẻ khi ở gần mẹ. Chuyện gia đình đã khiến tôi trở nên rất trầm cảm, bị stress nặng. Chính những vấn đề và quyết định của cha mẹ trong gia đình ảnh hưởng rất nhiều đến quan niệm và cái nhìn về hạnh phúc của con cái. Có một thời gian tôi bị mất niềm tin vào con người, sống khép kín và rất tự vệ.

Tôi cũng gặp nhiều khó khăn trong tình yêu nam nữ bởi chính sự cam chịu, chấp nhận sống với người không phù hợp của mẹ và tình thương đầy áp lực mẹ dành cho tôi trong suốt năm tháng tuổi thơ ăn sâu vào tâm thức, khiến tôi khó có lựa chọn tốt trong cuộc sống trưởng thành của mình. Nói vậy để chỉ ra rằng, chị có như thế nào, làm gì thì người chịu ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là con gái chị. Chị đang dạy con gái quan niệm gì về hạnh phúc và tình yêu? Hạnh phúc là bất chấp việc chà đạp lên lòng tin của người khác để có điều mình muốn? Tình yêu là được xây dựng trong bóng tối, sự dối trá, lấp liếm?

Chị không thể cho con gái một hình mẫu gia đình toàn vẹn nhưng có nhất thiết phải góp công tạo hình mẫu gia đình “vợ lớn - vợ bé”, lừa trong dối ngoài trong xã hội để con gái chị nhìn vào không? Chị tưởng một lúc nào đó, sự thành thật đáng khinh của mình với con gái sẽ là sự giải thoát cho tâm hồn dối trá của chị sao? Chị không đặt mình vào cuộc sống của con gái mình thử xem sao. Rồi bé sẽ lớn lên, hình thành nên quan điểm của riêng mình, bé phải đánh giá câu chuyện này như thế nào? Niềm tôn trọng và niềm tin với chị có còn không? Hoặc giả sử bé yêu thương chị nhiều sẽ phải đối diện với dư luận thế nào bởi xã hội Việt Nam còn rất nhiều gia đình nhìn vào người mẹ để đánh giá khả năng làm vợ, làm mẹ của đứa con gái.

Tôi khuyên chị nên kiếm người đàn ông nào không có vợ mà yêu đương. Cách phản biện của chị không thuyết phục với tôi, việc chị là mẫu phụ nữ thích được lựa chọn một người trong số những người tự động đến với chị không nhất thiết đồng nghĩa với việc chị phải chọn một người đã có gia đình. Chị vồn vã cần phải lựa ngay tức khắc một ai đó, chị túng tình đến mức bán rẻ danh dự bản thân thế sao? 

Cuối cùng, tôi cảm thấy con người chị hỏng nặng nhất ở quan niệm tiền bạc. Đúng, chúng ta ai cũng đều cần tiền nhưng người tốt họ hiểu đó là phương tiện hoặc một trong nhiều cách để biểu hiện chứ không phải là lẽ sống. Thái độ của chị về đồng tiền nhận và cho mới đánh giá được giá trị thật của nó nên đừng so sánh việc vợ người ta cần lấy tiền chồng mang về với chuyện của chị mưu cầu tiền của bồ. Vợ người ta cần tiền để lo chợ búa, sữa bỉm cho con, dè xẻn để vun vén gây dựng gia đình, còn chị cần tiền của bồ để lo cho ấm thân chị trong áo lụa mà khỏi phải bôn ba tự lao động chi cho mệt.

Tôi không viết những điều này với hy vọng để thay đổi con người chị. Tôi không là thánh nhân, càng không muốn hao tâm tổn sức bởi chính mình học được điều này về cuộc sống: Chẳng ai có thể thay đổi một người trừ khi chính bản thân người đó muốn thay đổi, mà thường họ chỉ muốn thay đổi khi đã nhận một hậu quả đắng cay nào đó. Một điều tôi luôn thắc mắc, không hiểu mục đích và động cơ của chị khi kể những chuyện này trên mạng làm gì? Tại sao có nhu cầu tâm sự khi chính chị đang nhận là mình rất thỏa mãn với cuộc sống hiện tại? Nếu chị cảm thấy vui, hãy vui niềm vui riêng đó, viết lung tung thế này có khi bồ, vợ bồ hay người quen bắt được thì chẳng hay ho đâu.

Gửi những người còn kiếm lý do để thông cảm với chị: Nếu các bạn dư sức để kiếm được những lý do bao biện cho sự lợi dụng và phản bội, chi bằng dùng sức lực đó để vun đắp tâm hồn sống cho trong sáng, kiên định, dũng cảm để không phải kiếm lý do bao biện cho chính mình sau này. Hãy sống tốt để bạn có thể lên đây chia sẻ về một xã hội giàu đạo đức, lòng nhân ái con người và xã hội đó bắt đầu từ mỗi gia đình.

Hoa

Nguồn tin: vnexpress


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Bình Luận Facebook
Showbiz
Tin thế giới
Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 125
  •   Máy chủ tìm kiếm 4
  •   Khách viếng thăm 121
 
  •   Hôm nay 6,491
  •   Tháng hiện tại 66,524
  •   Tổng lượt truy cập 130,488,609