Thể diện của nền bóng đá và “khẩu dụ” ở VFF

Thứ sáu - 16/01/2015 06:57
Thể diện của nền bóng đá và “khẩu dụ” ở VFF Thể diện của nền bóng đá và “khẩu dụ” ở VFF

Dân trí Trong khi ý kiến từ phía Bộ VH-TT&DL là không nên để người hâm mộ thất vọng tại SEA Games 28, thì cái khẩu dụ trước đó từ lãnh đạo VFF về chuyện “cấy” lứa gà nòi của bầu Đức đến Singapore xem ra có thể làm mất mặt bóng đá Việt Nam.

Sự ngộ nhận tai hại

Một khi ông chủ tịch VFF công khai phát biểu theo kiểu so sánh lứa Công Phượng và các đồng đội với những tượng đài sững sừng của bóng đá nội gồm Thể Công và Cảng Sài Gòn, thì điều đó cho thấy gì?

Chẳng có gì tương thích để so sánh về mặt chuyên môn ở đây cả, vì Thể Công hay Cảng Sài Gòn đã gắn với những tên tuổi lừng lẫy làm nền một phần lịch sử của bóng đá nước nhà, trong khi lứa Công Phượng và đồng đội chưa là gì cả.

Ngay cả về mức độ được hâm mộ, cũng không thể đem chuyện dàn cầu thủ của HA Gia Lai đi đến đâu gây hiệu ứng sốt vé đến đó ra để so sánh, bởi bản chất của hiện tượng sốt vé cũng khác nhau.

Ngày trước người ta đến với Thể Công, với Cảng Sài Gòn là đến vì tình yêu, vì một niềm tự hào. Tình yêu ấy, niềm tự hào ấy còn theo nhiều người đến tận bây giờ, dù 2 đội bóng trên đã không còn tồn tại. Riêng hiện tại, nhiều người đến xem Công Phượng và các đồng đội đôi khi chỉ vì hiếu kỳ, vì hiệu ứng đám đông.

Thể diện của nền bóng đá và “khẩu dụ” ở VFF 1
Đội tuyển U23 dự SEA Games phải là tập hợp những cầu thủ tốt nhất trong độ tuổi

Những cơn sốt vé và sự quan tâm ấy giống với cơn sốt trong giới showbiz nhiều hơn là những gì mà người ta thường thấy trong bóng đá (riêng báo chí còn đăng tải hình ảnh lứa đấy từ phòng thay đồ cho đến… nhà tắm).

Điều đáng tiếc đối với một người đứng đầu một nền bóng đá khi ông phát biểu như thế, là chính ông cũng ngộ nhận vai trò của mình với một khán giả bình thường, cũng thích hiệu ứng đám đông, cũng hiếu kỳ vì cái hiện tượng trước mắt mà chưa tường tận bản chất.

Nhưng cái tai hại nằm ở chỗ sự ngộ nhận đấy lại xuất hiện nơi một người đang nắm trong tay cả vận mệnh của một nền bóng đá, nên những phát biểu thiếu chín chắn của người đứng đầu VFF có thể trở thành “khẩu dụ”, khiến cả làng cầu đi chệch đường.

Thể diện của một nền bóng đá

Mới đây, phía Bộ VH-TT&DL dù không giao chỉ tiêu cụ thể, nhưng có mong muốn rằng đội tuyển U23 Việt Nam đừng gây thất vọng cho người hâm mộ ở SEA Games 28.

Mà muốn đội tuyển không gây thất vọng thì đội tuyển đấy phải đủ mạnh và phải được dẫn dắt bởi HLV phù hợp. Chỉ có điều, đội tuyển U23 sắp dự SEA Games có mạnh nổi hay không thì phải nhìn vào khẩu dụ trước đó của ông chủ tịch VFF.

Chính người đứng đầu cơ quan quyền lực cao nhất của bóng đá Việt Nam từng phát biểu như mở đường cho lứa U19 năm ngoái lên đội tuyển, trong khi thấy rõ là không phải cầu thủ nào trong lứa U19 đấy cũng phù hợp để khoác áo đội tuyển U23.

Ngay đến lứa cầu thủ của bầu Đức, quanh đi quẩn lại có lẽ chỉ có Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường là nổi nhất, chứ không phải tất cả cầu thủ trong độ tuổi “U19+” của bầu Đức là đáng được gọi lên tuyển.

Ví như Văn Toàn làm gì có suất đá chính thì chắc gì đã hay hơn Mạc Hồng Quân, rồi Văn Sơn biết công chứ không biết thủ sao sánh được với Quế Ngọc Hải ở vị trí hậu vệ phải.

Ngay đến Tuấn Anh và Xuân Trường cũng chưa chắc được đá chung với nhau nếu xét về chuyên môn ở tuyển U23, vì ở đấy nếu chọn cho đúng còn có Huy Hùng đã chứng tỏ được mình ở AFF Cup 2014.

Người ta cũng thắc mắc sao đội tuyển U23 dự SEA Games 2015, theo danh sách sơ bộ có quá nhiều cầu thủ sinh năm 1995, trong khi những người sinh 1992, 1993 vẫn đủ tuổi đá giải đấy, nhưng lại khá hạn chế. Cái đấy cũng xuất phát từ “khẩu dụ” của ông chủ tịch VFF về chuyện “thành phần dự SEA Games 2015 phải đủ tuổi đá SEA Games 2017”.

Ở đâu cũng cần trẻ hóa, nhưng trẻ hóa cũng phải có lộ trình, rồi trẻ hóa cũng phải nhìn lại thể diện của cả nền bóng đá nói chung, chứ đâu thể chỉ để phục vụ một nhóm cầu thủ, xuất thân từ một học viện.

Ví như những người đang ngồi ghế lãnh đạo cao nhất của VFF, vốn đang điều hành các doanh nghiệp lớn, họ có dám tuyển toàn bộ sinh viên mới ra trường vào làm ở doanh nghiệp mình, rồi thay hết nhân viên cũ đi không?

Làm thế thì lấy ai đào tạo ai? Có phải vì tương lai của doanh nghiệp không? Thành ra đừng bỏ qua yếu tố kinh nghiệm, bởi trẻ hóa cũng phải đúng phương pháp. Chứ thử tuyển nhân sự kiểu đấy xem vài năm nữa doanh nghiệp do họ làm chủ có phát triển tốt lên không? Hay phải dẹp tiệm?

Kim Điền

Nguồn tin: Báo điện tử Dân Trí


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Bình Luận Facebook
Showbiz
Tin thế giới
Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 98
  •   Máy chủ tìm kiếm 5
  •   Khách viếng thăm 93
 
  •   Hôm nay 27,289
  •   Tháng hiện tại 139,322
  •   Tổng lượt truy cập 128,737,500