Tranh cổ động kháng chiến của Việt Nam trong mắt họa sĩ nước ngoài

Thứ bảy - 21/03/2015 18:11
Tranh cổ động kháng chiến của Việt Nam trong mắt họa sĩ nước ngoài Tranh cổ động kháng chiến của Việt Nam trong mắt họa sĩ nước ngoài

Bắt mắt, không tốn kém và hiệu quả, những bức tranh và áp phích cổ động của các họa sĩ thời chiến ở Việt Nam mang những thông điệp có khả năng trường tồn với thời gian, họa sĩ Richard Di San Marzano nhận định.

Tranh cổ động kháng chiến của Việt Nam trong mắt họa sĩ nước ngoài 1

Một bức tranh cổ động của Việt Nam trong bộ sưu tầm của ông Richard Di San Marzano. Ảnh: CNN

Từ các cuộc đấu tranh hậu thuộc địa đến cuộc kháng chiến thống nhất đất nước sau Hiệp định Geneva năm 1954, các họa sĩ Việt Nam luôn đóng vai trò then chốt trong việc truyền tải thông điệp đến chiến trường và người dân khắp hai miền.

Bắt mắt, không tốn kém và hiệu quả, những bức tranh và áp phích cổ động của các họa sĩ thời chiến dù không tồn tại lâu nhưng lại mang những thông điệp có khả năng trường tồn với thời gian.

"Các áp phích là một tài liệu lịch sử nhưng cũng thể hiện việc sử dụng hội họa và sự phát triển của các họa sĩ trong nước", Richard Di San Marzano, quản lý một bộ sưu tầm tranh cổ động Việt Nam và một triển lãm sắp diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh, nói.

Theo ông Marzano, bộ sưu tầm do Dominic Scriven, một nhà đầu tư ngân hàng người Anh chuyển đến sống ở Việt Nam vào những năm 1990, khởi xướng. Nó có khoảng 1.000 mẫu gốc.

'Chiến sĩ trên mặt trận văn hóa'

Các áp phích cổ động của Việt Nam được sáng tác trong suốt thời gian cuộc chiến tranh chống Mỹ đang diễn ra khiến chúng vừa có tính thời sự vừa mang phong cách riêng, ông Marzano nhận xét.

Đánh đuổi ngoại xâm và ca ngợi các thành tích chiến đấu như bắn rơi máy bay Mỹ là những nội dung phổ biến trong các bức tranh này, bên cạnh những biểu tượng của quốc gia như hoa sen và hình ảnh thân thuộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những phụ nữ cũng xuất hiện trong tranh ở nhiều vai trò, nhưng đặc biệt và độc đáo nhất đó là người lính tiền tuyến, ông Marzano nói.

Tranh cổ động kháng chiến của Việt Nam trong mắt họa sĩ nước ngoài 2

Những người phụ nữ xuất hiện trong tranh cổ động ở nhiều vai trò, nhưng đặc biệt và độc đáo nhất đó là người lính tiền tuyến. Ảnh: CNN

Một điểm khác biệt quan trọng của tranh tuyên truyền của Việt Nam so với Xô viết và Trung Quốc mà ông khám phá ra đó là hầu hết các bức tranh đều có chữ ký của họa sĩ.

"Tôi rất ngạc nhiên khi nhìn thấy các chữ ký trên khoảng 80% số áp phích", ông nói.

Marzano sau đó lần tìm đến nơi sinh sống của một số họa sĩ và bắt tay vào dự án bảo tồn và lập danh mục càng nhiều áp phích càng tốt, trước khi chúng biến mất vĩnh viễn.

Trong những cuộc phỏng vấn với các họa sĩ, ông Marzano được dịp nghe kể lại nhiều câu chuyện "dựng tóc gáy" khi họ đồng hành cùng các du kích hay được cử đến những ngôi làng bị địch kiểm soát để vẽ tranh và khẩu hiệu.

Nếu bị bắt, họ sẽ bị tống vào tù hoặc thậm chí bị tra tấn.

Tuyên truyền nhưng vẫn thấm đẫm dấu ấn cá nhân

Bản thân là một họa sĩ, ông Marzano đã cất công nhiều năm để vẽ ra một bức tranh tổng thể về tầm quan trọng của tranh cổ động ở Việt Nam và về những người đã tạo chúng, từ khi lập danh mục cho bộ sưu tầm vào năm 2007.

Thời Pháp thuộc, các trường mỹ thuật được thành lập ở khắp Việt Nam và dạy cho sinh viên về truyền thống hội họa cổ điển của châu Âu.

Tuy nhiên, từ sau năm 1945, Hiệp hội Mỹ thuật được thành lập với thành viên bao gồm cả các sinh viên hội họa lẫn những họa sĩ không được đào tạo chính quy, chủ yếu xuất thân từ nông thôn.

Vào thời điểm đó, chủ nghĩa hiện thực xã hội của Xô viết là phong cách chủ đạo của hiệp hội, theo lý thuyết của chủ nghĩa Lenin rằng "nghệ thuật không phải là nghệ thuật nếu không mang ý nghĩa tuyên truyền".

Tuy nhiên, trong các bức tranh tuyên truyền đó, ông Marzano rất ngạc nhiên khi nhận thấy dấu ấn nghệ thuật cá nhân nổi bật.

Phác thảo ở mặt sau, giấy phế liệu

Tranh cổ động kháng chiến của Việt Nam trong mắt họa sĩ nước ngoài 3

Các bức tranh cổ động được sáng tác rất nhanh chóng và thường là trên chiến trường, nơi sơn và giấy vẽ rất hiếm. Ảnh: CNN

Nhiều áp phích trong bộ sưu tầm có những nét vẽ phác thảo cuộc sống ở mặt sau. Ông Marzano tin rằng đó là cách sử dụng tối ưu nguyên vật liệu chứ không phải là thể hiện bản thân.

Được sáng tác rất nhanh chóng và thường là trên chiến trường, nơi sơn và giấy vẽ rất hiếm, đặc biệt là vào thời điểm leo thang của cuộc chiến năm 1965, nhiều áp phích được vẽ trên mặt sau của bất cứ vật liệu gì sẵn có, trong đó có cả bản đồ và những áp phích khối Xô viết.

Bất kể được đào tạo chính quy hay không, ông Marzano nhận thấy có một điểm chung trong các họa sĩ Việt Nam thời đó là niềm tự hào của mỗi người khi họ được đóng góp cho đất nước.

"Tôi không nghĩ rằng đây là sáng tác tranh tuyên truyền", họa sĩ Phạm Thanh Tâm nói. "Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng đó là một cách để giúp công chúng thấu hiểu".

Anh Ngọc (theo CNN)

Nguồn tin: vnexpress


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Bình Luận Facebook
Showbiz
Tin thế giới
Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 221
  •   Máy chủ tìm kiếm 2
  •   Khách viếng thăm 219
 
  •   Hôm nay 16,122
  •   Tháng hiện tại 235,899
  •   Tổng lượt truy cập 130,657,984