Thế giới của những chiến binh IS nhí

Thứ sáu - 13/03/2015 07:05
Thế giới của những chiến binh IS nhí Thế giới của những chiến binh IS nhí

Nhà nước Hồi giáo lợi dụng những đứa trẻ với tâm lý chưa ổn định, nhồi nhét vào đầu các em tư tưởng cực đoan, từ đó biến chúng thành công cụ sẵn sàng chết trên chiến trường.

Thế giới của những chiến binh IS nhí 1

Hình ảnh Muhammad Musallam, người bị nghi là gián điệp tình báo, trong video hành quyết Nhà nước Hồi giáo đăng tải hôm qua. Ảnh: Times of Israel/Youtube.

Nỗ lực nhằm xây dựng một cộng đồng riêng của Nhà nước Hồi giáo (IS) chưa dừng lại ở việc tuyển mộ các thành viên nữ giới, chúng nay còn mở rộng sang lôi kéo, cưỡng ép cả trẻ em gia nhập tổ chức. Những tay súng ngoại quốc muốn "sống dưới là cờ đen" được IS khuyến khích mang theo cả gia đình đến Iraq và Syria.

Nhóm này hôm 10/3 đăng tải video có hình ảnh một chiến binh nhí bắn chết thanh niên Israel gốc Arab do nghi ngờ người này là gián điệp. Phiến quân nhỏ tuổi mặc đồng phục quân đội, cầm súng, đứng đối mặt rồi bắn vào đầu nạn nhân và hô lớn "Alllahu Akbar!" (Đấng tối cao vĩ đại).

Tháng 11/2014, IS phát tán một video giới thiệu về "những người anh em mới từ Kazakhstan". Nhóm khủng bố ghi lại cách chúng huấn luyện những đứa trẻ trở thành chiến binh của tổ chức. Các bé trai xuất hiện trong đoạn băng chen chúc trên chiếc xe buýt để đến một lớp học mà IS miêu tả là "căn cứ tối thượng nuôi dưỡng lớp chiến binh của tương lai". Tại đây, các em được thực hành nhiều bài tập chiến đấu, sử dụng súng trường, học cách tước vũ khí của đối phương.

Một báo cáo của Liên Hợp quốc (UN) về tội ác chiến tranh ở Syria chỉ ra rằng việc IS nhồi nhét vào đầu giới trẻ những tư tưởng cực đoan là "cách để chúng đảm bảo sự trung thành lâu dài từ các em" và tạo ra "những đội quân chiến binh coi bạo lực như một yếu tố không thể thiếu của cuộc sống". IS hiện thực hóa mục tiêu này một cách có hệ thống và bài bản.

Chiêu đào tạo, dụ dỗ

Thế giới của những chiến binh IS nhí 2

Trẻ em Raqqa, Syria với lá cờ đen của IS. Ảnh: AP

Theo Guardian, trẻ em trong tay IS phải trở thành công cụ trên chiến trường hay làm con tốt thí trong các cuộc đánh bom liều chết. Đối với IS, các em không khác gì những lá chắn sống hay bình máu di động, sẵn sàng phục vụ chúng khi cần.

IS còn giao nhiệm vụ cho những bé trai, nhiều khi chưa đến 13 tuổi, mang vũ khí bên mình, canh giữ tại những vị trí chiến lược trên tiền tuyến hay đi bắt giữ dân thường. Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) cho hay đến nay có hàng trăm đứa trẻ phải bỏ mạng vì cuộc chiến của IS.

Nhóm cực đoan này quản lý rất nghiêm ngặt các biện pháp giáo dục đối với trẻ em sống trong lãnh thổ chúng kiểm soát. Theo một giáo viên ở Raqqa, thành trì của quân khủng bố tại Syria, IS coi những bộ môn như triết học, khoa học, lịch sử, nghệ thuật, thể dục thể thao... là không phù hợp với đạo Hồi.

"Lũ trẻ dưới 15 tuổi phải đến các trại sharia tập trung để học về tín ngưỡng và tôn giáo", Vice News dẫn lời ông nói. Những em trên 16 tuổi có thể gia nhập trại huấn luyện quân sự và không lâu sau sẽ hiến thân mình cho tổ chức trên chiến trường. Tuy nhiên, trong các video tuyên truyền IS đưa ra, những đứa trẻ còn ít tuổi hơn nhiều vẫn được dạy cách sử dụng vũ khí.

Phương pháp tuyển mộ và đào tạo trẻ em của IS là dấu hiệu cho thấy chúng đang xây dựng một "tổ chức tổng thể". Nhà xã hội học Erving Goffman định nghĩa đây là một cộng đồng có sự kiểm soát độc quyền cuộc sống của thành viên ở các mức độ khác nhau. IS cũng có xu hướng huấn luyện các chiến binh ở độ tuổi ngày càng trẻ. Bằng cách này chúng sẽ đảm bảo được số lượng thành viên trung thành ở thế hệ kế cận.

Người dân Raqqua cho biết IS đã dạy chiến binh nhí cách chặt đầu người khác và trao cho chúng búp bê để thực hành. "Khi IS đến thị trấn, cháu thấy thích cái cách mà họ ăn mặc. Họ trông như một băng đảng. Họ có rất nhiều loại vũ khí. Thế nên cháu tới nói chuyện với họ và quyết tâm đến trại huấn luyện Kafr Hamra ở Aleppo", HRW dẫn lời một chiến binh nhí IS nói. Cậu bé này nhập trại khi mới 16 tuổi nhưng những kẻ cầm đầu vẫn chưa hài lòng bởi chúng cần những người trẻ hơn thế.

Vì nhắm đến việc tạo ra một kiểu chiến binh hoàn toàn mới nên đối với IS,  khi thu nhận những đứa trẻ với tâm lý còn chưa ổn định chúng sẽ dễ dàng tiêm nhiễm vào đầu các em tư tưởng cực đoan, bạo lực hơn, chuyên gia tâm thần học Otto Kernberg lý giải.

Amr, một đứa trẻ khác, thì cho biết cậu tham gia vào một tổ chức ngầm chuyên thu thập thông tin về chính quyền Syria cho IS lúc mới 15 tuổi. Khi chính thức trở thành tay sai cho nhóm, cậu được giao một khẩu súng trường Kalashnikov, đồng phục quân đội và áo chống đạn.

IS thường xuyên dụ dỗ Amr và những đứa trẻ khác trở thành phần tử đánh bom tự sát. Khoảng vài trăm người đã đồng ý thực hiện sứ mệnh này. Theo Amr, cậu cảm thấy một áp lực vô hình nào đó từ xã hội thôi thúc cậu "tình nguyện" đi tới chỗ chết.

Ở Raqqa, IS mua chuộc các bậc cha mẹ bán con em mình cho tổ chức hay dùng tiền để dẫn dụ những đứa trẻ. Các chiến binh nhí đầu quân cho IS hàng tháng được trả khoảng 100 USD.

Tuy nhiên không phải lúc nào các tân binh cũng hoàn toàn tự nguyện. Trẻ em thuộc  các dân tộc thiểu số như Kurd hay Yazidi thường bị bắt cóc và ép phải gia nhập IS.

Năm ngoái, IS bắt giữ khoảng 600 học sinh người Kurd đang trên đường tới Aleppo để tham dự một kỳ thi. Chúng buộc các em phải học tập theo "phương pháp" của IS.

Nhóm cực đoan cho lũ trẻ xem những đoạn băng chặt đầu hay tấn công liều chết và khuyến khích các em tử vì đạo. Một bác sĩ ở Raqqa nói với HRW rằng ông từng điều trị cho một bé trai, khoảng 10 đến 12 tuổi. Nhiệm vụ của cậu là dùng roi tra tấn tù binh.

Những sang chấn tâm lý

Theo Guardian, dùng trẻ em làm chiến binh thật sự là một tội ác chiến tranh. Một nghiên cứu trên 300 đứa trẻ từng là binh sĩ ở Uganda cho thấy gần một phần ba trong số này mắc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD). Hai phần ba còn lại đều gặp các vấn đề về hành vi và cảm xúc. Hầu hết các em luôn trong tình trạng hồi hộp, lo âu. Việc liên tục phải chứng kiến các hành động phi đạo đức, dã man, dễ khiến các em quên đi khái niệm về mất mát hay thương cảm.

Số ít những đứa trẻ tránh được các ảnh hưởng về sức khỏe lại hình thành một thứ cảm giác thích thú đối với bạo lực. Dường như chúng đã học cách để cảm thấy thỏa mãn trước cảnh giết chóc, theo nghiên cứu của bác sĩ tâm lý Roland Weierstall cùng đồng nghiệp.

Liệu IS có chủ trương tạo ra một xã hội ham thích giết chóc và bạo lực hay không? Đến nay, vẫn chưa thể xác định mục đích cuối cùng của chúng là gì. Nhưng dù kết quả có ra sao thì những việc IS đang thực hiện ở Iraq và Syria chắc chắn sẽ khiến cả một thế hệ chịu thương tổn sâu sắc, đồng thời tạo ra một loạt thách thức mới.

"IS đã đưa việc lạm dụng trẻ em lên mức độ công nghiệp. Chúng đang tàn bạo hóa, hung ác hóa giới trẻ. Điều này sớm muộn sẽ biến thành một vấn đề của nhiều thế hệ", trung tướng HR McMaster, chuyên gia dự đoán các mối đe dọa và lên kế hoạch cho tương lai của quân đội Mỹ, nhận định.

Thế giới của những chiến binh IS nhí 3

Thành phố Aleppo và Raqqa ở Syria. Đồ họa: BBC.

Vũ Hoàng (theo Guardian)

Nguồn tin: vnexpress


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Bình Luận Facebook
Showbiz
Tin thế giới
Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 111
 
  •   Hôm nay 3,630
  •   Tháng hiện tại 772,510
  •   Tổng lượt truy cập 130,356,279