Kỷ niệm không thể nào quên

Thứ tư - 08/04/2015 12:57
Kỷ niệm không thể nào quên Kỷ niệm không thể nào quên

Dù thời gian có trôi mãi, nhưng kỷ niệm về một chuyến đi, những con người New Zealand có lòng hào hiệp, thiên nhiên tươi đẹp của đất nước này vẫn còn đọng lại trong ký ức của tôi. (Lê Thị Phước Hoàn)

Vào tháng 3/2003, đoàn tham quan chúng tôi gồm 33 giáo viên Việt Nam đến Dunedin - một thành phố ở phía Nam của New Zealand khi nắng chiều vừa tắt. Bà Erica - Trưởng phòng đối ngoại và bà Ruth - nhân viên phụ trách về ẩm thực của trường Đại học Dunedin ra đón chúng tôi tại sân bay. Từ sân bay đến trường đại học là một quãng đường dài rất xa. Chúng tôi đi qua những cánh đồng cỏ và đồng lúa rộng mênh mông trải dài ở hai bên đường. Những con cừu và con dê đang ăn cỏ. Hình ảnh này gợi nhắc cho tôi nhớ về quê hương Việt Nam với những cánh đồng ruộng lúa bao la, cò bay thẳng cánh.

Kỷ niệm không thể nào quên 1

Sân trường Đại học Dunedin.

Đến trường lúc 20h, những ông và bà chủ nhà trọ đã đợi sẵn trong phòng họp. Bà Erica đưa cho tôi 2 danh sách tên của giáo viên trong đoàn và tên của chủ nhà trọ để tôi gọi tên theo từng cặp. Mọi người lần lượt lấy hành lý đi theo chủ nhà trọ về nhà. Cuối cùng, trong phòng chỉ còn 4 người (bà Erica, bà Ruth, tôi và một người đàn ông nữa). Ông ta nhìn tôi chăm chú như chờ đợi một điều gì. Tôi chợt hiểu ra rằng là tôi quên gọi tên chính mình và ông ta. Tôi “chữa cháy” bằng một nụ cười đầy thiện cảm và nói: “Ah! Người cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọn , đó là bà Lê thị Phước Hoàn đi theo ông Ken Dodds”. Cả 4 người đều cười nói vui vẻ rồi chào tạm biệt ra về. Tôi ngoan ngoãn đi theo ông chủ nhà trọ về nhà.

Về đến nhà, hơn 21h, bà chủ vui vẻ chào hỏi, giới thiệu hai đứa con - Ethan và Olivia, rồi chỉ cho tôi phòng ở. Đây là giường ngủ, kia là bàn làm việc, chỗ này cất hành lý, chỗ kia là tủ xây trong tường (built-in wardrobe) cất gối mền, cách mở tủ lấy gối mền ra, nếu lạnh quá thì có máy sưởi dưới nệm, toilet thì ở bên cạnh phòng… Ôi thôi! Nhiều quá làm sao tôi có thể nhớ hết được. Đến giờ đi ngủ, tôi mở tủ lấy gối mền ra đắp, nhưng không thể nào mở ra được. Tôi quyết định ngủ không gối không mền cũng chả sao.

Khi lên giường, tôi không thể nào ngủ được vì cái lạnh xen lẫn cái cảm giác cồn cào vì đói bụng và lạ giường, lạ nhà làm cho tôi nhớ nhà. Bây giờ, nếu gọi bà chủ để hỏi cách mở cửa tủ thì bất lịch sự quá. Nhìn ra cửa sổ, đêm tối, đường vắng lặng, có ai đang đứng nhìn mình kìa. Làm sao tôi có thể bật cái máy sưởi dưới nệm? Nhỡ mà cháy thì sao đây? Sao trí tưởng tượng của tôi lại phong phú thế? Tôi cố đếm từ 1 đến 100 mà không tài nào chợp mắt được. Cuối cùng “cái khó cũng bó cái khôn”, tôi nảy ra sáng kiến là lấy cái áo khoác ngoài thay thế cái mền và cái khăn tắm làm cái gối. Tuy vậy, khi tôi đắp áo đằng ngực thì lạnh đằng chân, đắp đằng chân thì lạnh đằng ngực vì cái áo ngắn không đủ che hết đầu và chân.

Cuối cùng, tôi lại sáng tạo thêm là nằm nghiêng một bên và co hai chân lên, đắp “cái mền ngắn” mới vừa vặn, rồi một lúc sau thì đổi bên. Tôi nhìn đồng hồ, 1h khuya rồi, tôi thiếp đi khi nào không hay. Sáng hôm sau, bà chủ nhà chào và hỏi tôi có ngủ ngon không. Tôi kể hết mọi chuyện, bà chủ tươi cười và nói: “chúng tôi ngủ trong cái giường, chứ không phải trên cái giường” và chỉ cho tôi bấm khóa rồi kéo ra.

Sống ở nhà dân (homestay) có nhiều điều thú vị và có cơ hội tìm hiểu về văn hóa ẩm thực, cũng như cuộc sống hàng ngày của người dân New Zealand như thế nào. Ông bà chủ nhà đưa tôi đi chơi nhiều nơi như hội chợ, siêu thị, mua sắm, bể bơi, đi canô trên biển, nhà hàng, mua thức ăn nhanh, xem cuộc thi dance, tổ chức barbecue… Để đáp lại lòng chân tình đó, tôi cũng trổ tài nấu những món ăn Việt Nam cho cả nhà thưởng thức.

Kỷ niệm không thể nào quên 2

Bữa ăn tối tại gia đình nhà trọ.

Hàng ngày, xe buýt đưa chúng tôi đến trường họp và dự giờ thăm lớp. Bác tài xế già rất vui tính và thân thiện, lái xe buýt đưa chúng tôi đi và về. Một ngày nọ, bác tài xế đưa cả nhóm chúng tôi về nhà của bác chơi, ăn bánh và giới thiệu với vợ con... Nhà của bác ở trên ngọn đồi cao, chung quanh bao bọc bởi những bụi hoa hồng nhiều màu rất đẹp.

Người tiếp theo mà tôi gặp là một “tài xế bất đắc dĩ”. Hôm ấy, tại một trường trung học, dự giờ xong 2 tiết, chúng tôi về sớm hơn dự định, nên không đợi bác tài  xế già đến đón nữa. Tôi xin xe quá giang (hitch- hike) thử xem ở New Zealand có gì khác so với ở Việt Nam không. Bác tài xế tuổi trung niên này là một giáo viên đang trên đường đi xem học sinh của trường mình thi đấu bóng đá với một trường trung học khác. Bác không ngại cho chúng tôi lên xe và đưa chúng tôi về đến trường Đại học Dunedin.

Vào một ngày chủ nhật đẹp trời, nhà trường tổ chức cho chúng tôi đi tham quan những danh lam thắng cảnh. Trước hết, chúng tôi đến thăm lâu đài Larnach xinh đẹp và thơ mộng. Nếu ai có tâm hồn lãng mạn và yêu nghệ thuật thì cũng không quên ghi lại những tấm hình bên những cụm hoa nhiều màu sắc xinh tươi. Những bãi cỏ xanh  và quang cảnh chung quanh lâu đài là nguồn cảm hứng cho những ai yêu thi ca.

Tạm biệt lâu đài Larnach, chúng tôi đi tham quan chim cánh cụt mắt vàng (yellow-eyed penguine). Đây là loài chim đặc biệt ở New Zealand có cặp mắt vàng đẹp long lanh làm say đắm bao lòng du khách. Tiếp đến, những con chim biển (albratross) có đôi cánh dài khổng lồ, có thể bay xa gần 10. 000 km. Những con hải cẩu nằm phơi mình trên tảng đá, trong khi những ngọn sóng biển trắng xóa vỗ vào vách đá như những dãi ribbon.

Kỷ niệm không thể nào quên 3

Lâu đài Larnach.

Anh tài xế trẻ lái chiếc xe nhỏ, không trần che (amphibious), loại xe có thể đi trên cạn và lội dưới nước, đi qua những con đường vòng vèo quanh co đầy nguy hiểm. Tôi cảm thấy thích thú  nhưng không kém phần hồi hộp và lo sợ, nhỡ mà có tai nạn thì tôi như thế nào đây? Ngồi bên anh tài xế trẻ, tôi cảm thấy bất an, nên xin lỗi trước rồi hỏi tuổi của anh ấy và làm nghề lái xe được bao lâu rồi. Anh ấy trả lời là 27 tuổi, lái xe được 2 năm trong nghề, nhưng ngày nào anh cũng đưa khách du lịch đi nhiều  lần như thế. Tôi nghĩ thầm: “Hai năm trong nghề là thời gian quá ngắn, thôi thì trăm hay không bằng tay quen, tuổi trẻ tài cao, tôi an tâm hơn và xin giao mạng sống của tôi cho anh đấy nhé” . Chuyến tham quan đã giúp cho tôi tận mắt nhìn thấy một  phần nào mà báo chí đã ca tụng về đất nước New Zealand.

Cuộc vui nào rồi cũng đến lúc tàn, cuộc gặp gỡ nào rồi cũng đến lúc chia tay. Hai tháng trôi qua, giờ chia tay đã đến, tôi tạm biệt những người bạn New Zealand thân yêu để trở lại Việt Nam. Bà chủ nhà trọ ôm tôi và trao cho tôi một món quà kỷ niệm do chính tay bà làm, hai hàng nước mắt của tôi chảy dài trên má. Buổi chia tay quyến luyến làm cho cô người Nhật mới đến ở trọ cũng ứa nước mắt theo.

Đến sân bay, trước khi vào chỗ an ninh để vào phòng đợi lên máy bay, bà Erica kéo tay tôi lại và nói: “Hoàn, đứng lại đây đã nào! Em là người đi sau cùng”. Tôi thầm nghĩ “lại chuyện gì nữa đây?”. Tôi do dự nhưng vẫn vâng lời đứng lại, chờ cho mọi người đi vào hết, bà Erica chào tạm biệt và hẹn gặp lại. Một cử chỉ nhỏ nhưng giá trị tinh thần rất lớn làm tôi bồi hồi, xúc động.

Một chuyến đi đáng nhớ, một kỷ niệm khó quên, những con người New Zealand thân thiện và hiếu khách, một đất nước yên bình với phong cảnh thiên nhiên bao la đã khắc sâu vào tâm trí tôi. Hai tháng là thời gian quá ngắn ngủi đối với tôi chưa thể nào hiểu hết tính cách con người, phong tục tập quán của  New Zealand, nhưng dẫu sao, những người New Zealand tôi từng gặp quả đúng là những con người có tấm lòng hào hiệp. Một đất nước có những phong cảnh cũng đẹp tuyệt vời. Thời gian trôi đi và trôi đi mãi, tất cả chỉ là kỷ niệm còn đọng lại trong ngăn ký ức của tôi. Tôi thực sự lấy cơ hội này làm kho tàng quý báu cho suốt cuộc đời của tôi về sau này.

Từ 31/3 đến 20/4, Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam và báo VnExpress tổ chức cuộc thi "New Zealand - Chân trời mới 2015". Người dự thi có thể tự do mô tả cảm nhận của mình về đất nước này một cách sáng tạo thông qua các chủ đề mở như con người, văn hóa, ẩm thực, cảnh vật... Giải nhất của cuộc thi là chuyến du lịch trọn gói dành cho hai người tới quốc gia này. Độc giả gửi bài dự thi tại đây . Các câu hỏi liên quan đến cuộc thi xin gửi về nguoivietvnexpress@gmail.com hoặc điện thoại: 0123.888.0123 - số lẻ 4542.

Lê Thị Phước Hoàn

Nguồn tin: vnexpress


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Bình Luận Facebook
Showbiz
Tin thế giới
Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 227
  •   Máy chủ tìm kiếm 1
  •   Khách viếng thăm 226
 
  •   Hôm nay 54,255
  •   Tháng hiện tại 256,584
  •   Tổng lượt truy cập 133,340,332