Tan tình cảm vợ chồng vì chuyện một người đứng tên mua nhà

Thứ bảy - 02/01/2016 19:50
Tan tình cảm vợ chồng vì chuyện một người đứng tên mua nhà Tan tình cảm vợ chồng vì chuyện một người đứng tên mua nhà

Ông bác sĩ 71 tuổi cho rằng bỏ tiền riêng mua nhà nên phải mình ông đứng tên sổ đỏ, còn vợ khẳng định có góp một nửa, bị chồng lừa dối không cho cùng sở hữu nên phải kiện ra tòa.

Một chiều cuối năm, ông Quang (71 tuổi) mệt mỏi ngồi vào vị trí bị đơn trong phòng xử tại TAND thành phố Huế. Ở ghế bên cạnh, bà Vân (vợ ông) là nguyên đơn trong vụ kiện đòi phân chia tài sản và ly hôn. 

Bà Vân khai từng đổ vỡ hôn nhân, năm 2001 hai người đến với nhau. Một năm sau bà mang thai, để chuẩn bị cho tương lai họ bỏ tiền mua chung một ngôi nhà. Trong tổng số tiền 560 triệu đồng thời điểm đó, bà bỏ ra một nửa. Lúc tìm mua nhà, bà có đi cùng chồng. Nhưng sau đó do ốm nghén, sức khỏe yếu, mọi giao dịch do ông Quang đảm trách. Không quan tâm đến chuyện giấy tờ nhà, một ngày bà kiểm tra và bàng hoàng thấy giấy tờ sổ đỏ chỉ đứng người chồng.

Tức giận, bà Vân gửi đơn tới tòa đề nghị giải quyết tranh chấp về tài sản là mảnh đất và tài sản gắn liền trên đất. Từ đây, vợ chồng bắt đầu sống ly thân. 

Theo bà Vân, ngày đầu mới về ở căn nhà mới, chồng cũng đón luôn ba cô con gái riêng về sống cùng nên mâu thuẫn gia đình thường xuyên xảy ra. “Không muốn cuộc sống gia đình mới rơi vào ngõ cụt để rồi chia ly nên tôi cố chịu đựng cảnh sống chung với con chồng”. Bà Vân cho rằng do người chồng có ý định “độc chiếm” ngôi nhà nên bà mới phải làm đơn kiện và muốn tòa giải quyết ly hôn.

Trong lúc vợ trình bày, ông Quang mặt biến sắc, bặm môi và liên tục lật giở đống giấy tờ trên bàn. Ông cho rằng những lời vợ khai là “bịa đặt”. Trước khi kết hôn, ông và bà có tình cảm nhưng không sống chung như bà khai.

“Lúc đó, bà ấy ở một nơi, tôi ở một nơi, thi thoảng mới gặp nhau. Là bác sĩ, sau 6 năm đi tu nghiệp ở nước ngoài, tôi được nhận 80.000 USD, có giấy biên nhận. Tiền mua nhà được trích ra từ số tiền này. Hồi đi mua nhà, nghĩ sau này là vợ chồng, tôi mới dẫn bà theo", bị đơn trình bày.

Ông Quang cho hay: "Nếu bà ấy vì muốn chiếm căn nhà mà đòi ly hôn, tôi không đồng ý. Còn cho rằng sống với tôi không hạnh phúc mà ly hôn, tôi sẽ chấp nhận”.

Tan tình cảm vợ chồng vì chuyện một người đứng tên mua nhà 1

Suốt thời gian diễn ra phiên xét xử, hai vợ chồng không một lần nhìn mặt nhau. Ảnh: Đắc Đức.

Ông Quang kể lúc mua nhà, ông và chủ nhà có biên nhận “giấy đặt cọc tiền” và “giấy nhận thêm tiền”. Sau khi hoàn tất các thủ tục, hợp đồng được Phòng công chứng số 1 tỉnh Thừa Thiên – Huế chứng nhận. Dù nghĩ hai tờ giấy biên nhận trên chẳng còn giá trị nhưng ông vẫn cất trong tủ. Lúc bị kiện, ông xin sao lưu hồ sơ tại tòa mới hoảng hốt phát hiện tên người vợ cùng chữ ký đột nhiên xuất hiện trong hai tờ “giấy đặt cọc tiền” và “giấy nhận thêm tiền”.

Ông cho rằng bà Vân đã đánh cắp hai tờ giấy trên rồi chèn thêm tên và chữ ký vào. Ông đã tìm đến cơ quan chức năng, xin sao lưu lại hồ sơ năm xưa thì trong “giấy nhận thêm tiền” mà Công an TP Huế cung cấp cho ông "không hề có chữ ký của vợ".

“Tại sao trong hai tờ giấy “giấy nhận cọc” và “giấy nhận thêm tiền”, bà lại không ký ngang hàng cùng với chồng ở vị trí phía dưới (bên mua) mà lại ký chèn ở giữa (bên mua và bên bán). Chưa kể chữ ký của bà còn nằm chếch lên trên so với hai chữ ký kia? Bà là người làm ăn, rất từng trải, chẳng lẽ bà không nhìn thấy sự khác thường đó?”, thẩm phán hỏi bà Vân.

Giọng ngập ngừng, bà Vân đáp: “Lúc đó, họ bảo tôi ký chỗ nào thì tôi ký chỗ đó chứ tôi không biết”.

Quay sang hỏi ông Quang, chủ tọa nói: “Là vợ chồng với nhau mười mấy năm, sao mấy năm trước khi làm sổ đỏ, ông không cho bà đứng tên cùng? Có phải ông nghĩ mình sẽ ly hôn nên mới bảo vệ tài sản riêng?”. Ông Quang đáp: “Nhà là của tôi mua, là tài sản riêng do tôi tạo lập, nên việc tôi đứng tên một mình trong sổ đỏ là hợp lý”.

Ông cho hay cũng từ chối yêu cầu của bà Vân về việc viết di chúc để lại toàn bộ tài sản cho cậu con chung 14 tuổi với lý do tài sản phải được phân chia đều cho các con của ông, không kể gái hay trai. “Sau khi tôi với bà ấy kết hôn, có xây 6 phòng trọ cho thuê, đó là tài sản chung duy nhất của vợ chồng. Nếu chia tài sản, bà ấy chỉ được nhận 3 phòng trọ”, ông Quang trình bày.

Trong lúc HĐXX nghị án, bà Vân nói đã lén lấy các giấy tờ về nhà đất của chồng rồi mang về quê nhờ người bố cất giữ giúp suốt nhiều năm. Vì tranh chấp nhà, bà cùng bố về quê lấy giấy tờ, trên đường đi gặp tai nạn khiến cụ ông qua đời. Cho rằng tài sản trên đã được đánh đổi bằng máu và nước mắt của người thân nên bà nhất quyết “đòi” bằng được.

Sau phần nghị án kéo dài nhiều ngày, HĐXX nhận thấy ngôi nhà và đất là tài sản chung được tạo lập trong thời gian hôn nhân nên tuyên người chồng nhận 60% tài sản, người vợ nhận 40% tài sản. Do được quyền nuôi con, tòa giao tài sản cho bà Vân quản lý và phải thanh toán lại cho bị đơn 60% giá trị.

Rời phiên xử, ông Quang quả quyết: “Tài sản là của riêng tôi, nhất định không thể để rơi vào tay bà ấy”.

Đắc Đức

*Tên của hai vợ chồng đã  thay đổi.

Nguồn tin: vnexpress


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Bình Luận Facebook
Showbiz
Tin thế giới
Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 142
  •   Máy chủ tìm kiếm 1
  •   Khách viếng thăm 141
 
  •   Hôm nay 13,084
  •   Tháng hiện tại 800,600
  •   Tổng lượt truy cập 130,384,369